(Thethaovanhoa.vn) - “Một tên mọi đen trở thành vô địch. Đàn ông da trắng đã hết thời”? Năm 1908, Jack Johnson là võ sĩ đấm bốc da đen đầu tiên giành danh hiệu vô địch thế giới. Ông khoe khoang sự giàu có của mình, không thèm để ý đến sự phân biệt màu da và cưới hai cô vợ da trắng - nhưng vẫn phải gục ngã trước một nước Mỹ trắng.
- Công ty Trung Quốc xin lỗi vì quảng cáo xúc phạm người da đen
- Chuyện khó tin: Bà mẹ da đen sinh ra con trai da trắng
John Arthur Jackson ra đời ngày 31/3/1878 trong một gia đình từng là nô lệ ở Texas. Những bài học đầu tiên được học trong các cuộc ẩu đả ngoài phố, khi đại đa số các bang ngày đó cấm đấm bốc. Johnson vẫn đi đến các cuộc đấu cá cược và tạo danh tiếng.
Người đứng ngoài mọi bảng xếp hạng
Đồng hồ tốc độ vượt qua vạch 110 km/h khi chiếc xe thể thao của Johnson lướt như bay trên xa lộ số 1 ở Bắc Carolina. Ông chưa bao giờ bỏ được thói quen phóng hết tốc độ khi có điều gì giận dữ, mà để giận dữ thì người da đen ngày ấy có quá nhiều lý do. Như hôm nay, khi Jack Johnson nghỉ ăn ở trạm xăng và bị đề nghị ra ngoài sân ngồi ăn, chỉ vì ông và người đồng hành là da đen.
Johnson đạp bàn ga đến lút sàn. Và mất kiểm tra khi vào một góc cua quá hẹp. Chiếc xe thể thao đắt tiền lạng qua vạch giữa và đâm trực diện vào một cột dây điện thoại. Người khách trên ghế phụ bị ném ra ngoài xe, Johnson gục lên tay lái với nhiều vết thương nặng trên đầu. Chiều ngày 10/6/1946 ông trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện. Ở Kenntucky hôm ấy có một cậu bé da đen tên là Cassius Marcellus Clay Jr. chưa nói sõi, nhưng rồi sẽ nối nghiệp Jack Johnson, với cái tên khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục: Muhammad Ali.
Tai nạn giao thông thảm khốc đã chấm dứt sự nghiệp một vận động viên “đứng ngoài mọi bảng xếp hạng”. Là người da đen đầu tiên, Jack Johnson giành danh hiệu quán quân thế giới trong đấm bốchạng nặng hồi 1980. Vượt qua vô số trở ngại, ông lên được đỉnh cao của môn thể thao vốn được coi là sinh ra cho người da trắng - và bản thân không thèm để ý đến sự cách biệt giữa các chủng tộc.
Răng vàng và complet may đo
Rồi cũng đến lúc không thể may mắn mãi: trong một trận tỉ thí không giấy phép với võ sĩ kỳ cựu Joe Chuynski, cảnh sát đến giải tán đám đông và tống cả hai vào tù. Là một vận động viên đã bỏ nghề, Chuynski có cảm tình với một tài năng bộc phát và tận dụng một tháng trong tù để truyền nghề cho đối thủ cũ của mình. Johnson học cách tận dụng 1,87m chiều cao của mình để giữ khoảng cách đến đối thủ, đợi lúc sơ hở hoặc xuống sức và kết thúc.
Những bài học sau song sắt dần dần biến thành tiền mặt. Riêng năm Johnson thắng 27 trận, năm sau ông đạt vô địch hạng nặng không chính thức dành cho người da đen. Tiền lên đài của ông là 1.000 USD mỗi trận - một giá tiền ngất ngưởng thời bấy giờ. Và Johnson không hề có ý giấu giếm sự phong lưu của mình. Ông bịt răng vàng, chỉ ra khỏi nhà trong bộ complet may đo đắt tiền. Các bồ bịch của Johnson chỉ toàn da trắng, vào cái thời mà người da màu chỉ cần liếc mắt trêu ghẹo phụ nữ da trắng là có thể bị hành hình hội đồng ngoài đường.
Cách hành xử đó đem lại nhiều kẻ thù, không chỉ trong đám người da trắng. “Johnson thể hiện sai trái hình ảnh người da đen ở đất nước này, và qua đó không chỉ làm hại chính mình” - nhà hoạt động nhân quyền cho người da màu Booker T. Washington nói. Ngày ấy người ta còncho rằng người da đen phải dần dần học cách sống chung với tư tưởng kỳ thị chủng tộc. Câu trả lời ngạo mạn của Johnson: “Tôi không tìm ra con đường nào tốt hơn để tránh các định kiến về chủng tộc, ngoài việc quan hệ với người thuộc chủng tộc khác”.
“Mẹ mày dạy mày đấm bốcà?”
Ông thách thức các đương kim vô địch để tìm cơ may kiếm danh hiệu. Quán quân hồi đó, Jim Jeffries, kiên quyết cự tuyệt cho đến lúc bỏ nghề hồi 1905: “Tôi không bao giờ so găng với bọn da đen!” Người kế nhiệm ông là Tommy Burns cũng lờ đi mọi lời thách đấu từ Johnson, cho đến khi Johnson theo sang tận nước ngoài trong một chuyến lưu đấu. Burns đòi số tiền 30.000USD mới chịu lên đài.
Ngày 26/12/1908, khi người Sydney còn say sưa liên hoan lễ Giáng sinh thì Johnson được nhận cơ hội của mình. Trận đấu là một cú sỉ nhục cho vận động viên người Canada. Johnson chơi trò mèo vờn chuột cả buổi, đập vào ngực mình và nói: “Đấm vào đây này, Tommy!”. Ông cười khẩy khi gạt các cú đấm của đối thủ và khiêu khích: “Mày học ở lò võ nào vậy? Mẹ mày dạy mày đấm bốc à”?
Sau khi dính vài cú đấm sắt của Johnson, Burns loạng choạng tựa hẳn vào dây thừng. Cứ sắp ngã thì Johnson lại lấy tay đỡ cho đứng lên. Hai năm ròng ông đợi dịp này, và sẽ tận hưởng thế mạnh.
Chỉ vài giây nữa thì hết hiệp 14, cảnh sát chấm dứt trận đấu và cấm quay phim tiếp. Nước Mỹ không nên chứng kiến một người da đen cho một người da trắng đo ván. Johnson thắng theo điểm.
“Một tên mọi đen trở thành vô địch. Đàn ông da trắng đã hết thời?” - tờ Detroit Free Press chạy tít lớn ngày hôm sau. Nước Mỹ phải tìm một đối thủ mới, ít nhất cũng ở thứ hạng của Jim Jeffries. Nhưng hai năm sau đó Johnson tiêu diệt hết đối thủ này đến đối thủ khác. Cả nước Mỹ giục Jeffries tái thượng đài để rửa nhục cho người da trắng.
“Chẳng lẽ đánh nhau cả buổi chiều như thế này?”
Trận đấu Johnson-Jeffries là một sự kiện hoành tráng, diễn ra đúng ngày Tết độc lập 4/7/1910 ở Reno, với số tiền thưởng khó tin là 110.000 USD. 12.000 khán giả và 500 nhà báo đổ đến thị tứ 15.000 dân ở sa mạc Nevada. Người ta buộc phải tổ chức trận đấu ở sân vận động để bán ra 20.000 vé.
Một Jeffries cau có vào trận với một Johnson cười ngạo nghễ và không chịu bắt tay đối thủ. Sau tiếng cồng, Jeffries tấn công ngay, song Johnson nhẹ nhàng gạt mọi cú đấm của ông từ xa và trả lời bằng những cú móc hiểm hóc. Thời điểm này Johnson đã được coi là biểu tượng của “Trash talk”- chửi bới và trêu chọc đối thủ, như sau này chỉ có thể Muhammad Ali mới xứng danh học trò. “Khẩn trương lên chứ, Jim” -Johnson nói -“Chẳng lẽ đánh nhau cả buổi chiều như thế này?”.
Cuối hiệp 14 hai mắt Jeffries đã sưng vù, sống mũi gãy, máu dính đầy mặt và rỏ xuống đùi. Giữa hiệp 15 Jeffries chỉ còn tựa vào dây thừng để khỏi ngã. Ba lần ông còn kịp gượng dậy trước khi trọng tài đếm đến 10. Khi Johnson lấy đà mở cuộc tấn công thứ tư, trận quyết định, cả sân vận động réo lên: “Không được để thằng mọi đen đo ván Jeffries!”.
Huấn luyện viên của Jeffries ném khăn xin hàng. Trong khi trọng tài giơ cao tay Johnson lên để tuyên bố tên người thắng trận, sân vận động đã vãn đi quá nửa. Sự dồn nén bùng lên trong mấy ngày sau đó: cả thành phố nổ ra xung đột màu da bất cứ nơi nào có dịp. Cả nước Mỹ săn đuổi người da đen, hàng trăm người bị giết chết.
Gục gã ngoài võ đài
Johnson không chịu thua nắm đấm, nhưng ngoài đời ông thành mục tiêu săn đuổi. Kẻ thù của ông lạm dụng luật Mann Act: Từ 1910 luật này cấm chuyên chở phụ nữ da trắng ra khỏi biên giới tiểu bang “với mục đích vô đạo lý” - một cách nói tránh khái niệm “mãi dâm”.
Mặc dù luật này không thể áp dụng cho quan hệ yêu đương giữa hai người, nhà chức trách vẫn điều tra và không khó tìm ra một trong những bạn gái da trắng của Johnson sẵn sàng khai báo hợp với ý thẩm phán. Ngày 4/6/1914 Johnson bị phạt 1 năm tù. Ông trốn qua châu Âu, Thế chiến I nổ ra và chẳng ai ở đó nghĩ đến thể thao.
Ngày 16/4/1915 một ngôi sao mới nổi là Jess Willard thách đấu Johnson ở Cuba. Ở tuổi 37 và sau nhiều năm không tập luyện, Johnson thua ở hiệp 26. Sau đó phải mất 22 năm mới có một người da đen khác nối gót được Johnson: Joe Louis, cho đến nay là biểu tượng của người Mỹ gốc Phi bị đàn áp.
Năm 1920, Johnson tình nguyện hồi hương và nhận án tù. Sau đó ông chỉ sống bằng các trận đấu giải trí. Cho đến nay án tù bất công cho Johnson chưa được xét lại. Từ 2004 nhiều nhân vật nổi tiếng vận động phục hồi danh dự cho Jack Johnson như võ sĩ “thép” Mike Tyson, chính khách John McCain, Ted Kennedy và John Kerry. Nhưng George W. Bush không trả lời đơn. Barack Obama sau này cũng vậy.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa
Tags