Thu nhập 9 triệu đồng mới phải nộp thuế

Thứ Bảy, 27/10/2012 08:08 GMT+7

Google News

Sáng 26.10, Chính phủ đã trình ra QH dự luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi). Theo tờ trình thì mức thu nhập cá nhân từ 9 triệu đồng/người/ tháng trở lên mới phải nộp thuế.

Chính phủ cho rằng mức điều chỉnh như vậy sẽ có hiệu ứng tích cực về mặt KT-XH.

Tuy nhiên, UBTVQH lại cho rằng nếu sửa như vậy sẽ dẫn đến thu hẹp đối tượng phải nộp thuế, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu NSNN.

Cùng với việc trình QH dự án luật sửa đổi, Chính phủ cũng đã trình ra QH rất nhiều tài liệu liên quan để khẳng định việc nghiên cứu, đánh giá tác động của dự luật đã được thực hiện nghiêm túc, có cơ sở khoa học và hoàn toàn khả thi.

Chính phủ đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Theo mức giảm trừ gia cảnh này thì người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng/tháng chưa phải nộp thuế, người có 2 người phụ thuộc có thu nhập từ 16,2 triệu đồng/tháng trở xuống chưa phải nộp thuế; người có thu nhập 20 triệu đồng/tháng nếu có 1 người phụ thuộc chỉ nộp thuế 490 nghìn đồng/tháng (bằng 2,45% thu nhập chịu thuế), phần thu nhập của cá nhân sau khi nộp thuế là 19,51 triệu đồng; tương tự, nếu có 2 người phụ thuộc thì số thuế nộp chỉ 190 nghìn đồng/tháng (bằng 0,95% thu nhập chịu thuế) và phần thu nhập sau khi nộp thuế là 19,81 triệu đồng.

Theo tính toán của Chính phủ thì với mức giảm trừ gia cảnh này, mức điều tiết thuế được giảm ở tất cả các bậc, 100% người nộp thuế ở bậc 1 hiện nay sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế, 72% số người nộp thuế đang nộp ở bậc 2 sẽ được chuyển sang nộp thuế ở bậc 1, tương tự mức điều tiết giảm ở tất cả các bậc còn lại (do việc nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng sẽ tác động giảm thu nhập tính thuế tương ứng ở tất cả các bậc) nên việc sửa đổi các mức thuế suất và độ dãn cách giữa các bậc thuế của biểu thuế hiện hành không cần phải đặt ra.

Cũng theo tính toán của Chính phủ thì, nếu thực hiện điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh từ khi dự kiến luật có hiệu lực từ 1.7.2013 thì dự kiến số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỉ đồng và giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỉ đồng.

Mặc dù đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) tán thành với mức giảm trừ gia cảnh như quy định của dự thảo luật được Chính phủ trình, nhưng UBTCNS vẫn cho rằng việc nâng mức thu nhập phải chịu thuế như vậy sẽ thu hẹp đối tượng phải nộp thuế, chỉ còn khoảng 1 triệu người so với 3,87 triệu người phải nộp thuế TNCN như hiện nay.

Tương tự như vậy, số lượng hộ kinh doanh cá thể thuộc diện nộp thuế TNCN cũng giảm khá lớn, điều đó dẫn đến không duy trì và phát huy kết quả đạt được trong quá trình thực thi luật thời gian qua.

Hơn thế nữa, UBTCNS cũng lo ngại  việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ  ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu NSNN, sẽ làm giảm nguồn lực để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách.

Nếu gọi tên là “thuế thu nhập cao” thì sẽ không xảy ra tranh luận

Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) được trình ra QH tại kỳ họp thứ tư đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận về mức giảm trừ gia cảnh khi UBTCNS cho rằng mức giảm trừ gia cảnh như trong dự luật gây ảnh hưởng tới nguồn thu cho NSNN.

Chúng tôi đã PV một số ĐB về vấn đề này.

ĐB Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm UBTCNS của QH: Nếu thực hiện mức giảm trừ gia cảnh như vậy sẽ có quá ít người có thu nhập phải đóng thuế và như vậy sẽ không đúng với tên của luật. Nếu thay đổi tên của thuế thành thuế thu nhập cao thì phù hợp. Để đảm bảo nguồn thu mà vẫn chấp nhận mức giảm trừ gia cảnh do Chính phủ đề xuất trong dự luật, tôi nghĩ rằng nếu dự luật được biểu quyết có hiệu lực thi hành từ 1.1.2014 thay vì có hiệu lực vào 1.7.2013 thì từ nay đến đó thu được thêm trên 5,3 nghìn tỉ đồng sẽ đỡ hơn cho ngân sách.

ĐB Trần Du Lịch - Phó đoàn ĐB TPHCM: Luật Thuế thu nhập cá nhân được xây dựng từ xuất phát điểm là Pháp lệnh thuế thu nhập cao. Bản chất của luật là đánh thuế đối với người có thu nhập cao. Nếu để tên là thuế thu nhập cao thì không có gì tranh luận mà cố giữ tên là thuế thu nhập cá nhân mới xảy ra tranh luận về mức thuế. Về mức giảm trừ gia cảnh, tôi rất ủng hộ mức đề ra của Chính phủ trong dự luật vì nó phù hợp với điều kiện hiện nay.

Theo Lao động

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›