Sau Diego Maradona, thế giới bóng đá tiếc thương tiễn đưa Paolo Rossi, người qua đời ở tuổi 64 sau thời gian chiến đấu với ung thư phổi. Rossi là biểu tượng chiến thắng của Italy, với tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài phạm vi bóng đá.
Sau những hệ lụy khủng khiếp mà đại dịch Covid-19 gây nên trong năm 2020, bóng đá lần lượt chứng kiến những cuộc ra đi về cõi thiên đường. Đầu tiên là huyền thoại Diego Maradona, người qua đời với những cáo buộc có sự tắc trách về mặt y tế. Hai tuần sau, Paolo Rossi cũng qua đời. Maradona là vị vua không thể tranh cãi ở Mexico 1986, trong khi Rossi mang đến Espana 1982 thứ ánh sáng chói lòa.
Juventus, gia đình phản đối và chấn thương
Sinh ra ở Prato, gần với Firenza – thành phố của những biểu tượng kiến trúc – Paolo Rossi bắt đầu chơi bóng cho CLB địa phương Santa Lucia. Ngay lập tức, ông thể hiện hình ảnh một tiền đạo nhanh nhẹn, sắc sảo, với cảm giác ghi bàn phi thường. Rossi lần lượt chuyển sang Ambrosiana rồi Cattolica Virtus, trước khi được các chuyên gia đào tạo trẻ của Juventus phát hiện. Năm 1972, ở tuổi 16, Rossi đến Turin, bất chấp gia đình phản đối quyết liệt.
Bố mẹ Rossi không muốn con đến Juventus vì cậu anh Rossano chỉ tồn tại được một năm trong đội trẻ Bianconeri. Nhưng họ không thể ngăn được quyết định của con trai. “Điều đó thật khó khăn, vì bố mẹ tôi không thích ý tưởng này lắm. Mẹ tôi không muốn thấy đứa con trai thứ hai của bà đến Turin”, Rossi trả lời trong một cuộc phóng vấn ở thời điểm đã nghỉ hưu. Bố của Rossi đề xuất lãnh đạo Cattolica yêu cầu mức giá cao nhất để ngăn vụ chuyển nhượng diễn ra.
Luciano Moggi, chuyên gia săn tài năng trẻ của Juventus từ đầu thập niên 1970, đánh giá rất cao Rossi và yêu cầu các quan chức đội bóng phải mua bằng được viên ngọc xứ Toscana. Đích thân TGĐ Italo Allodi đi đến Cattolica để thảo luận, và thương vụ được thông qua với giá 14,5 triệu lire (đơn vị tiền tệ Italy trước đây).
Paolo Rossi có thể xem là thành công lớn đầu tiên của “Bố già” Moggi, trong sự nghiệp giới thiệu không ít ngôi sao xuất sắc cho bóng đá Italy và thế giới. Nhưng hành trình của Rossi ở Juventus không mấy suôn sẻ. Ban đầu, ông được đào tạo như một tiền vệ cánh. Đồng thời, chấn thương nặng liên tục xảy ra. Thậm chí, ông trải qua phẫu thuật sụn chêm đến 3 lần trong 2 mùa giải. Mỗi lần như vậy, Rossi mất 6-7 tháng để hồi phục. Phải đến ngày 1/5/1974, Rossi mới có trận ra mắt, ở Cúp Italy.
Vũ công trên sân cỏ
Mùa 1975-76, Juve để Paolo sang Como theo dạng cho mượn, vì thể chất quá yếu. Tại đây, HLV Osvaldo Bagnoli cho rằng vị trí tốt nhất của Rossi là tiền đạo cắm, thay vì đá cánh. Dù chỉ đá 6 trận, nhưng thời gian ở Como là tiền đề giúp Rossi lột xác, khi đến Lanerossi Vicenza (theo dạng đồng sở hữu với Juve). HLV Giovanni Battista Fabbri, hay G.B. Fabbri, tiếp thu ý tưởng của Bagnoli và thay đổi hoàn toàn Rossi. Ông ghi 21 bàn, trở thành vua phá lưới Serie B và giúp Vicenza lên hạng. Trong thời gian chơi bóng, Rossi luôn xem G.B. Fabbri là người cha thứ hai của mình.
Vicenza không có tiền, và thiếu nhân sự, nên G.B. Fabbri chọn Rossi thành trung phong cắm chủ lực. Tuy vậy, cốt lõi vẫn là ông thấy những kỹ năng ghi bàn của Paolo, nên cố gắng hoàn thiện người học trò xuất sắc của mình. “Tôi luôn là một trung phong không điển hình so với nguyên mẫu, vốn chỉ gồm những ngôi sao tấn công cơ bắp và mạnh mẽ. Có lẽ, tôi là người chơi trung phong nhanh nhẹn đầu tiên, người có tài năng lớn nhất là trực giác, kết hợp với kỹ thuật ở mức độ cao”, Rossi tự mô tả về mình trong cuộc phỏng vấn năm 2013. Không một ai phản đối những lời tâm sự ấy, và không ai cho rằng Rossi đề cao mình thái quá.
“Một trong những bí quyết thành công của tôi là chơi bóng thông minh. Tôi luôn suy nghĩ xem phải làm gì một giây trước khi bóng đến, để bù đắp cho sự thiếu hụt về thể lực. Tư duy trước là một đặc quyền lớn của tôi. Tôi luôn cố gắng đánh cắp thời gian của đối thủ”. Sự thông minh ấy giúp Rossi trở thành đại diện cho bóng đá đẹp, tinh tế và đầy nghệ thuật. Ông bùng nổ cùng Vicenza, rẽ ngang sang Perugia, sau đó trở lại Juventus.
Không chỉ ở Italy, mà cả châu Âu thừa nhận Rossi là vũ công trên sân cỏ. Paolo nhanh nhẹn, ông rất điêu luyện với các pha xử lý trong không gian hẹp trong vòng cấm, nắm bắt thời gian và chớp thời cơ cực tốt. Cố nhà báo huyền thoại Giorgio Tosatti từng mô tả: “Rossi đại diện cho sự duyên dáng của một vũ công và sự lạnh lùng đến tàn nhẫn của một vận động viên đấu bò”. Trước đây, trong quyển sách bán chạy của mình, Tosatti ví Rossi là “sự pha trộn giữa Nureyev và Manolete” (Rudolf Nureyev – người Liên Xô, được công nhận là một trong những vũ công vĩ đại nhất thế kỷ 20. Manuel Rodriguez Sanchez – hay Manolete, người Tây Ban Nha, là một trong những đấu sĩ đấu bò giỏi nhất mọi thời đại).
“Đao phủ của Brazil”
Sau scandal Totonero mà Rossi cho rằng bản thân vô tội, ông thừa nhận “ghê tởm bóng đá, từng muốn rời khỏi Italy”. Rồi Rossi cũng vượt qua, không lâu trước khi World Cup 1982 khởi tranh. Rossi được HLV vĩ đại Enzo Bearzot động viên và giúp đỡ trong lúc khó khăn nhất. Bearzot, sau cuộc trò chuyện trực tiếp, đặt niềm tin tuyệt đối vào Rossi khi Italy đến Tây Ban Nha 1982.
“Tôi nợ Enzo tất cả mọi thứ. Nếu không có ông, tôi sẽ không làm được những gì như mọi người đã được thấy. Enzo là một người trung thực, đáng kính, là một HLV tuyệt vời. Ông ấy là hiện thân của hình tượng người Italy bình dân”. Điều kỳ diệu mà Rossi làm, dưới sự huấn luyện của Bearzot, là màn trình diễn xuất sắc ở Espana. 6 bàn thắng của ông giúp Italy lần thứ 3 vô địch thế giới.
Pablito, biệt danh của Rossi, được nhắc đến như một thứ ánh sáng trên bầu trời Tây Ban Nha 1982. Italy với Pablito khiến giấc mơ World Cup của Diego Maradona bị muộn mất 4 năm. Cũng chính Rossi gieo nỗi ám ảnh cho một trong những phiên bản Brazil đẹp nhất lịch sử. Những Falcao, Zico, Socrates, Serginho hay Eder hoàn toàn bị che phủ bởi vũ công Rossi. Italy thắng Brazil 3-2, thuộc vòng bảng thứ 2, với hat-trick của Rossi, là một trong những trận đấu kinh điển của bóng đá thế giới. Sau khi loại Brazil, Rossi ghi cú đúp trong trận bán kết với Ba Lan, và mở tỷ số trong trận chung kết mà Italy thắng Đức 3-1.
Năm 1989, Rossi sang Brazil dự sự kiện bóng đá. Người Brazil đón tiếp ông bằng sự thù địch. Họ gọi ông là “carrasco do Brasil” (đao phủ của Brazil). “Đó là 3 bàn thắng tuyệt vời, khó quên. Một ký ức không thể xóa nhòa, dù sau 1 triệu năm”, Pablito từng viết trong cuốn tự truyện “Ho fatto piangere il Brasile” (tôi đã khiến Brazil khóc). Đấy là cuốn sách thú vị, được ông cùng vợ Federica Cappelletti, nhà báo kiêm nhà văn chấp bút.
Vũ công Paolo Rossi, ánh sáng của Espana 1982, đã hội ngộ Maradona trên thiên đường để cùng tiếp tục thứ bóng đá kỳ diệu mà họ từng thể hiện trên sân cỏ.
Bê bối Totonero Ở Perugia, Rossi bị phát hiện dính đến vụ scandal cá cược rúng động bóng đá Italy, được biệt đến với cái tên Totonero (Milan và Lazio bị đánh xuống Serie B, cùng một loạt CLB bị phạt điểm). Rossi nhận án phạt cấm thi đấu 3 năm, sau giảm xuống còn 1 năm, khiến ông không được dự EURO 1980. Khoảng thời gian bị treo giò không làm cho sự nghiệp Rossi đi xuống. Ông tái xuất đầy ấn tượng, trở thành thủ lĩnh Juve và đội tuyển Italy, cùng với thứ bóng đá đầy mê hoặc. |
Ngọc Huy
Tags