Khả năng châu Âu tránh được thảm họa khí đốt trong mùa Đông năm nay

Thứ Tư, 05/10/2022 12:18 GMT+7

Google News

Châu Âu có thể tránh được thảm họa khí đốt trong mùa Đông năm nay nhờ nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu giảm và chiến lược dự trữ hiệu quả, nhưng tình hình có thể xấu đi trong mùa Đông năm 2023 khi dự trữ khí đốt giảm nhiều. Đây là nhận định của ông Ben Luckock, Giám đốc điều hành công ty thương mại đa quốc gia Trafigura chuyên kinh doanh năng lượng, đưa ra ngày 4/10 tại một diễn đàn về năng lượng ở London (Anh).  

Giá khí đốt châu Âu giảm đáng kể trong tháng 9/2022

Giá khí đốt châu Âu giảm đáng kể trong tháng 9/2022

Theo dữ liệu của Sở giao dịch hàng hóa London ICE, giá khí đốt trong tháng 9/2022 đã giảm 24% so với cuối tháng 8, xuống khoảng 1.884 USD trên mỗi 1.000 m3.

Theo ông Luckock, có nhiều dấu hiệu cho thấy tiêu thụ năng lượng ở châu Âu đã giảm, do đó, châu lục này có thể tránh được  thảm họa trong mùa Đông năm 2022. Ông nêu rõ nhu cầu năng lượng trong ngành công nghiệp giảm 25-30%, cộng với chiến lược quản lý dự trữ hiệu quả cùng lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng có thể giúp châu Âu vượt qua mùa Đông năm nay.

Tuy nhiên, châu Âu sẽ cần một lượng khí đốt lớn để lấp đầy kho lưu trữ trong mùa Đông năm sau và những năm tiếp theo trong bối cảnh nguồn cung giảm mạnh và Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt cho nhiều nước châu Âu.          

Chú thích ảnh
Trạm nén khí đốt OGE, một trong những trạm trung chuyển khí đốt lớn nhất châu Âu, ở Werne, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Các đại biểu tham dự diễn đàn cũng có chung quan ngại trên với ông Luckock, cho rằng giá khí đốt có thể tiếp tục gia tăng do cơ sở hạ tầng LNG ở châu Âu không thể bù đắp lượng khí đốt thiếu hụt từ Nga. Giám đốc điều hành công ty Vitol Russel Hardy, nhấn mạnh sự cần thiết phải quản lý nhu cầu khí đốt trong 12-24 tháng tới.          

Giới phân tích ước tính châu Âu cần nhập khẩu khoảng 200 triệu tấn LNG trong thập niên tới để thay thế lượng khí đốt của Nga. Đức - khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga tại châu Âu, sẽ cần khoảng 40 triệu tấn LNG để thay thế 50 tỷ m3 khí đốt nhập khẩu từ Moskva qua đường ống Dòng chảy phương Bắc.

Năm ngoái, Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Tuy nhiên, con số này hiện giảm còn chưa đầy 10%.

Phan An/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›