(Thethaovanhoa.vn) - Hoàng Văn Bình (tự Bình 'bướm' - FLC Thanh Hoá) sinh năm 1989 tại Nghệ An, cùng lứa với Trọng Hoàng, Âu Hoàn, Đình Hiệp, Hồng Việt, ít hơn một tuổi so với Quang Tình, Công Minh..., thế hệ cầu thủ có thể nói là đầy tài năng của xứ Nghệ.
- Tiền vệ FLC Thanh Hóa bị treo giò 2 trận vì vào bóng nguy hiểm
- Bầu Quyết thưởng USD cho cầu thủ FLC Thanh Hóa
- FLC Thanh Hóa nhận 'quà Xuân', HLV Petrovic thở phào
Khác với Danh Ngọc, chấp nhận ở lại Vientiane, hưởng chế độ tuyển thủ và đêm đến đi uống bia cỏ, ăn cá nướng bên bờ Mekong, Văn Bình phần vì thất vọng bản thân, phần hận thời thế, xin thầy "Tô" quy cố hương. Ở vị trí tiền vệ thu hồi của ĐT U23 Việt Nam vào thời điểm đó, quả thật rất khó để Bình cạnh tranh với Công Minh, Văn Hiếu, Phan Thanh Hưng và thậm chí cả Thái Dương... Bình thu mình lại cũng là do thời thế, muốn khác cũng khó. Điều quan trọng, anh đã không lùi bước, không hàng số phận.
8 năm không là cái chớp mắt với một cầu thủ chuyên nghiệp. SEA Games 2011, Hoàng Văn Bình được sử dụng nhiều hơn ở Jakarta, Indonesia, thậm chí đã có siêu phẩm trong trận đại thắng Brunei, nhưng sự hẩm hiu trong sắc áo các ĐTQG vẫn cứ đeo bám, tựa như các đàn anh Văn Vinh hay Như Thuật. Bản hợp đồng vài tỷ đồng, thêm cú đúp dang hiệu vô địch V-League cùng B.Bình Dương (2014-2015, sau lần đầu tiên năm 2011 cùng SLNA), cũng không xoá bỏ được lời nguyền, nhưng...
2. Giữa một rừng sao ở FLC Thanh Hoá, Văn Bình vẫn cầm suất đá chính như những ngày đầu tiên tươi đẹp ở SLNA và B.Bình Dương. Bình "bướm" thậm chí đã ghi 3 bàn thắng/5 lượt trận đầu tiên, điều chưa từng xuất hiện trong sự nghiệp gần chục năm chơi bóng chuyên nghiệp. Cần chắc rằng, Văn Bình - một cầu thủ khá nhỏ con, nhưng vốn dĩ chơi tiền vệ trung tâm, rất hiếm khi ốp cầu môn. Bình chỉ mạnh ở các pha tổ chức bóng, đá phạt và sút xa..., cho đến khi anh tự điều chỉnh mình.
Ngoài việc được tạo không gian, cũng như cơ hội, một trong những lý do giúp Hoàng Văn Bình chơi khởi sắc trong màu áo FLC Thanh Hoá, đấy là khi đội bóng xứ Thanh kéo được về Trọng Hoàng ở mùa giải này. Từ khi còn ở các tuyến trẻ, đến đội 1 SLNA, Hoàng và Bình là một cặp ăn ý, chơi bóng cùng nhau và hiểu nhau như chân với tay, chuyền bóng mà thậm chí không cần nhìn. Điều này có lẽ chỉ những đồng đội cùng thời mới biết. Văn Bình và Trọng Hoàng, khi tác hợp, chẳng khác gì cá với nước.
Năm 2009, gạt lệ bỏ Văn Bình là điều chẳng đặng đừng với cựu thuyền trưởng các ĐTQG - Henrique Calisto. Năm 2016, ông "Tô" lần đầu quay lại dải đất hình chữ S, sau hơn nửa thập niên, ông bất chợt hỏi PV Thể thao & Văn hoá rằng, cầu thủ trẻ Việt Nam lúc này có ai chơi hay như Trọng Hoàng, Thành Lương và thế hệ từng tập trung cho SEA Games 2009 hay không?. Tất nhiên, cái thế hệ vồ hụt HCV SEA Games năm ấy có cả Hoàng Văn Bình.
Hiện, HLV trưởng FLC Thanh Hoá cũng là một người Âu châu, từng dẫn quân đá UEFA Champions League và hẳn phải có bộ óc cấp tiến, thậm chí còn có phần hơn Henrique Calisto khi xưa. Thế nên giá trị của Bình "bướm" nếu có được ý thức trở lại, âu cũng là chuyện bình thường.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Tags