(Thethaovanhoa.vn) - Từ ý tưởng của Phó An My, nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên viết nên tác phẩm Gió. Đây là cuộc đối thoại giữa dương cầm với âm nhạc chèo cổ, mà nguồn cảm hứng chính là vở Quan âm Thị Kính. Chương trình vừa diễn ra tối qua, 3/12, tại GEM Center (TP.HCM), rất thành công.
- Pianist Phó An My sẽ đối thoại gì với 'Quan Âm Thị Kính'?
- Nghệ sĩ piano Phó An My: Lại sắp 'điên' với tuồng 'Lửa thiêng'
- Nghệ sĩ Phó An My mang “Bóng” đến với khán giả Tp. HCM
Dương cầm thủ Phó An My có cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về đêm diễn cuối cùng này.
* Trong quan niệm của người Việt xưa, chữ “ngoan” trong ngoan cố và trong ngoan ngoãn có cùng ý nghĩa, nên mới có câu “Không chồng mà chửa mới ngoan” - ngoan ở đây là dũng cảm, độc lập. Vậy thì, khi chị trích hai tính cách “Có oan Thị Kính, có loạn Thị Mầu” để trình diễn, nó như đối nghịch, nhưng thực chất là bổ sung âm-dương, bắc cầu cho nhau. Ngoài thể hiện sự đối nghịch đó, chị thể hiện tính bắc cầu này thế nào?
- Là một nghệ sĩ biểu diễn, tôi đặt cảm xúc vào âm nhạc, lúc đó chỉ tưởng tượng sự khát khao, đằm thắm, hay những tính cách trái ngược trên âm nhạc mà nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên sáng tác.
* Vậy thì, nếu đi vào nội tâm các nhân vật, cá tính âm nhạc của chị sẽ gần với Thị Kính hơn, hay Thị Mầu hơn? Tại sao?
- Tôi đang kể chuyện Thị Kính và Thị Mầu mà. Một đêm diễn bất kỳ, hoặc thường kỳ, nó cũng đâu phải để mình kể câu chuyện đời mình. Phải học cách hóa thân chăng?
* Tác phẩm của chị gồm 5 chương, thì các chương Oan, Khát, Ru kệ và Hóa khá gần với tinh thần của truyện Quan âm Thị Kính, chỉ hơi tò mò, vì sao chị và mọi người lại bắt đầu bằng chương Chạng vạng?
- Nó như bắt đầu một câu chuyện cổ tích, luôn cần “ngày xửa ngày xưa”.
* Thưa chị, Bóng (2011) và Lửa (2014) là hai chương trình đã rất thành công, tại sao chị muốn dừng lại với Gió (2016), mà không làm thêm Đất, Nước… chẳng hạn?
- Tôi dừng lại với chặng đường đối thoại. Với Gió lần này, tôi đặt sự tương tác cao hơn hai lần trước, và cảm thấy bộ ba bóng - lửa - gió như vậy là vừa vặn với mình. Bản thân tôi luôn mơ ước đến một ngày tôi và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên mang được những tác phẩm mang âm hưởng nhạc truyền thống Việt Nam ra khỏi biên giới, tức là mang tính chất quốc tế hóa.
* Từ bối cảnh của chương trình như vậy, tại sao trạm cuối của chuỗi đối thoại lại có thêm triển lãm tương tác của Trần Trọng Linh?
- Nghệ thuật có thể là vô dụng. Không ai có thể thay đổi mỹ học cho ai cả. Đây là triển lãm tương tác, trong đó có âm nhạc, điêu khắc, ánh sáng..., có sự đóng góp của nhiều nghệ sĩ. Đây như một dấu ấn để kết thúc phần đối thoại, một bước đệm mới để tôi và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên bước sang con đường tiếp nối. “Sự tương tác”.
* Chị đã cùng dương cầm kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc, từ hát cọi, hò Huế đến tuồng, chầu văn, chèo… trong tương lai sẽ là gì?
- 10 năm trước tôi còn trẻ, tôi sôi động và đặt kế hoạch 10 năm tới sẽ làm gì. Còn bây tôi không nghĩ đến 10 năm tiếp theo, tôi chỉ thả cho mình được thư thái hơn.
* Cảm ơn chị. Chúc chị thành công.
Phó An My sinh năm 1977 tại Hà Nội, trong một gia đình có nhiều người làm nghệ thuật. Mẹ của chị là nghệ sĩ dương cầm Trịnh Thị An, bố là nghệ sĩ vĩ cầm Phó Đức Vạn, chú ruột là nhạc sĩ Phó Đức Phương. Chị làm quen với dương cầm từ lúc 5 tuổi, 13 tuổi sang Đức học âm nhạc tại Trường E.M. Phillips Bach. Chị từng đoạt giải Nhất tại cuộc thi song tấu piano - clarinette ở Berlin năm 1996. Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc năm 1998, Phó An My về Việt Nam, bắt đầu xuất hiện như một nghệ sĩ biểu diễn từ đầu thế kỷ 21. Ngoài bộ ba Bóng, Lửa, Gió, Phó An My còn được biết đến qua các chương trình như Phiêu thanh (2008), Lửa thiêng (2008), Những điều còn mãi với bồng bềnh (2009), Tiếng thốt (2010)... Về âm nhạc của mình, Phó An My từng tâm sự: “Tôi không đòi hỏi người nghe phải thích nhạc của tôi. Âm nhạc cần quá trình cảm thụ và thẩm thấu, đặc biệt với hình thức biểu diễn kết hợp dương cầm với chèo, tuồng, cải lương… Dù gì, mỗi người một tai nghe, người thích, người không cũng là bình thường thôi. Nhưng nếu là khen-chê, thì khen-chê phải có cơ sở, chứ không thể nói chung chung. Trong trường hợp này, sự am hiểu về khí nhạc, về nhạc truyền thống là cực kỳ quan trọng”. |
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags