(Thethaovanhoa.vn) - “Các nhà phê bình không thẩm thấu nổi. Nhưng người hâm mộ thì có. Nhạc của anh ta ủy mị, trơn mượt và đại chúng đến nỗi biến những nghệ sĩ dân túy nhất cũng thành kiểu đẳng cấp” - New York Times viết về nhạc công saxophone Kenny G cách đây 22 năm.
Trong bài viết năm 1993, nhà báo Peter Watrous cho rằng các nhà phê bình khá đanh đá gọi Kenny G là “mưu đồ tẩy não” của ngành công nghiệp âm nhạc. “Họ nguyền rủa tên anh ta, lãng quên anh ta. Hiếm khi một nghệ sĩ nào bán được nhiều đĩa nhạc mà lại bị giới phê bình lờ đi như vậy ”.
Kenny G đã bán được 75 triệu đĩa, là nghệ sĩ khí nhạc ăn khách nhất thời hiện đại. Nhạc của ông cũng bị xếp vào nhóm “ nhạc thang máy” - thuật ngữ châm biếm chỉ những bản nhạc đại chúng, hay được bật trong thang máy hoặc nơi công cộng. Ngày 13/10 tới, ông sẽ biểu diễn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội trong lần đầu đến Việt Nam.
Ông vua hay kẻ xúc phạm nhạc jazz?
Nhưng Kenny G (Kenneth Gorelick, năm nay 59 tuổi) khó có thể bị lờ đi đơn giản thế. Năm 1993, ông ra mắt đĩa nhạc Breathless cực kỳ thành công, bán được 3 triệu bản, với đĩa đơn Forever In Love về sau trở thành một trong những bản nhạc nổi tiếng nhất gắn với tên tuổi ông.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng nói Kenny G là nhạc công saxophone jazz yêu thích nhất của mình. Với vẻ ngoài “hậu hippie” và gương mặt dễ mến, Kenny G trở thành một nhân vật truyền thông. Những thành công này khiến công chúng đột nhiên yêu thích “nhạc jazz”. Kenny G còn được tung hô là “ông vua của thể loại jazz êm ái”.
Vấn đề là, nhạc của Kenny G thực ra không được giới phê bình coi là jazz. Ông được quảng bá tên tuổi như một nghệ sĩ chơi jazz, nhưng bị nói là “không biết chơi và sẽ không bao giờ biết chơi jazz”. “Âm nhạc của anh ta thiếu mọi yếu tố cấu tạo nên thể loại nhạc jazz” - Watrous viết. “Tác phẩm của anh thiếu hẳn sự ứng biến và thiếu độ lắc lư, không có chất blue, và anh ta còn không phân biệt được sự đa cảm và sự ủy mị”.
Và “Chẳng trách những người đã dành cả cuộc đời để biến jazz thành thể loại nhạc bậc thầy mà rất ít được công chúng thừa nhận, họ oán trách Kenny G”.
Trong chuyện này còn cả vấn đề sắc tộc, khi nhạc jazz có lịch sử dài gắn bó với người da đen trong quá trình đấu tranh giành quyền lợi và những niềm vui, nỗi buồn của họ, nên việc Kenny G xây dựng danh tiếng như một nghệ sĩ jazz bị coi là một sự xúc phạm.
“Kenny G, cùng với David Sanborn và những người khác đang kiếm tiền dựa theo danh tiếng nhạc jazz, thực ra không hề chơi jazz. Họ chơi thứ khí nhạc phong cách pop - êm dịu, cám dỗ và hữu dụng”. Để làm nên thành công của nhạc công này, truyền thông và tiếp thị có công rất lớn.
Thứ nhạc dọn sẵn cảm xúc cho người nghe
Tại sao Kenny G được yêu thích đến vậy? Đơn giản là vì nhạc ông… đơn giản. Ngay từ tên bản nhạc, ông đã “nói” ngay là người nghe nên thấy dạt dào tình cảm, buồn hay hy vọng. Đến nhạc pop cũng chẳng dễ dàng thế. Trong lĩnh vực này, Kenny G là vua. Không ai có một sự nghiệp dài đến thế (từ tận năm 1982 đến nay) mà chỉ chơi khí nhạc phong cách pop như ông.
Nhạc Kenny G dễ nghe với đủ loại tâm hồn và tâm trạng. Tên các bài hát: Going Home (Về nhà), Sentimental (Đa cảm), In The Rain (Trong cơn mưa), End Of the Night (Đêm muộn) và The Wedding Song (Bài ca đám cưới) đặt sẵn trạng thái cảm xúc cho người nghe chỉ việc “nhảy” vào. Giai điệu các bản nhạc cũng sử dụng những âm thanh, nhịp điệu và cách hòa âm cơ bản của nhạc pop.
Hãng đĩa Arista đã bán album Breathless của Kenny G như một đĩa nhạc pop thông thường, với những đĩa đơn được chọn theo chiến lược nhắm thẳng vào đài phát thanh. Vấn đề không phải là hay hay dở, cao cấp hay bình dân, vấn đề là sản xuất ra sản phẩm đúng với nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng. Âm nhạc, trong phần lớn trường hợp, chính xác là một sản phẩm.
Trong sự nghiệp kéo dài 33 năm tính đến nay, Kenny G đã phát hành tổng cộng 37 album, trong đó có nhiều album dành riêng cho các dịp lễ lạt và rất nhiều album tổng hợp các bản hit (loại đĩa nhạc phát hành để kiếm tiền).
Những bản nhạc nổi tiếng nhất của nghệ sĩ Kenny G:
Nha Đam (Theo New York Times)
Thể thao & Văn hóa
Tags