(Thethaovanhoa.vn) - Việc chúng ta nhìn thấy hình ảnh những cầu thủ nước ngoài như một quý ông trong bộ vest lịch lãm mỗi khi họ đi thi đấu ở một nơi nào đó đã trở nên quá quen thuộc từ nhiều năm qua. Nhưng với bóng đá Việt Nam, đại đa số các đội bóng từ CLB cho đến ĐTQG, một bộ vest “xịn” đồng phục cho cả đội dường như vẫn là điều gì đó quá xa xỉ.
Các đội bóng Việt Nam thờ ơ trong việc “đánh bóng” hình ảnh của chính mình hay việc thiếu kinh phí khiến chuyện trang phục trình diễn chưa quan tâm đúng mức? Cả 2 lý do này đang tồn tại song song nhưng có lẽ đã đến lúc cần phải thay đổi điều đó.
“Quần đùi áo số” kể cả khi… không ở trên sân
Chỉ cần một cú click chuột trên máy tính, bạn có thể search ra hàng chục nghìn bức ảnh cho một từ khóa ví dụ như “ĐTVN về nước” trên internet. Điểm chung trong hầu hết các bức ảnh đó là hình ảnh các cầu thủ trong bộ đồ thể thao trông khá giản dị ở sân bay. Nếu là mùa nóng, thì họ thường mặc áo phông đồng phục với quần sooc hoặc quần lửng với giày thể thao. Còn nếu vào mùa lạnh thì là bộ suvec.
Hình ảnh này được bắt gặp một cách rất thường xuyên trong nhiều năm qua và nhiều người vẫn nói đùa rằng, trông từ xa đã biết ngay đó là cầu thủ. Bởi chính bộ trang phục đã nói lên họ là cầu thủ bóng đá dù có bị vây quanh bởi rất nhiều người hâm mộ. Với giới cầu thủ, khái niệm “quần đùi áo số” đã trở thành mặc định kể cả khi họ không ở trên sân cỏ và có một thực tế, ở không ít các sự kiện, rất nhiều ngôi sao của bóng đá Việt Nam vẫn xuất hiện trong trang phục như khi họ chuẩn bị tới sân tập luyện.
Cũng từ hàng chục ngàn bức ảnh ấy, rất hiếm hoi mới có thể tìm được những bức ảnh mà các cầu thủ trong các bộ trang phục lịch lãm hoặc “bảnh bao” hơn. Chuyện mặc vest khi đi thi đấu quốc tế hoặc khi trở về của các đội bóng của Việt Nam từ cấp CLB đến ĐTQG dường như là một điều gì rất khó để thực hiện. Hoặc nếu có, nó cũng chưa được thực hiện một cách triệt để, đồng bộ và khá phập phù.
Các cầu thủ không quá chú ý đến hình ảnh cá nhân trước công chúng hay những nhà quản lý còn nhiều việc phải làm, phải lo lắng nên chuyện ăn mặc của một đội bóng không quá quan trọng bên cạnh các vấn đề chuyên môn? Cả 2 lý do này đều có thể giải thích cho thực tế nêu trên và nếu đúng như vậy thì đã đến lúc điều đó cần phải thay đổi, khi bóng đá Việt Nam thực sự cần cải thiện hình ảnh của mình không chỉ bằng những cú vượt ngưỡng về thành tích trên sân cỏ.
Trở thành những quý ông, tại sao không?
Có thể dễ dàng nhận ra một điều, chỉ cần trút bỏ trang phục thể thao quen thuộc và khoác trên mình những bộ vest hay đơn giản hơn là quần âu, áo sơ-mi và chiếc cà-vạt cùng với đôi giày tây, những cầu thủ bóng đá Việt Nam ngay lập tức trở thành những quý ông lịch lãm, bảnh bao trong mắt người hâm mộ. Thậm chí, có những trường hợp cá biệt khi khoác lên mình “bộ cánh” đẳng cấp, trông họ giống như “soái ca”, không hề thua kém ngôi sao của giới giải trí hoặc diễn viên điện ảnh.
Ở một góc nhìn khác, trang phục của một đội bóng khi xuất hiện trước công chúng không chỉ đơn thuần là chuyện ăn mặc, mà có thể nó gắn liền với hình ảnh của một địa phương hay cả quốc gia mà đội bóng đó đại diện. Kết quả thi đấu trên sân cỏ khẳng định sự thành công của một đội bóng nhưng hình ảnh chỉn chu, lịch lãm cũng một trong yếu tố cho thấy đội bóng đó có thực sự chuyên nghiệp hay không.
Trong thời gian gần đây, điều đáng mừng là chuyện trang phục của một số CLB hay ĐTQG đã được các nhà quản lý quan tâm nhiều hơn, thông qua sự tiên phong trong cách thay đổi trang phục khi đi thi đấu quôc tế của những CLB như HAGL, Hà Nội hoặc đội tuyển U19, đội tuyển Việt Nam…
Tuy nhiên, con số này quá ít trong số rất nhiều các CLB bóng đá chuyên nghiệp và các đội tuyển quốc gia của bóng đá Việt Nam. Rất mong một ngày không xa, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều hơn hình ảnh những quý ông lịch lãm của bóng đá Việt Nam khi họ xuất hiện trước công chúng.
Còn chuyện trang phục của một đội bóng, đừng nghĩ nó là chuyện nhỏ.
400 triệu đồng cho đồng phục vest Kinh phí cho đồng phục vest và giày cho cả một đội bóng từ BHL cho đến các cầu thủ (30 người) vào khoảng 400 triệu đồng. Đây cũng là giá trị của bản hợp đồng tài trợ trang phục mà thương hiệu Veneto vừa ký với CLB Hà Nội cách đây ít ngày. Trên thực tế, đây không phải số tiền quá lớn đối với 1 CLB bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam so với kinh phí hoạt động tối thiểu khoảng 30 tỷ đồng trong một mùa giải. Điều đáng nói là không nhiều đội bóng đặt hàng về trang phục vest cho các cầu thủ mà hầu hết là các bản hợp đồng tài trợ của các thương hiệu thời trang chủ động tìm đến như cách để quảng bá thương hiệu. |
Vũ Lê
Tags