Huỳnh Đức và câu chuyện phía sau sân bóng

Thứ Hai, 20/10/2014 14:39 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Vô địch quốc gia (VĐQG) ở tuổi 23 (mùa giải 1995-1996 trong màu áo Công an TP.HCM), là cầu thủ Việt Nam đầu tiên xuất ngoại ở tuổi 29 (Lifan, Trung Quốc năm 2001), tuổi 37 có chức vô địch V-League đầu tiên trong nghiệp huấn luyện (SHB.Đà Nẵng, mùa giải 2009 và hoàn thành cú đúp danh hiệu 3 năm sau đó)…, cho đến thời điểm này có thể khẳng định luôn rằng, Lê Huỳnh Đức là cầu thủ “thế hệ vàng” thành công nhất cả ở sự nghiệp thi đấu lẫn huấn luyện.

Đằng sau một lớp vỏ bọc xù xì, lạnh lùng, không thích giao du chỉ để nói “những điều tào lao”, đặc biệt, gần như không có nhu cầu kết thân, trình bày với giới truyền thông…, là một Lê Huỳnh Đức rất thân thiện, hào sảng và rất đời.

“Tôi là Lê Huỳnh Đức”

Nói tới Lê Huỳnh Đức là nói đến thần tượng một thời của một bộ phận người hâm mộ bóng đá Việt Nam, đặc biệt là của các cô gái trẻ. Ở khía cạnh cống hiến và giá trị hình ảnh, Huỳnh Đức thậm chí còn là một biểu tượng không tranh cãi của bóng đá Việt Nam. Đến cả đồng đội một thời Nguyễn Hồng Sơn cũng không được đánh giá cao như thế, chứ đừng nói Công Vinh, Văn Quyến hay Minh Phương… Tất cả đều không phải hư danh, song Huỳnh Đức không thuộc mẫu người ăn mày dĩ vãng.   

Một cầu thủ có sự nghiệp thi đấu lẫy lừng, từng được nhận Huân chương Lao động của Nhà nước, Huân chương vì sự nghiệp cống hiến 30 năm của Thành uỷ TP.HCM… lại không thích nói về “những ngày xa xưa”. Khi làm huấn luyện, Huỳnh Đức cũng đi từ thành công này đến thành công khác, từng lên ĐTQG làm HLV trưởng tạm quyền (thay thế HLV Henrique Calisto bận công việc ở U23 Việt Nam)…, nhưng không muốn kể công để khẳng định vị thế số 1. Đó là Huỳnh Đức!

“Tôi không hiểu sao mọi người luôn thích những chuyện thị phi?! Ngày tôi rời Ngân hàng Đông Á ra Đà Nẵng với 2 bàn tay trắng, họ bảo tôi được tặng cả căn nhà mặt tiền ở con đường trung tâm Đà Nẵng. Trước đó nữa, những thông tin mang tính trù dập về cái gọi là “quyền lực đen” ở đội bóng cũ mà tôi là người cầm đầu?! Khi tôi được tín nhiệm giao ghế HLV trưởng ở Đà Nẵng đầu mùa giải 2008, họ bảo tôi bật ghế anh Phan Thanh Hùng?!” - Huỳnh Đức nói.

Sự thật là Huỳnh Đức đã phải vay giật tứ tung để trả hết số tiền của căn nhà anh mua ở đường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng và mãi đến sau này mới hết nợ. Thêm một sự thật khác, anh chẳng phải “quyền lực đen” hay “quyền lực đỏ” gì ở các đội bóng Công an TP.HCM, Ngân hàng Đông Á hay Đội tuyển Việt Nam, mà đơn giản khi đeo băng đội trưởng, Huỳnh Đức có nhiệm vụ đấu tranh, đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho anh em. Vì thế, việc Huỳnh Đức được vị nể hơn các đồng đội, đồng nghiệp khác cũng là chuyện bình thường.

“Các bạn có thể đặt câu hỏi khác không vì chi tiết đó cũ rồi và đảm bảo không bán thêm được tờ báo nào đâu” - Huỳnh Đức đốp chát luôn trong phòng họp báo, khi cánh phóng viên có ý đề cập đến những lần anh dẫn SHB.Đà Nẵng quay về (TP.HCM) để chống lại các đội bóng nơi này trong khuôn khổ một trận đấu hay giải đấu.

“Đừng thắc mắc tại sao tôi thay một hậu vệ bằng một tiền đạo hay hôm nay sao tôi lại không dùng người này mà dùng người kia bởi bạn chẳng hiểu gì về bóng đá cả.

Tôi làm gì và như thế nào cho bóng đá, người hâm mộ rồi các ông chủ của tôi cảm nhận được. Các bạn làm ơn đừng kéo gia đình tôi vào đây. Nếu được, hãy chia sẻ với tôi thay vì tranh cãi những điều không bao giờ có hồi kết, như quan điểm sống chẵng hạn. Cũng đừng so sánh tôi với bất cứ ai cả, vì điều đó là thừa thãi. Tôi đã từng kéo Trần Minh Chiến trở lại nghiệp bóng đá đấy, khi anh ấy vi phạm kỷ luật thì sao nào?! Tôi tự hào và không hối tiếc với những quyết định của mình.

Khi chúng tôi có được các hợp đồng quảng cáo với PepsiCo chẳng hạn, tiền rất nhiều nhưng tôi không lấy về làm của riêng, dù gia đình mình cũng rất khó khăn. Tôi để đó chia sẻ với những anh em khó khăn hơn, với các cầu thủ trẻ. Bằng các mối quan hệ bằng hữu, tôi đã có thể giàu có hơn, nếu chịu “nhận quà” và thậm chí, chỉ cần nhận hoa hồng mấy vụ bất động sản hay cơ hội làm ăn. Nhưng tôi không thuộc mẫu người như thế. Tôi là Lê Huỳnh Đức, chứ không thể là con người khác”.      

Hãy cho đi rồi nhận lại

Ngày Huỳnh Đức và các đồng đội tung hoành ngang dọc trên khắp các sân cỏ cả nước cũng như đấu trường quốc tế, người viết bài này vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Và dù không thuộc mối quan hệ bằng hữu hay hảo hữu, nhưng chúng tôi lại có khá nhiều kỷ niệm, khi còn là đồng môn ở Trường Đại học TDTT II (lớp bóng đá chuyên sâu, hệ tại chức, với Lê Huỳnh Đức được bầu là lớp trưởng). Đã có vài hiểu lầm, mâu thuẫn trong công việc sau đó, nhưng tất cả chỉ là chuyện vặt vãnh thôi.

Trước khi nhập học vào thời điểm năm 2007, Huỳnh Đức cũng hân hoan thông báo rằng anh vừa tốt nghiệp PTTH (hệ bổ túc). Đời cầu thủ nay đây mai đó, Huỳnh Đức dù từng đeo quân hàm Đại uý công an nhưng cũng khó để đảm bảo sự nghiệp học vấn. Tất nhiên, đã từng khoác áo các ĐTQG, cũng như Liêm Thanh, Thế Anh hay bao bạn học cùng khoá khác, Lê Huỳnh Đức được miễn thi đầu vào. Có thể cảm nhận được sự cầu thị, cầu tiến trong con người vốn gai góc này.

Cho đến bây giờ, Huỳnh Đức đã sở hữu những tấm bằng huấn luyện cao nhất AFC và hoàn toàn có thể đứng lớp cho các đồng nghiệp khi tích luỹ đủ giờ đứng lớp (thông qua quá trình làm trợ giảng). Nhưng, nghiệp huấn luyện bóng đá chuyên nghiệp không cho phép Đức dừng lại. “Tôi chỉ có thể tranh thủ những khoảng thời gian trống, để tích luỹ thêm kiến thức cho mình thông qua các lớp học. Hãy cứ mạnh dạn, sai thì sửa, chứ đừng giấu dốt, đừng ngại tranh luận”, Lê Huỳnh Đức chia sẻ.

Không sùng hay mộ đạo, nhưng Lê Huỳnh Đức tin vào Phật pháp, tin vào các mối quan hệ nhân quả. “Nếu muốn nhận, thì tốt nhất là bạn cứ cho thật nhiều khi có thể. Đừng đợi đến khi mình giàu có, nổi tiếng rồi mới nghĩ đến những việc làm thiện nguyện. Và quan trọng, bạn phải lao động, làm việc, để có cuộc sống tốt đẹp, tự chủ và không phải phụ thuộc vào bất cứ ai. Là người đàn ông, tôi cũng như bạn, có trách nhiệm thiêng liêng là lo cho gia đình mình cuộc sống đủ đầy”, vẫn lời Đức.

“Hôm nay tôi còn ngồi ở đây, đá bóng cho mục đích thiện nguyện, hát với bạn bè đồng môn – đồng nghiệp và đồng đội một thời vài câu, giao lưu với khán giả…, nhưng mai tôi đã phải lên giường mổ rồi. Tôi bị viêm xoang mãn tính và điều này rất phiền phức cho công tác huấn luyện. Những niềm vui trong cuộc sống không có nhiều và mình phải tự tạo ra nó. Giúp đỡ hay chia sẻ được với người nghèo, với trẻ em mồ côi, là niềm hạnh phúc”, đấy là mẩu chuyện khi chúng tôi gặp nhau ở Cần Thơ.

Những câu chuyện nối tiếp câu chuyện xuyên màn đêm, để rồi đến khi giật mình, những Huỳnh Đức, Văn Sỹ, Đức Thắng, Hiển Vinh, Bùi Hữu Lợi…, mới biết là “đã có người đi tập thể dục”. Huỳnh Đức cũng kể về những kỷ niệm khi anh đi làm từ thiện ở huyện miền núi A Lưới, thuộc Thừa Thiên Huế (cũ), những hoàn cảnh gia đình màn trời chiếu đất mà anh từng chứng kiến, những đứa trẻ nghèo khó ăn trưa bằng quả mít xanh vừa hái được trên cây. Thoạt nhiên chỉ có rất ít những từ về bóng đá.

Khi còn thi đấu, đến lúc gắn với nghiệp huấn luyện, Huỳnh Đức từng phải đối đầu với rất nhiều đối thủ rắn mặt, tiểu xảo, những ông chủ “nay thế này, mai lại thế khác”. “Bóng đá không tồn tại khái niệm bất chiến tự nhiên thành. Khi mình giành chiến thắng, thì đấy là lúc mình đã vượt qua những áp lực, vượt lên chính mình. Tôi không ngại đương đầu nhưng tôi thích giải quyết khó khăn theo cách của mình hơn. Khi đã chọn rồi, thì bạn không thể kêu ca được” - Lê Huỳnh Đức nói tự tâm can.

“Hạnh phúc khi người khác vẫn còn gọi tên mình, dù thời gian đã qua đi và dấu ấn sân cỏ chỉ còn là ký ức, vậy tại sao lại từ chối chụp chung một tấm ảnh với họ?!”, Huỳnh Đức kết lại!

“Đừng hỏi tôi hay đừng bắt tôi đánh giá về một đồng nghiệp, bởi điều này chẳng hay ho gì. Thời tôi còn thi đấu, tôi cũng không nói là thích được đá cặp tiền đạo với ai cả hay ông HLV này tốt hơn ông HLV kia. Giờ làm huấn luyện, tôi phải bảo vệ đồng nghiệp mình trước nhất thay vì chỉ trích họ hoặc nói những điều giáo điều, bởi đó không phải là con người tôi. Mỗi HLV đều có quan điểm làm việc và triết lý huấn luyện không giống nhau. Và môi trường có thể giúp họ thành công, hoặc cũng có thể khiến họ thất bại. Nhưng sống là không chờ đợi!” - Lê Huỳnh Đức nói.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›