(Thethaovanhoa.vn) - Đấy có phải là một kỉ nguyên chiến thắng, giống như khi Silvio Berlusconi đã đến và tạo ra một cuộc cách mạng ở cả Milan lẫn calcio 30 năm trước hay không, chỉ thời gian mới có thể trả lời. Nhưng có thể khẳng định, đấy là một kỉ nguyên đặc biệt, kỉ nguyên Trung Quốc.
- Tuyên bố muốn có Aubameyang, Belotti hoặc Morata, AC Milan nói là làm
- Belotti vắng mặt trong ảnh ra mắt áo đấu mới của Torino, sẽ tới Chelsea hay Milan?
- Hàng loạt cầu thủ đến Milan là 'vì tiền', không thể chỉ trích mình Donnarumma
Họ đến một cách lững lờ, gây tranh cãi và vô số các câu hỏi lớn nhỏ liên quan đến nguồn tài chính đổ vào Milan cũng như thành phần của nhóm các nhà đầu tư. Thậm chí có lúc Berlusconi đã sốt ruột muốn ngưng tất cả các cuộc thương lượng lại. Mất gần một năm cho một vụ chuyển giao mang tính lịch sử để biến Milan từ một đội bóng Italy thành một món đồ chơi của người Hoa.
Cuộc cách mạng Trung Hoa ở Milan
Thế rồi, chỉ trong hơn một tháng hè 2017, điều không tưởng đã diễn ra: Hơn 200 triệu euro được Milan đổ ra thị trường chuyển nhượng, khiến các milanista chuyển trạng thái từ ngủ gật trong lãng quên và buồn nản sang bất ngờ, sững sờ và rồi sung sướng tột độ. Cả một đội hình đã được đưa về một cách chóng vánh chưa từng thấy, cho thấy những ông chủ mới người Trung Quốc đang thực hiện một cách ráo riết một cuộc cách mạng chưa từng thấy, kể cả dưới thời của Berlusconi trong những năm đầu, khi ông đưa về một loạt ngôi sao đẳng cấp thế giới để tạo ra những thay đổi lớn lao trong lòng calcio.
Cuộc cách mạng mà Li Yonghong, người đứng đầu nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc, rất triệt để, thậm chí mạnh mẽ phá vỡ tất cả những xu hướng mang tính truyền thống mà Berlusconi đã từng duy trì trong 30 năm tại vị của mình. Trước hết, ở băng ghế HLV. Những người dẫn dắt đội bóng mang áo đỏ-đen bắt buộc phải là các milanista. Đấy là một tiêu chí hàng đầu. Chỉ có dăm cái tên, Zaccheroni, Allegri và Mihajlovic là những người không phải milanista đã ngồi trên ghế HLV Milan. Montella thì chưa bao giờ khẳng định anh là một milanista, trong khi những người chịu trách nhiệm về chuyển nhượng của Milan (Fassone, Mirabelli) và chịu trách nhiệm quản lí đội (Romeo) đều là các interista và từng có thời gian phục vụ ở đội bóng phía kia của Milan. Sau HLV và một số quan chức là đội trưởng.
Việc Bonucci vừa rời Juventus đến Milan trong một thương vụ gây chấn động và được chờ đợi là sẽ đem đến chiều sâu chất lượng đội hình cho Milan là một minh chứng rõ ràng cho việc những người chủ mới sẵn sàng gạt bỏ truyền thống sang bên để tạo ra những thay đổi lớn mang tính bước ngoặt. Bonucci, người được đào tạo tại Inter, trở thành một biểu tượng ở Juve, được trao băng đội trưởng ngay khi chân ướt chân ráo đến Milan. Trong 30 năm triều đại Berlusconi, những người đeo băng đội trưởng của Milan, từ Baresi, Maldini đến Ambrosini đều là các milanista.
Cắt đứt quá khứ để tiến nhanh đến tương lai
Việc cắt đứt sợi dây gắn liền với quá khứ của Milan là một việc có thể tạo ra những tranh cãi và bất bình đối với những milanista có theo truyền thống. Nhưng những gì đã diễn ra những ngày qua, với phản ứng tích cực và hào hứng từ đa phần các milanista cho thấy, người ta chấp nhận cuộc cách mạng này, chừng nào nó đang tạo ra những hy vọng lớn lao cho tất cả. Tỉ lệ độ cho Scudetto mùa tới đã thay đổi, khẳng định các nhà cái đã nhìn Milan với một con mắt khác: Juve vẫn là ứng viên số 1, Napoli của Sarri đứng thứ 2 với tỉ lệ 1 ăn 7.00, trong khi Milan chỉ kém họ chút ít, 1 ăn 9.00. Nhưng trên thực tế, kể cả khi đội đã sang Trung Quốc cho các trận giao hữu mùa hè, thì cánh cửa cho các tân binh vẫn rất rộng mở. Cuộc tìm kiếm những chân sút lớn vẫn tiếp tục. Ba cái tên đã được đưa ra: Morata, Aubamayang và đặc biệt là Belotti, có thể sẽ là thương vụ lớn nhất mùa hè này ở Italy và sẽ hoàn thiện một đội hình mới tinh 100% cho Montella. Nhưng ngay cả khi ba cái tên này không đến Milan khi thị trường chuyển nhượng khép lại, vẫn có một cái tên nữa có thể làm các milanista hài lòng. Đấy là Kalinic, chân sút người Croatia của Fiorentina, người đã ghi hơn 30 bàn thắng cho đội bóng áo tím trong hai mùa bóng qua. Anh không phải là một siêu sao quốc tế, nhưng cũng không là một chân sút tồi.
Dù thế nào đi nữa, khoảng cách về kĩ thuật và chất lượng của Milan với Juventus đã được thu ngắn lại. Những thương vụ được tiến hành trên thực tế không phải để cải thiện vị trí thứ 6 mà Milan đã có ở mùa bóng trước, mà là để tạo ra một sức mạnh thực sự nhằm cạnh tranh trực tiếp Scudetto với Juve, chưa nói đến những Roma hay Napoli vốn đã rất mạnh và đầy sức tấn công. Cuộc cách mạng được tạo ra là để ngay tức khắc nâng cấp Milan ấy có thể tạo ra áp lực vô cùng lớn lao cho Montella, người trong sự nghiệp chỉ quen dẫn dắt các cầu thủ trẻ, những đội bóng ở tầm trung chứ chưa từng có trong tay nhiều cầu thủ đắt giá như thế. Giờ là lúc anh chứng tỏ năng lực thực sự của mình. Nhưng các HLV lớn đều đã từng trải qua những lúc như thế, từ những đội hình yếu đến những đội hình thật lớn, và ai vượt qua được thách thức ấy sẽ thành công.
“Đường băng” từ cuộc cách mạng Trung Hoa ở Milan đã được xây xong. Tất cả đợi chờ Montella cho Milan cất cánh bay lên.
Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa
Tags