Hoàng Tích Chỉ - Đến các chiến trường để viết kịch bản phim

Thứ Hai, 18/01/2021 20:05 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi về Phù Lưu - Chợ Giàu dự Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, tôi hẹn người bạn cùng quê Bắc Ninh ở Bộ VH,TT&DL đến thăm nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - em trai cụ Hoàng Tích Linh. Cả nhà vui lắm khi thấy chúng tôi đến thăm.

Từ cái nôi sân khấu - điện ảnh Việt Nam (kỳ 15): Lê Chí Kiên - người đưa 'Hồn Trương Ba...' vào rối

Từ cái nôi sân khấu - điện ảnh Việt Nam (kỳ 15): Lê Chí Kiên - người đưa 'Hồn Trương Ba...' vào rối

Tôi gặp Lê Chí Kiên tháng 4/2012 trong lễ ra mắt bộ phim truyện nhựa Mùi cỏ cháy. Kiên vào vai Đại đội trưởng Phong rất thành công, ấn tượng lại có chút hài hài, diễn tự nhiên mà cứ ngỡ thật ngoài đời. Nhưng hóa ra, điện ảnh chỉ là một "cuộc dạo chơi nhỏ", còn sân khấu mới là nơi anh ấp ủ và thực hiện những ước mơ lớn.

Trong căn phòng nhỏ ấm áp của ông hiện hữu những hình ảnh bộ phim quen thuộc gắn bó với cuộc đời điện ảnh của ông, là poster: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Thành phố lúc rạng đông… Ông lặng lẽ với nụ cười hiền hiền. Nhà biên kịch rất khó khăn để nói điều gì. Thay cho bao điều muốn nói, ông đã chuẩn bị đón chúng tôi bằng toàn bộ bản thảo kịch bản để sẵn trên bàn…

Hai anh em đều được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

Hoàng Tích Chỉ sinh ngày 1/9/1932 trong gia đình Nho học có truyền thống yêu nước tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn (nay là phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Chú thích ảnh
Tác giả đến thăm nhà viết kịch Hoàng Tích Chỉ tại tư gia (Thụy Khuê, TP Hà Nội)

Thân phụ là cử nhân Hoàng Tích Phụng (1862 - 1940) học rộng tài cao, thông thạo Hán học, giỏi tiếng Pháp, sống thanh bạch, liêm khiết, chính trực đã từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau khi từ quan, cụ Hoàng Tích Phụng an nhiên về làng, giữ cương vị Chánh hội giúp làng Phù Lưu và dạy học chăm lo cho thế hệ tương lai. Thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Huyền (vợ ba của cụ Hoàng Tích Phụng) là người con gái Kinh Bắc đẹp người, đẹp nết, tảo tần, đảm đang, cúc cung tận tụy cho chồng con sự nghiệp hiển vinh.

Thân mẫu mất sớm, nhà văn Hoàng Tích Chỉ từng phải trải qua một tuổi thơ cơ cực. Năm 7 tuổi, ông mới được cha đón về nuôi. Cụ Hoàng Tích Phụng thương con và rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái. Nhờ đó, từ chiếc nôi gia đình dòng họ Hoàng Tích đã đóng góp nhiều trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu cho đất nước, như: Nhà báo Hoàng Tích Chu, họa sĩ Hoàng Tích Chù, nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, bác sĩ ngoại khoa cao cấp Hoàng Tích Tộ.

Chú thích ảnh
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ biên kịch thứ nhất phim “Em bé Hà Nội”

Đặc biệt, hai anh em: Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Chỉ đều vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2000 và năm 2012). Thật hiếm có gia đình nào có được niềm vinh dự kép như gia đình cụ Hoàng Tích Phụng ở làng Phù Lưu giàu trầm tích văn hóa.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ luôn tự hào về truyền thống văn hiến của quê hương Phù Lưu - một ngôi làng cổ có lịch sử gắn với vua Hùng thứ 6. Hoàng Tích Chỉ được truyền cảm hứng nghệ thuật từ gia đình Nho học, từ các anh trai: Nhà báo Hoàng Tích Chu, họa sĩ Hoàng Tích Chù, nhà văn Hoàng Tích Linh… Ông mừng lắm khi chúng tôi báo tin anh trai ông - nhà văn Hoàng Tích Linh cả một đời vất vả đã được Bộ VH,TT&DL truy tặng Giải thưởng kịch bản văn học kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 2019).

Chú thích ảnh
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ lúc trẻ

Nhà văn Hoàng Tích Chỉ sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1946, ông làm trinh sát, biệt động Ty Liêm phóng tỉnh Bắc Giang. Năm 1956, ông giữ chức Trưởng phòng Văn nghệ Ty Văn hóa tỉnh Bắc Giang. Năm 1959, ông Hoàng Tích Chỉ được cử đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Năm 1961, ông học lớp biên kịch khóa I, Trường Điện ảnh Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công làm Trưởng phòng biên tập của Hãng phim Truyện Việt Nam. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Hãng phim truyện I. Năm 1980, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hai anh em ông: Hoàng Tích Linh, Hoàng Tích Chỉ đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, viết kịch bản sân khấu và điện ảnh. Năm 1996, ông về nghỉ hưu.

Kịch bản phải bám sát thực tế nóng bỏng

Nhà văn Hoàng Tích Chỉ là một trong những người viết kịch bản đầu tiên của ngành điện ảnh Việt Nam với những bộ phim được nhiều thế hệ khán giả yêu mến, như: Biển gọi (Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ I, 1970); Bão tuyến dựng thành phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973, Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ II, 1973); Em bé Hà Nội (Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ III-1975, Giải đặc biệt của Ban Giám khảo tại LHP Quốc tế Moscow - 1975); Mắt bão (1972) dựng thành phim Tọa độ chết (1985); Mối tình đầu (1977, Bông sen bạc LHP phim Việt Nam lần thứ V - 1980, Giải Chiếc thuyền bạc LHP Hiện thực mới tại Italy - 1981); Thành phố lúc rạng đông (1975, Giải Bồ Câu Vàng đặc biệt, LHP Leipzig - CHDC Đức); tiểu thuyết Tướng cướp hoàn lương dựng thành phim truyện SBC; Người đàn bà bị săn đuổi (1990); từ tiểu thuyết Bóng ma rừng Sác dựng thành phim Bông hoa rừng Sác (1995)…

Chú thích ảnh
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012

Là một nhà văn tâm huyết, trách nhiệm với nghề, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông hiểu hơn ai hết người viết kịch bản phải bám sát hiện thực cuộc sống nóng bỏng đang diễn ra. Xây dựng các nhân vật cũng phải tìm hiểu rõ các nguyên mẫu trong cuộc đời. Hiện thực bao giờ cũng rất sinh động. Vì thế, ông quan tâm đầu tiên đến việc đi thực tế sáng tác.

Viết Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, ông và đạo diễn Hải Ninh có mặt ở “chảo lửa” Vĩnh Linh. Khi được nghe cuộc đời đau thương, anh dũng của một phụ nữ Quảng Trị và sau đó gặp nguyên mẫu, ông đã ám ảnh không dứt. Chính trong cảm xúc đó, ông đã đưa hình tượng người phụ nữ đó vào kịch bản Bão tuyến và từ đó thăng hoa cảm xúc trong nhân vật Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm do nghệ sĩ Hải Ninh đạo diễn. Bộ phim đoạt giải Giải thưởng của Hội đồng hòa bình thế giới; Giải thưởng của Đoàn thanh niên Kômxômôn năm 1973; giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất dành cho diễn viên Trà Giang tại LHP Quốc tế Moscow năm 1973.

Chú thích ảnh
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng Cánh diều năm 2015 (Ảnh: Ngọc Thắng)

Lần khác, nghe câu chuyện về một chị công nhân dũng cảm cứu những đứa bé trong nhà trẻ, trong khi chính con chị cũng bị bom sát hại, ông ám ảnh không dứt và thức suốt 3 đêm trắng để viết kịch bản Em bé Hà Nội. Bộ phim Em bé Hà Nội xúc động, lay động trái tim con người về quân dân Hà Nội trong suốt 12 ngày đêm quyết tử với kẻ thù xâm lược. Sự hủy diệt của kẻ thù là có thật. Mất mát là có thật. Nỗi đau vẫn còn đó hiện hữu sâu xoáy trong lòng người Hà Nội. Nhưng có một Hà Nội kiên cường, nhân văn được thể hiện trong bộ phim tiềm ẩn trầm tích văn hóa. Nhà biên kịch không thể không khóc về cái chất người Hà Nội trong một cháu bé nói với cô bán hàng mậu dịch khi mẹ và em đều chết trong trận bom rải thảm cuối năm 1972: “Cô đừng xóa tên mẹ, tên em trong sổ gạo”…

Bộ phim Em bé Hà Nội tiếp tục ghi dấu ấn tài năng, đưa tên tuổi của cặp nghệ sĩ Hoàng Tích Chỉ - Hải Ninh và nền điện ảnh chiến tranh cách mạng đến với bạn bè thế giới. Thế giới được lay động, thức tỉnh từ bộ phim về chiến tranh ở Việt Nam. Bộ phim đoạt giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ III - 1975, giải Đặc biệt của Ban Giám khảo ở LHP Quốc tế Moscow 1975, Giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại LHP Quốc tế Syria…

Chú thích ảnh
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ biên kịch thứ nhất phim “Mối tình đầu”

Hành trình cùng nghệ sĩ Hãng Phim truyện Việt Nam vào Sài Gòn sau mùa Xuân đại thắng năm 1975, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ tiếp tục viết kịch bản Thành phố lúc rạng đông (giải Bồ câu vàng tại LHP Leipzig (Đức)…

Với những cống hiến to lớn trong lĩnh vực biên kịch điện ảnh, năm 2012, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Trên vĩ tuyến 17 (kịch bản phim truyện); Biển gọi (kịch bản phim truyện); Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (biên kịch thứ nhất phim truyện); Em bé Hà Nội (biên kịch thứ nhất phim truyện); Mối tình đầu (biên kịch thứ nhất phim truyện); Thành phố lúc rạng đông (biên kịch thứ nhất phim tài liệu). Ông là nhà biên kịch điện ảnh đầu tiên của Việt Nam được nhận giải thưởng cao quý này.

Chú thích ảnh
Kịch bản phim truyện “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”

“Hàng chục kịch bản văn học đang đợi tôi…”

Chúng tôi lần giở toàn bộ bản thảo mà ông tin cậy đặt trên bàn. Thỉnh thoảng, tôi lại nhìn sang phía ông. Ông vẫn lặng lẽ ngồi đó dõi theo chúng tôi đang cần mẫn xem, chụp từng trang bản thảo. Phía góc bàn, cuốn Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại (In lần thứ V, NXB Hội Nhà văn - 2010) mở trang 355 tên ông - Hoàng Tích Chỉ và trang 356 tên anh trai ông - Hoàng Tích Linh.

Tôi nhìn ông xúc động đọc từng dòng chữ ông viết suy nghĩ về nghề văn: “Tôi là con út, mồ côi cha mẹ sớm, 13 tuổi làm trinh sát, 15 tuổi cầm súng đối mặt với các thế lực thù địch sừng sỏ như tướng phỉ, tình báo đặc nhiệm. Tôi được rèn luyện, sống trong cái nôi tình nghĩa của đồng đội, đồng bào. Và 43 năm cầm bút viết kịch bản văn học điện ảnh một nghệ thuật tổng hợp, công nghệ kỹ thuật cao. Và mối quan hệ quần chúng, quốc tế cực kỳ rộng lớn... Tôi may mắn được đến viết kịch bản làm phim ở các chiến trường: Vùng giới tuyến Vĩnh Linh - Quảng Trị, chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 1972 - Hà Nội. Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Tôi luôn mơ ước có được thời gian viết tác phẩm văn học. Đã hơn 70 tuổi, trên bàn viết vẫn còn hàng chục kịch bản văn học đang đợi tôi…”.

(Còn tiếp)

PGS-TS LÊ THỊ BÍCH HỒNG

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›