Hợp tác quốc tế chống tệ nạn buôn bán người

Thứ Năm, 16/02/2012 10:17 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà ngay cả người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam đều có thể trở thành nạn nhân của buôn bán người.

Trước thực trạng buôn bán người diễn ra ngày càng phức tạp trong và ngoài nước, từ ngày 14/2 đến 16/2, Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 8 các nước Tiểu vùng sông Mê Kông về phòng, chống mua bán người (COMMIT), đã đưa ra nhiều giải pháp chống lại loại tội phạm này. Hội nghị với sự tham dự của 150 đại biểu đến từ 6 nước: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái lan, Myanma.

Buôn người từ Internet

Thời gian gần đây, mạng Internet đang trở thành một công cụ của hoạt động buôn bán người. Ngày 13/8/2011, Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội khám phá ổ nhóm mua bán người, bắt 5 đối tượng. Bằng thủ đoạn hứa xin việc làm tại Hà Nội, các đối tượng đã lừa được 4 phụ nữ ở Đắk Lắk đưa ra Hà Nội tập kết để đưa lên Móng Cái bán sang Trung Quốc.

Trước đó, ngày 2/7/2011, công an TP đã khám phá chuyên án mua bán người, bắt giữ 6 đối tượng, gồm: Lê Thị Thanh Tâm (SN 1987, ở huyện Thường Tín, Hà Nội); Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1989, ở thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc); Vũ Mạnh Linh (SN 1987, trú tại thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh); Hoàng Quốc Hưng (SN 1987, trú tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên); Lê Đức Nam (SN 1990, ở huyện Yên Mỹ, Hưng Yên); Lê Đức Hấn (SN 1992, trú ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Từ đầu năm 2011, với thủ đoạn “cứu nét”, các đối tượng đã lừa gạt 6 nạn nhân “kẹt nét”. Sau đó khống chế, ép đưa đến bán vào quán karaoke Kim Thảo ở thị trấn Bần, xã Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên để làm gái mại dâm.

4 phụ nữ ở Đăk Lăk được giải cứu khỏi tay bọn buôn bán người

Ngày 24/4/2011, Công an TP Hà Nội khám phá chuyên án mua bán trẻ em, bắt 4 đối tượng, tại Hải Dương và Hà Nội. Thông qua mạng Internet, các đối tượng làm quen với các thiếu nữ, thường là học sinh THCS, THPT nhẹ dạ, ham chơi, thiếu sự quản lý của gia đình để rủ đi chơi. Sau đó, chúng lừa, ép lên Lào Cai để bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Các đối tượng đã lừa bán được 1 nạn nhân sang Trung Quốc.

Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều vụ mua bán phụ nữ trẻ em được công an Hà Nội khám phá thành công năm 2011. Năm 2011, tình hình mua bán người trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp, do vị trí là đầu mối của nhiều tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không nên Hà Nội vẫn là địa bàn trung chuyển các vụ mua bán người ra nước ngoài.

Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, trong năm 2011 đã phát hiện, điều tra khám phá 11 vụ (có 9 vụ mua bán phụ nữ, 2 vụ mua bán trẻ em), bắt 30 đối tượng (tăng 1 vụ so với năm 2010). Các đối tượng phạm tội đã lừa bán 19 phụ nữ và 5 trẻ em. Trong 30 đối tượng bị bắt, có 10 đối tượng là người Hà Nội, 20 đối tượng là người tỉnh ngoài. Trong 24 người bị hại có 6 nạn nhân là người Hà Nội, 18 nạn nhân là người tỉnh ngoài.

Hợp tác quốc tế phòng chống buôn bán người

Tại COMMIT, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định: Việt Nam coi trọng phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm; tiếp nhận, hồi hương, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Trong 6 năm từ 2005-2011, lực lượng công an, biên phòng Việt Nam đã điều tra khám phá hơn 2.200 vụ, bắt gần 3.600 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người.

Theo Chương trình quốc gia về Phòng chống mua bán người giai đoạn 2011- 2015 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà  cả người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam với phạm vi mua bán người ra nước ngoài và mua bán trong nội địa. Việt Nam dành khoản kinh phí 300 tỷ đồng để ưu tiên cho chương trình này.

COMMIT thảo luận để ra tuyên bố chung, cam kết mạnh mẽ nhằm nâng cao mục tiêu xóa bỏ tình trạng con người bị đem ra trao đổi, mua bán, sang nhượng, bắt cóc và bóc lột. Tuyên bố cũng thừa nhận, buôn bán người là một hiện tượng hình sự và cần phải có các ứng phó tư pháp hình sự ở cấp quốc gia và cấp khu vực nhằm trừng trị nghiêm khắc tội phạm buôn bán người.

Tử Yến

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›