Để nền mỹ thuật Việt Nam phát triển bền vững, thị trường mỹ thuật được coi là 1 trong những nhân tố quan trọng nhất tạo "đất sống" cho những người làm nghệ thuật chân chính. Và hiện nay, thị trường mỹ thuật Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng cũng gặp không ít thách thức.
Đây là 1 trong những vấn đề được thảo luận tại Hội thảo 100 năm nghệ thuật Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng diễn ra ít ngày trước tại Hà Nội. Hội thảo do trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 - 2024).
Từ những thăng trầm trong quá khứ
Dưới tác động của điều kiện xã hội qua từng thời kỳ, thị trường mỹ thuật Việt Nam chứng kiến sự dịch chuyển từ việc tập trung vào nghệ thuật thuần túy với các giá trị tinh thần, tuyên truyền văn hóa, sang việc kết hợp với nhu cầu mua - bán trong quá trình thương mại hóa, hàng hóa hóa nghệ thuật.
Theo PGS-TS Đinh Hồng Hải (ĐHQGHN), Việt Nam là 1 trong những thị trường nghệ thuật hàng đầu ở vùng Viễn Đông giai đoạn thuộc Pháp khi Nhà đấu xảo được xây dựng ở Hà Nội đầu thế kỷ 20. Đây là trung tâm đấu giá các sản phẩm mỹ thuật và mỹ nghệ của Việt Nam và một số thuộc địa khác của Pháp với các sản phẩm đa dạng từ thủ công đến nghệ thuật hiện đại.
Tuy nhiên, những biến động của lịch sử đã khiến cho thị trường này phải đóng cửa và Nhà đấu xảo bị dỡ bỏ năm 1943.
Theo chuyên gia này, vào giai đoạn trước "mở cửa" (1945 - 1986), công việc sáng tác của các nghệ sĩ không phải để hướng tới mục tiêu thị trường (để mua và bán) mà chủ yếu là để tuyên truyền, cổ động. Một thị trường mỹ thuật mới phôi thai đã khép lại, các phiên đấu xảo, các cuộc đấu giá đã nhường chỗ cho các hoạt động cổ động - tuyên truyền chống thực dân, đế quốc và nâng cao tinh thần dân tộc.
Đến giai đoạn sau "mở cửa", thị trường mỹ thuật Việt Nam có những biến đổi hết sức to lớn. Cụ thể, theo PGS-TS Đinh Hồng Hải, một thị trường mỹ thuật "phi thị trường" trước 1986 (hầu như chỉ phục vụ cho công tác tuyên truyền) đã biến thành một thị trường mỹ thuật vô cùng sôi động trong 2 thập niên từ khi Đổi mới…
Ông Hải phân tích - "Làn gió mới đã giúp cho những ý tưởng nghệ thuật thăng hoa. Một thế hệ các nghệ sĩ Việt Nam đã trưởng thành mang đến cho đời sống nghệ thuật của Việt Nam một cách nhìn mới, một hình thức cảm thụ mới với những tác phẩm mang phong cách mới".
Mặt khác, làn gió mới này không chỉ giúp các nghệ sĩ Việt Nam khẳng định tài năng trong nước mà còn hướng đến thị trường thế giới. Nhiều tác giả và tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam đã được đưa đi triển lãm ở nước ngoài. Từ đây, cơ hội giao lưu với các nền nghệ thuật lớn trên thế giới được mở rộng,…
Đến sự hỗn tạp hiện nay trên thị trường
Song, có một thực tế đáng buồn được ông Hải nêu ra: Sau một giai đoạn thăng hoa, thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay đang bước vào một giai đoạn suy trầm đáng lo ngại.
"Bên cạnh những ảnh hưởng dễ thấy của khủng hoảng kinh tế thế giới và việc chưa có một thị trường mỹ thuật thực thụ thì sức tấn công mãnh liệt của hàng giả, hàng "nhái" và hàng lậu đang dần lấy đi "đất sống" của những người làm nghệ thuật chân chính" - ông Hải nêu thực tế. Ông cho rằng, hàng trăm xưởng chép tranh giả tại Hà Nội và TP.HCM với hàng nghìn tranh giả, cùng hàng vạn tranh nhập lậu hàng năm đã hút phần lớn dòng tiền của công chúng dành cho tranh nghệ thuật.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, các sản phẩm mỹ nghệ như tì hưu phong thủy, sư tử đá… cũng tham gia "hút" dòng tiền còn lại khiến cho một lượng tiền rất lớn trong công chúng bỏ qua các tác phẩm nghệ thuật thực thụ mà đổ vào những sản phẩm phi nghệ thuật. Nguy hiểm hơn, nó tạo nên một dòng "thẩm mỹ trọc phú" (chữ của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng).
Loại thẩm mỹ này không chỉ giúp cho những kẻ làm ăn phi pháp (làm hàng giả, hàng nhái, cò mồi, lừa đảo,…) thu "bộn tiền" mà còn làm cùn mòn trình độ thẩm mỹ của công chúng và hạn chế sức sáng tạo của các nghệ sĩ. Xa hơn, chúng có thể "giết chết" thị trường mỹ thuật còn trong giai đoạn trứng nước của Việt Nam.
Từ thực tế này, PGS-TS Đinh Hồng Hải cho rằng, "thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay đang phát triển một cách vô cùng hỗn tạp". Theo ông Hải, sự hỗn tạp này có nhiều căn nguyên.
Trước hết, "do sự quản lý Nhà nước đối với thị trường mỹ thuật quá lỏng lẻo". Sự lỏng lẻo ở đây được thể hiện rất rõ qua việc các giao dịch mua bán các sản phẩm và tác phẩm nghệ thuật hầu như không có sự tham gia của cơ quan quản lý về thuế. Thay vào đó, những sản phẩm đáng giá tiền triệu, thậm chí là tiền tỷ được thực hiện trực tiếp trong một thị trường phi kiểm soát mà các nhà kinh tế gọi là thị trường chợ đen.
Còn nữa, sự thiếu tự giác từ chính các tác giả trong việc đăng ký bản quyền cho tác phẩm của mình và nộp thuế cho Nhà nước đã dẫn đến tình trạng "không thể phân xử" trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Hơn thế, việc bán các sản phẩm không thông qua thẩm định hoặc đăng ký bản quyền khiến cho uy tín của tác giả cũng như uy tín của mỹ thuật Việt Nam bị hạn chế trong con mắt của các nhà sưu tập, đặc biệt là các nhà sưu tập nước ngoài - những người mong muốn tìm kiếm cái hay, cái mới từ một thị trường mỹ thuật độc đáo như Việt Nam.
Thực trạng này đã trao thị trường mỹ thuật non trẻ của Việt Nam vào tay những kẻ cơ hội "đục nước béo cò" (như lời một chuyên gia khi nói về nạn tranh giả). Những kẻ cơ hội này không hề quan tâm đến uy tín của tác giả hay chữ tín trong việc kinh doanh mà chỉ hướng đến một mục tiêu duy nhất là tiền.
Sự trục lợi qua tranh chép, tranh nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng,… đã làm tổn hại đến thanh danh của những người làm nghệ thuật ở Việt Nam nhưng nguy hại hơn là chúng gián tiếp "giết chết" niềm tin của công chúng, của khách hàng.
Cần một thị trường mỹ thuật thực thụ
Như PGS-TS Đinh Hồng Hải bày tỏ, "không khó để nhận ra rằng thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay đang hoạt động gần như một black market (chợ đen) với nhiều giao dịch không thông qua hệ thống quản lý có uy tín của quốc gia và quốc tế. Điều này không chỉ tạo nên một thị trường nghệ thuật hỗn độn mà còn tạo một lỗ hổng khiến Nhà nước bị thất thoát một khoản thu lớn từ thuế".
Theo ông, để hội nhập môi trường nghệ thuật của thế giới, Việt Nam cần một chính sách quản lý công bằng và một thị trường nghệ thuật minh bạch... Đây chính là thách thức lớn nhất để nền mỹ thuật Việt Nam có thể hội nhập và phát triển trong một sân chơi toàn cầu của thế kỷ 21.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN) cho rằng: Thị trường nghệ thuật Việt đương đại đang phát triển sống động và mang hơi thở của thời đại với nhiều hứa hẹn, khi có sự xuất hiện hàng loạt các triển lãm và sự kiện mỹ thuật, cũng như gallery và bảo tàng/không gian triển lãm nghệ thuật tư nhân… Tuy nhiên, nó vẫn đối mặt với thách thức như thiếu sự chuyên nghiệp trong định giá, giám tuyển và vấn nạn tranh giả.
Và như thế, để phát triển bền vững, điều kiện tiên quyết của thị trường nghệ thuật là vẫn cần một hệ thống chuyên nghiệp, minh bạch và đào tạo giám tuyển, và trên hết, được nhìn nhận với tư cách là một thị trường đặc thù.
4 bước đi ban đầu
Đặc biệt, để xây dựng một thị trường mỹ thuật thực thụ, nhà nghiên cứu Đinh Hồng Hải đề xuất 4 bước đi ban đầu bao gồm: Luật hóa thị trường mỹ thuật; Luật hóa tác quyền; Thành lập các hội đồng thẩm định và cơ quan thẩm định và Tổ chức các phiên đấu giá và ủng hộ các nhà đấu giá.
"Từ những bước đi này, nhà quản lý, sưu tập, nghiên cứu phê bình và các nghệ sĩ sẽ dần tạo nên một môi trường nghệ thuật lành mạnh. Môi trường này sẽ giúp cho những khách hàng tiềm năng như khách du lịch, nhà sưu tập nước ngoài tin tưởng hơn vào các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam…" - ông Hải bày tỏ.
"Bên cạnh những ảnh hưởng dễ thấy của khủng hoảng kinh tế thế giới và việc chưa có một thị trường mỹ thuật thực thụ thì sức tấn công mãnh liệt của hàng giả, hàng "nhái" và hàng lậu đang dần lấy đi "đất sống" của những người làm nghệ thuật chân chính" - PGS Đinh Hồng Hải
Tags