Trận derby thủ đô đầu tiên của tôi sau ba năm xa Roma được bắt đầu ở trên những bức tường thành phố rộng lớn và dường như lúc nào cũng chất chứa đầy những mâu thuẫn không bao giờ có thể giải quyết được. Đấy là những bức tường lở loét cũ kĩ ở những khu phố Roma ngoại ô, những con đường nhỏ gập ghềnh với bao viên gạch lồi lõm dưới bước chân ta ở những nơi đã luôn nổi tiếng vì tình yêu bóng đá như Trastevere, Parioli hay khu Testaccio, trái tim của những người romanista, nơi sẽ mãi đi vào lịch sử của đội bóng như là một nhân chứng của những kì tích đầu tiên trong những năm tháng sau khi Roma ra đời.
Đấy là những chân cầu vượt, những đường hầm giao thông ở các vùng thành phố. Phải yêu bóng đá và cũng chẳng sợ bất cứ luật lệ cấm viết vẽ bậy bạ mà chính quyền thành phố đưa ra mới dám tạo nên những bức tranh tường lớn với những biểu tượng Roma hay Lazio, những dòng chữ ca ngợi hoặc công kích lẫn nhau.
Có cả những bức tường nhà vệ sinh ghi nguệch ngoạc những dòng chữ sỉ nhục lẫn nhau mà một laziale (CĐV Lazio) hay romanista nào đó đã viết lên để buộc tất cả những ai quan tâm đến bóng đá phải để ý. Có những con đường trải nhựa gần Olimpico, trên cầu Milvio, hoặc trong những khu dân cư đầy những dòng chữ thể hiện tình yêu của các tifosi với đội bóng. Chúng được vẽ được sơn xịt, được mưa nắng dãi dầu tô điểm khiến đôi khi chúng trở nên hoặc kì dị, hoặc sương gió, hay cũng có thể tạo nên một cảm giác xa xăm về những trận derby đã qua trong quá khứ, khi một chàng cổ động viên nào đó đem lòng yêu một cô gái, và lấy ngày diễn ra trận đấu làm cái mốc thời gian cho mối tình (không biết đến giờ có còn tồn tại) của họ.
Họ luôn thể hiện những quan điểm, luôn khẳng định tình yêu, sự hận thù, khác biệt và không ngần ngại tạo ra những tranh cãi, cũng như luôn xoáy vào những nỗi đau của đối thủ và dường như chỉ biết sống cho hôm nay. Nhưng cũng có những nỗi đau và cảm nhận về sự bất công chưa thể gột rửa. Không ngạc nhiên khi trên những bức tường ở khắp nơi, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những dòng chữ ghi tên "Gabbo" và gương mặt của Gabriele Sandri, laziale bị cảnh sát bắn chết trong một trạm nghỉ trên đường cao tốc tháng 11-2007.
Có cả những bức áp phích kỉ niệm chiến thắng lịch sử, những Scudetto của Roma hoặc Lazio dán trên tường của một khu dân cư bị ai đó xé mất. Họ là thế, cực đoan và vô cùng ích kỉ. Nhưng không chỉ có kẻ thù (đôi khi trong nhà, trong một khu phố, khi bố là romanista và con có thể là laziale), mà có khi chính các tifosi, vì một nỗi thất vọng lớn lao nào đó, đã phá hỏng những biểu tượng của chính mình. Chẳng hạn như bức tranh tường về Totti đang giơ cao tay ăn mừng bàn thắng nổi tiếng mà một nghệ sĩ vô danh nào đó đã vẽ lên sau Scudetto 2001 ở khu Monti đã bị chính những romanista quá khích xóa đi, kèm theo dòng chữ "Roma è morta" (Roma đã chết). Điều ấy xảy ra sau trận Roma thua Lazio ở chung kết Cúp Italy tháng 5-2013.
Bức tranh ấy từng được coi là biểu tượng của đội Roma và thành phố Roma sau chiến thắng lịch sử 2001. Hành động phá bức tranh ấy diễn ra trong thời điểm các romanista thất vọng cùng cực sau một mùa bóng thất bại và mất phương hướng nghiêm trọng. Ai đã làm việc đó, và cú sốc từ hành động quá khích ấy thế nào? Ông Orlando Corsetti, người đứng đầu quận I Roma, nơi có khu Monti: "Chúng tôi muốn liên hệ với Totti để hỏi xem liệu anh có muốn bức này được vẽ lại, hay là vẽ bức mới. Tôi cũng muốn tìm tác giả của bức tranh này để thuê họ vẽ lại bức tranh bằng tiền của quận".
Hơn nửa năm sau ngày ấy, Totti không trả lời, bức tranh chưa được vẽ lại và không ít những người (có lẽ không yêu bóng đá, hoặc là laziale) thậm chí đã quay sang chất vấn ông Corsetti về việc "khuyến khích vẽ bậy lên tường". Ai đó đã xóa nó đi giờ cảm thấy thế nào khi Roma bay cao, và Totti vẫn là biểu tượng trong tim của tất cả những ai đã yêu đội bóng áo màu bã trầu? Không ai biết, nhưng nếu lịch sử đã có thể được viết ra, thì lịch sử cũng có thể được tái hiện, và có thể được làm mới. Một bức tranh nào đó, một dòng chữ nào đó sẽ được viết ra sau trận derby tháng 2-2014 này là điều hoàn toàn có thể, nhất là khi cả hai đội cùng chơi hay, cùng tạo nên những cảm giác choáng ngợp về phong độ và tinh thần thi đấu trong giai đoạn này.
Nhưng có thể tin chắc, những cuộc tranh luận trên tường của họ sẽ không bao giờ kết thúc. Chẳng hạn có một bức tường gần khu tôi ở, với rất nhiều romanista và không nhiều laziale, có viết "Lazio merda". Không lâu sau đấy, một dòng khác trả lời đè lên đầy ngạo nghễ: "Lulic 71'". Lulic là người đã ghi bàn duy nhất ở phút thứ 71 đem lại chiến thắng cho Lazio trong trận chung kết Cúp Italy tháng 5 năm ngoái, đẩy Roma xuống địa ngục và hệ quả trực tiếp là bức tranh Totti ở Monti bị phá hoại.
Hôm rồi, một bức vẽ Giáo hoàng Francis 1 (trong tiếng Ý, "Francis" là Francesco) trong vai của Siêu nhân đã từng gây xôn xao dư luận sau khi nó xuất hiện ở đường Borgo Pio, ngay cạnh Vatican. Cơ quan vệ sinh môi trường thành phố đã đến xóa nó đi. Nhưng tác giả của bức vẽ thì tuyên bố là anh sẽ còn vẽ một bức to hơn thế, ở một chỗ khác. Dân Roma phập phồng chờ đợi. Lòng kính Chúa và tình yêu đối với Giáo hoàng Francis tạo ra trong họ mong muốn thấy ông làm Siêu nhân.
Nhưng còn Francesco Totti, Giáo hoàng của lòng họ trong bao năm qua? Totti có thể không còn nữa trên bức tường của Monti, nhưng anh đã ở trong tim của những người yêu mến anh không chỉ trong thành phố mà còn trên thế giới. Anh đã ghi 9 bàn trong 38 trận derby, một kỉ lục, và nếu vượt qua con số 9 bàn ngay trong đêm derby để làm bùng nổ khu khán đài Roma của Olimpico và dội một gáo nước lạnh vào số đông laziale, anh sẽ ghi lập nên một kỉ lục nữa trong sự nghiệp: người ghi nhiều bàn thắng nhất trong các trận derby. Sau kỉ lục mới ấy, cũng có thể hình ảnh của Totti trong chiếc áo Siêu nhân sẽ xuất hiện trên một bức tường nào đó của một thành phố mà giới trẻ thích làm nghệ sĩ kiểu ấy.
Những "graffiti" (tranh vẽ nguệch ngoạc trên tường) hay những dòng chữ xuất hiện ở bất cứ đâu của Roma có thể được coi là một phần của cuộc sống bóng đá thành phố. Và khi những trận derby thủ đô mỗi năm hai lần đến gần (có những năm có tới 4 lần, như năm 1998, khi Lazio dưới tay Eriksson và Roma thuộc về Zeman), chúng xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết, có khi cái mới vẽ đè lên cái cũ, năm này qua năm khác. Trận chiến thủ đô đã từ một cuộc đấu tranh giai cấp, với việc Lazio sinh ra ở khu Prati, nơi người giàu và các chủ tư bản sinh sống, và đội bóng áo xanh đá trên sân Rondinella ở khu Parioli sang trọng, còn Roma sinh ra từ khu bình dân Testaccio, biến thành một cuộc chiến trên những khán đài, trên những bức tường, trong các khu phố, những talkshow truyền hình và phát thanh, trên những trang mạng xã hội, thậm chí trong các gia đình.
Cuộc chiến ấy cũng đã từng trở thành cuộc đụng độ của các tư tưởng chính trị, khi những nhóm cực hữu của Lazio đối đầu với các nhóm thân tả nhưng theo đường lối cứng rắn của Roma. Bây giờ, khi những đội bóng không còn dư dả như trước cho những vụ mua bán mạnh mẽ và đầy khiêu khích như thời Sensi và Cragnotti, Roma và Lazio đầy chật các cầu thủ nước ngoài và da màu, tư tưởng bài ngoại và phân biệt chủng tộc trên sân cỏ cũng dần lắng xuống. Nhưng trên thực tế, dù bóng đá đã khiến cho họ trở nên bao dung hơn trên sân cỏ, thì ngoài đời, sự khinh bỉ và phân biệt với người da màu và dân nhập cư vẫn chưa hề mất đi.
Anh chàng đứng quầy bar ở quán d'Antoni, nơi mà hầu như sáng nào tôi cũng ngồi để làm một tách cappuccino và ăn một cái bánh sừng bò, nháy mắt đầy hàm ý khi tôi hỏi anh có đến Olimpico cho trận derby hay không. Anh bảo: "Đến chứ, sao mà bỏ được. Nhưng cậu nhớ nhé, nếu đến Olimpico, đi qua cầu Milvio mà quàng khăn của Roma thì phải coi chừng đấy. Tốt nhất là đừng đeo". À, thì ra anh là một laziale. Anh có lí. Năm nào chẳng có những trận đụng độ giữa cổ động viên hai đội trên cây cầu ấy trước và sau các trận derby.
Với những người đang yêu, Milvio là một cái tên đặc biệt. Họ đặt biệt danh cho Milvio là "cầu Tình", nơi các đôi uyên ương đã móc lên đó hàng vạn chiếc khóa. Hơi tiếc là bây giờ, khi bây giờ chính quyền Roma đã gỡ đi hầu hết những chiếc khóa, nhiều trong số đó đã rỉ sét, như là một minh chứng cho tình yêu của ai đó, thì Milvio trở thành "cầu đánh nhau vì derby". Mà tuần sau sẽ là ngày lễ Tình yêu ở Italy.
Yêu derby theo kiểu Ý và ghét nhau cũng đậm chất Ý...
(Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Roma)
Tags