(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 8/6, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thành phố Fukuoka của Nhật Bản đã nhất trí về tầm quan trọng của việc thiết lập hệ thống toàn cầu nhằm đánh thuế các hãng Internet khổng lồ như Google hay Facebook. Tuy nhiên, các nước hiện vẫn bất đồng trong cách thức thực thi.
G20 đã trao cho Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhiệm vụ nâng cấp hệ thống thuế toàn cầu, vốn đang tạo điều kiện cho các hãng công nghệ lớn hưởng lợi từ mức thuế thấp tại một số nơi như Ireland, trong khi không phải trả đồng thuế nào tại những nước mà họ thu nhiều lợi nhuận.
Tổng Thư ký OECD Angel Gurria đã trình lên hội nghị G20 một "lộ trình", hiện đã được 129 nước ký kết, trong nỗ lực nhằm đạt được giải pháp lâu dài vào năm 2020.
Trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã kêu gọi thế giới cần nhanh chóng có biện pháp, đồng thời kêu gọi thiết lập một khung thời gian tham vọng hơn nhằm thúc đẩy sự thống nhất toàn cầu. Ông cho rằng một lịch trình phù hợp chính là đạt được sự đồng thuận vào cuối năm nay.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho rằng việc đánh thuế các hãng công nghệ trực tuyến là biện pháp ứng phó với sự bất công trong hệ thống thuế hiện nay. Các bộ trưởng đang cân nhắc một chính sách thuế mới dựa trên khối lượng hoạt động kinh doanh của công ty tại một quốc gia, chứ không phải nơi họ đặt trụ sở.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin lại bày tỏ quan ngại về việc chính sách thuế riêng của Anh và Pháp đối với các công ty kỹ thuật số. Theo ông, thay vì viết lại toàn bộ hệ thống thuế, thế giới cần nhìn nhận sự cân bằng giữa vấn đề liên quan kỹ thuật số và việc môi trường mới sẽ tác động thế nào đến các công ty không hoạt động trong lĩnh vực này.
Dù vẫn chưa nhất trí về nội dung cải cách, song các nhà hoạch định chính sách đều tin rằng cần có cách tiếp cận tòan cầu trong việc đánh thuế các hãng công nghệ internet lớn. Bộ trưởng Mnuchin cũng nhất trí rằng các tiếp cận rời rạc trong việc đánh thuế là không phải là biện pháp phù hợp cho bất kỳ nước nào.
- Nhờ G20, người Hàng Châu ngắm được sao trời
- Hội nghị thượng đỉnh G20: Cảnh báo những nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu
- Ông Tập Cận Bình bận rộn gặp song phương bên lề Thượng đỉnh G20
Đặng Ánh/TTXVN
Tags