1. Nhưng trước đó, khủng long đã giành được thiện cảm của công chúng khắp thế giới, nhờ nhiều sản phẩm văn hóa khác.
Trước tiên phải nhắc tới Urmel, “ngôi sao” khủng long đầu tiên của Đức được “nở” hồi năm 1969, sau khi một đợt sóng biển đã đưa quả trứng dạt vào bờ. Đây là nhân vật chính trong cuốn truyện thiếu nhi cùng tên của Max Kruse. Sau đó, Urmel xuất hiện trên sân khấu và trở thành một ngôi sao.
Trên đảo Titiwu, khủng long nghịch ngợm, khuấy đảo cuộc sống của người dân nơi đây, gồm có giáo sư Habakuk Tibatong. Sau này, Urmel tái xuất trong một vở kịch gặt hái thành công lớn và một cuốn sách nói. Từ năm 2006, chú khủng long nhỏ bé này đã trở thành linh vật chính thức của đội bóng khúc côn cầu quốc gia Đức.
Trong khi đó, từ năm 1960 đến năm 1966, khán giả Mỹ háo hức bật kênh ABC vào giờ vàng hàng ngày để thưởng thức 30 phút phim trong loạt phim Gia đình Flintstone (Flintstone Family). Phim kể về gia đình Flintstone sống ở thành phố thời kỳ đồ đá Bedrock, nơi khủng long, hổ, voi mamut và nhiều động vật đã tuyệt chủng khác sống cùng người thượng cổ.
Khán giả đặc biệt yêu thích chú khủng long vụng về tên là Dino, sống cùng gia đình Flintstone. Đến nay, loạt phim này vẫn được nhiều người mê mẩn.
Giai đoạn những năm 1980, phim hoạt hình nổi tiếng The Land Before Time (1988), cũng mang tới các nhân vật khủng long giúp chinh phục hàng triệu trái tim khán giả.
Trong phim, chú khủng long nhỏ tên là Littlefoot và những người bạn của chú đã trải qua những cuộc phiêu lưu nguy hiểm khi tìm đường tới “Big Valley”, nơi có nhiều cây cối và nước cho loài khủng long. Dọc hành trình, mẹ của Littefoot đã bị khủng long bạo chúa ăn thịt. Nhiều người đã bật khóc khi xem cảnh phim này.
Những nhân vật khủng long hư cấu không chỉ đáng yêu, mà còn biết hát. Đó là trường hợp của khủng long Barney, đã tới với hàng triệu khán giả nhí, trong một chương trình truyền hình được phát sóng hồi những năm 1980.
Loạt phim gia đình Dinosaurs (1991-1994) dài 65 tập lại có những nhân vật khủng long biết nói, với chú khủng long Earl Sinclair rất nổi tiếng và được yêu quý do có nhiều câu nói dí dỏm.
2. Kỷ Jura trở nên sống động, hấp dẫn hơn từ năm 1993, khi đạo diễn Steven Spielberg làm khủng long “sống” lại bằng kỹ xảo điện ảnh, trong Công viên kỷ Jura (Jurassic Park). Phim kể về các nhà khoa học, nhờ những tiến bộ khoa học, có thể trích xuất ADN của khủng long, từ máu chứa trong các con muỗi bị kẹt lại trong nhiều miếng hổ phách. Cuối cùng họ nhân bản thành công loài động vật này, từng thống trị mặt đất cách nay 65 triệu năm.
Đến nay, 3 tập phim đầu trong loạt phim đã thu về hơn 1,9 tỷ USD từ lượng vé bán ra trên toàn thế giới.
Sau thành công của phim Công viên kỷ Jura, các sản phẩm ăn theo về khủng long xuất hiện ồ ạt trên thị trường. Nhiều hãng sản xuất đồ chơi đã tung ra những chú khủng long ngộ nghĩnh bằng nhựa hoặc dưới dạng thú nhồi bông. Các nhà lập trình trò chơi điện tử đưa chúng vào trong các tựa game của họ. Ngoài ra, nhiều công viên giải trí chủ đề cũng đặt các mô hình khủng long cỡ lớn, với đủ cung bậc cảm xúc.
Gần đây nhất, Công viên khủng long Teufelsschlucht nằm ở núi Eifel thuộc biên giới Đức – Luxembourg vừa được khai trương trong tháng 4. Con đường dài 1,5km trong công viên đưa du khách đi chiêm ngưỡng hơn 100 mô hình khủng long được chế ra một cách chính xác, mô phỏng loài động vật khổng lồ này như khi chúng còn tồn tại.
Nhiều năm qua, người hâm mộ vẫn đồn đoán về tập phim thứ 4 của Công viên kỷ Jura sẽ ra rạp. Nay giấc mơ đã thành hiện thực. Tập phim đã có mặt tại các rạp chiếu từ ngày 11/6 và khán giả sẽ có thêm cơ hội để đắm chìm vào thế giới khủng long cổ đại thêm một lần nữa.
Trailer phim Jurassic World:
Việt Lâm (theo DW)
Thể thao & Văn hóa
Tags