Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam có ý nghĩa to lớn, là sự mở đầu cho hoạt động ngoại giao của nguyên thủ của Trung Quốc trong năm nay. Việc chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên đến thăm cho thấy quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Đồng thời, chuyến thăm sẽ viết nên một chương mới trong quan hệ Trung Quốc-Việt Nam và vạch ra lộ trình mới cho quan hệ hai nước.
Đây là nhận định của Giáo sư Phan Kim Nga, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Marx thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc khi chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam.
Theo Giáo sư Phan Kim Nga, đây là lần thứ tư đồng chí Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc. Điều này thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với quan hệ Trung-Việt.
Việt Nam là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, điều này cũng cho thấy sự coi trọng đối với Việt Nam và quan hệ Trung-Việt. Tại Hội nghị Công tác ngoại giao láng giềng Trung ương vừa được tổ chức (8-9/4), Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh ngoại giao láng giềng là một trọng tâm của Trung Quốc, là định hướng ưu tiên quan trọng để Trung Quốc và các nước láng giềng thực hiện mục tiêu cùng thịnh vượng. Vì vậy, là một nước láng giềng quan trọng, Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ rất đặc biệt, được thể hiện ở những điểm sau:

Giáo sư Phan Kim Nga, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Ảnh: Quang Hưng/PV TTXVN tại Bắc Kinh
Trung Quốc và Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Hai nước có vị trí địa lý núi liền núi, sông liền sông; văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng. Với 4 đặc điểm trên, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam sẽ có những bước tiến mới trên cơ sở của ba chuyến thăm trước. Trong đó, phát triển là một nội dung được kỳ vọng nhất. Tháng 12/2023, hai nước đã nhất trí về việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Hơn một năm qua, lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đã thực hiện ba chuyến thăm lẫn nhau vào tháng 12/2023, tháng 8/2024 và tháng 4/2025.
Về việc ký kết các văn kiện, thỏa thuận, năm 2024 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sang thăm Trung Quốc, hai bên nâng cấp quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung-Việt có ý nghĩa chiến lược đi vào chiều sâu, thực chất; ngoài ra hai bên còn ký kết hơn 10 văn kiện hợp tác khác. Do đó, trên cơ sở hợp tác của năm trước, năm nay hai nước có thể sẽ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác mới trên tất cả các lĩnh vực. Quan hệ hợp tác hiệu quả sẽ có bước đột phá quan trọng trên cơ sở nội hàm phương hướng "sáu hơn" (tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn).
Về hợp tác trên kênh Đảng, Giáo sư Phan Kim Nga cho rằng quan hệ giữa hai Đảng trong tương lai vẫn còn có không gian rất lớn để phát triển. Cụ thể, trong chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình, cả Trung Quốc và Việt Nam đều đang đối mặt với diễn biến tình hình mới trong nước, đồng thời cũng phải ứng phó với bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp. Vì vậy, lãnh đạo hai Đảng cần trao đổi, tham vấn lẫn nhau về tình hình quốc tế và trong nước.
Chính vì vậy, trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam: Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Đây đều là những lãnh đạo chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng tương lai phát triển của Việt Nam. Do đó, hai bên cần tiến hành thảo luận về tình hình quốc tế, trên cơ sở đạt được nhận thức chiến lược chung, từ đó thúc đẩy quan hệ song phương, cũng như sự phát triển trong nước của mỗi nước.
Theo Giáo sư Phan Kim Nga, năm tới Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV, đây cũng là một bối cảnh chính trị lớn trong nước. Sau Đại hội XIV, Việt Nam sẽ bước vào một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mục tiêu phát triển đến năm 2045 của Việt Nam là nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao. Trung Quốc rất quan tâm đến việc Việt Nam sẽ hoạch định các chính sách đối nội như thế nào để đạt được những đột phá này, đồng thời hy vọng hai bên có thể học hỏi, trao đổi lẫn nhau.
Ngoài ra, hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam có thể tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong việc quản lý Đảng, quản lý đất nước. Giáo sư Phan Kim Nga cho rằng sự trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này là vô cùng quan trọng.
Trong bối cảnh năm nay cũng được lãnh đạo cấp cao hai nước xác định là "Năm giao lưu nhân văn Việt-Trung", Giáo sư Phan Kim Nga nhấn mạnh giao lưu nhân văn giữa hai nước cũng là một điểm sáng quan trọng. Hơn một năm qua, hoạt động trao đổi lý luận giữa hai Đảng, trao đổi học thuật giữa chuyên gia hai nước rất sôi động. Rất nhiều đoàn công tác, chuyên gia, học giả của Việt Nam đã sang Trung Quốc giao lưu, trao đổi, tham khảo những kinh nghiệm phát triển mới của Trung Quốc. Đồng thời, trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, các đoàn khách du lịch hai nước sang tham quan, tìm hiểu văn hóa, các địa điểm du lịch đỏ tại hai nước ngày càng nhiều; các hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa giữa hai nước cũng diễn ra thường xuyên. Qua đó đã không ngừng tăng cường tình hữu nghị cũng như hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Tags