"Ngày xưa có một chuyện tình", phim mới của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh trở thành phim Việt Nam duy nhất tham gia "đường đua" Phim dài dự thi tại LHP quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần VII (cùng với 10 ứng viên đến từ các nền điện ảnh của thế giới). Rất nhiều kỳ vọng được đặt ra với bộ phim này.
Ngày xưa có một chuyện tình là một trong những tuyệt bút của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đi vào kí ức, kỉ niệm của nhiều thế hệ bạn đọc. Tác phẩm liên tục được tái bản trước khi được chuyển thể thành bộ phim cùng tên của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh.
Ngay từ những suất chiếu đầu tiên, bộ phim đã được khán giả nồng nhiệt đón nhận thể hiện qua những phản hồi trực tiếp sau khi xem: bộ phim đẹp quá, tình yêu đẹp quá, đất nước mình đẹp quá… cùng nhiều nỗi "ân hận" vì đã đi xem mà quên không mang khăn giấy.
Lựa chọn nào là duy nhất đúng?
Câu chuyện tình tay ba giữa ba người bạn thân là Miền - Vinh - Phúc từ những năm 80 của thế kỉ trước được tái hiện dịu dàng trong không gian làng quê, dưới bóng mát cây đa già, nhưng lại gói ghém những cơn sóng ngầm bởi tình yêu đặt các nhân vật vào nhiều lựa chọn mà không có lựa chọn nào dễ dàng: giữa tình yêu và tình bạn, giữa cảm xúc và lí trí, giữa nghĩa và tình, đặc biệt giữa tự do và chiếm hữu vốn là những vấn đề muôn thủa trong đời sống mỗi con người.
Nhân vật chính trong bộ phim là Vinh, Phúc và Miền, 3 người bạn học chung từ thơ ấu, lớn lên và trưởng thành cùng nhau ở thị trấn Hà Lam. Vinh là cậu bé gầy gò, nhút nhát, tình tình yếu đuối, còn Phúc ngược lại, to con, khỏe mạnh và cá tính... Vào cấp 3, Phúc tạo mọi cơ hội cho Vinh tỏ tình với Miền, nhưng Vinh vẫn không dám nói. Phúc đành hỏi Miền thì bất ngờ nhận được câu trả lời: Miền "thích" bạn thân nhất của Vinh.
Chọn tình bạn hay tình yêu, giữ lại điều gì và điều gì sẽ mất là những câu hỏi day dứt với hai chàng trai mới lớn, đã từng sống chết vì nhau. Chi tiết Phúc thẳng thắn kể lại chuyện Miền và Phúc với Vinh cùng hình ảnh Phúc cầm khúc cây lớn đặt vào tay Vinh nói: "Mày đánh tao đi!" là một chi tiết bất ngờ. Không gây sốc bằng những éo le, trắc trở, chính sự thẳng thắn, sáng trong của hai chàng trai mới lớn đầy tự trọng đã đẩy họ vào tình thế lựa chọn giữa tình bạn và tình yêu, giữa còn và mất, giữa ngay thẳng và gian trá. Sự thẳng thắn, kiêu hãnh của tuổi trẻ thể hiện qua ánh mắt đau khổ, giằng xé, cái cúi đầu bất lực và cả sự thừa nhận của Vinh khi nói với Phúc "Mày đâu có làm gì sai"? Diễn xuất kiệm lời cùng biểu cảm chất chứa tâm trạng của hai nhân vật, đẩy cảm xúc của khán giả lên cao trào. Bởi lẽ, những tình thế ngang trái ấy, có ai không từng gặp trong đời sống? Nhưng rút lui hay tiến tới, chọn bạn hay mất bạn, có lẽ luôn là những lựa chọn không dễ dàng.
Không dừng lại ở đó, bộ phim tiếp tục đặt các nhân vật ở thử thách khác... 3 nhân vật giờ đây tiếp tục rơi vào tình thế buộc phải lựa chọn lần nữa? Vinh có thể nhân danh người chồng hợp pháp, nhân danh đạo đức để lên án người bạn cũ (Phúc) và trách mắng vợ (Miền). Miền rơi vào tình huống éo le: giữa người chồng hiện tại và người yêu năm xưa, bố của con mình, cô nên lựa chọn ai? Phúc cũng đầy day dứt nhưng khi quyết định "đạp lên" đạo đức, anh đã nghĩ rằng mình cần bù đắp cho cả Miền và con suốt những năm sau này để chuộc lại lỗi lầm.
Những khó khăn, phức tạp của tình thế khiến bản thân mỗi nhân vật khó có thể nhận rõ: mình nên làm gì, đâu là đúng đâu là sai? Một câu thoại thường hay được lặp lặp trong bộ phim là: "Tao không biết"! "Miền không biết"! Câu thoại ấy, có thể khiến độc giả cảm thấy bất bình nhưng lại phản ánh sự rối ren trong nội tâm của mỗi người trong cuộc. Nhất là trong tình yêu, đôi khi ranh giới đúng sai, nên hay không nên, luôn hết sức khó khăn với mỗi người. Sự "không biết" ấy, lại phản ánh chính xác tâm trạng mơ hồ và nhiều băn khoăn, khắc khoải của con người trên con đường tìm mình, hiểu mình và nhận thức về giá trị đích thực của đời sống.
Vinh đã có một lựa chọn không dễ dàng khi đi công tác vào đúng đêm Phúc hẹn Miền bỏ đi. Vinh hiểu, anh có thể mất vợ, mất con, mất cả một gia đình trong gang tấc. Nhưng Vinh chấp nhận. Lựa chọn điều này có lẽ bởi Vinh đã đặt tình yêu với Miền cao hơn quyền lực của một người chồng, cao hơn sự ích kỉ của một người đàn ông, anh đã đặt hạnh phúc của Miền cao hơn mất mát của anh nên để cô tự do lựa chọn. Người đàn ông tưởng yếu đuối về thể chất, nhút nhát trong cư xử, hành động hóa ra lại là một người đàn ông vô cùng mạnh mẽ, bản lĩnh và vị tha trong tình yêu.
Nhân vật Vinh khiến người xem có thể bất ngờ, vì hóa ra, những gì ta tưởng hiểu về con người xung quanh hoàn toàn có thể không phải là sự thật. Chàng trai mạnh mẽ, cương cường như Phúc hóa ra lại cư xử đầy yếu đuối khi bỏ đi biệt tích, thất hứa với người con gái mình yêu. Miền chọn ai? Bố ruột của con cô hay người chồng hiện tại?
Đặt nhân vật vào những chiều kích của lựa chọn, buộc phải chọn lựa, đạo diễn đã không chỉ kể câu chuyện về một cuộc tình tay ba mà còn kể câu chuyện về cuộc sống đời thường nhưng lại ngổn ngang những tình thế mà con người luôn phải chọn lựa. Và khó có thể nói đâu là lựa chọn duy nhất đúng hay đâu là lựa chọn cuối cùng. Chính sự vận động đổi thay của những tình huống, làm mở ra ánh sáng, vẻ đẹp và cả những giá trị cũng như những mặt khuất lấp của mỗi cá nhân mang tên gọi Con Người.
Những câu chuyện muôn thủa của tình yêu
Ngày xưa có một chuyện tình là một bộ phim đậm chất Việt Nam. Những cảnh quay với góc máy linh hoạt đã làm hiện ra bức tranh làng quê dịu hiền với đồng lúa vàng, con sông uốn lượn, bãi ngô bên sông, những bông sen ngát hương, con suối nhỏ hiền hoà. Hình ảnh, tính cách và số phận mỗi nhân vật cũng mang đậm màu sắc Việt Nam.
Tuy nhiên, câu chuyện về những lựa chọn khó khăn trong tình yêu của bộ phim lại chạm tới những bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới có cùng chủ đề này. Đó là Casablanca với mối tình tay ba đầy day dứt, éo le giữa Richard - Ilsa và Victor; là Trân Châu cảng với câu chuyện tình của hai người bạn thân vốn là hai chàng phi công và cô y tá xinh đẹp Evelyn; là Chạng vạng với mối tình của cô gái Bella với chàng ma cà rồng Edward và người sói Jacob, cùng nhiều bộ phim khác của điện ảnh Việt Nam và thế giới.
Những điểm chạm về chủ đề cho thấy: tình yêu mang tới cho con người cùng lúc cả hương thơm và vị đắng, hạnh phúc và trái ngang, hi vọng và tuyệt vọng cũng như nhiều cung bậc đa dạng khác của cảm xúc. Dù vậy, hơn hết, tình yêu vẫn luôn là quà tặng quý giá mà con người không thể chối từ. Những thử thách của tình yêu luôn đặt con người đứng trước những giới hạn khó khăn, phức tạp. Từ đó, tình yêu hoặc chói sáng hoặc lụi tắt mà khó có thể chấp nhận trạng thái lửng lơ. Những lựa chọn, dù gây đau, nhưng vẫn là những lựa chọn mỗi cá nhân buộc phải chấp nhận trong cuộc đời.
Bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình đã mang tới một "định dạng" mới cho tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Kể chuyện từ nhiều góc nhìn khác nhau, chuyển cảnh mượt mà, diễn xuất tinh tế và những thước phim được trau chuốt công phu đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm điện ảnh này.
Bên cạnh đó, Ngày xưa có một chuyện tình còn đặt ra một vấn đề khá hiện đại đó là quyền được tự do và tự quyết trong tình yêu, với người yêu. Khi Vinh để Miền tự do lựa chọn, anh đã hiểu, điều anh cần là hạnh phúc của cô gái, là một tình yêu tự nguyện, trọn vẹn suốt đời chứ không phải những gắn kết bởi pháp lý và nghĩa vụ. Hi sinh, tận tuỵ, dâng hiến hoặc sở hữu chỉ là những tín niệm trói buộc tình yêu. Vì thế, bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình, kể chuyện tình xưa mà chạm đến câu chuyện về tình yêu và hạnh phúc vẫn còn nguyên giá trị nhân bản và đẹp đẽ ở hôm nay.
Tags