Có thông tin cho biết QBV Việt Nam 2023, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức sẽ ký hợp đồng với một đội hạng Nhất để thi đấu ở mùa giải 2024/25. Trước đó, đã có các cầu thủ nổi tiếng khác như Đặng Văn Lâm, Nguyễn Công Phượng… xuất hiện ở sân chơi số 2 trong hệ thống thi đấu quốc gia.
Chúng ta không nói về nguyên nhân khiến một một tuyển thủ, hoặc cựu tuyển thủ, chấp nhận chơi ở một giải đấu cấp thấp, điều ít khi xảy ra ở các nền bóng đá mạnh (ngoài trường hợp CLB mà họ có ràng buộc phải xuống hạng).
Nhưng rõ ràng, đây không phải là một quyết định mang tính chuyên môn. Số trận đấu tại giải hạng Nhất chỉ bằng 2/3 so với V-League, tính cạnh tranh không nhiều, những ngôi sao nói trên chắc chắn là không cần phải tung hết sức vẫn vượt trội so với mặt bằng chung.
Rất có thể, bên cạnh những lợi ích về tài chính, thì lý do để những ngôi sao hàng đầu muốn giảm nhịp chơi bóng đó là vì họ đã cạn khao khát. Cái ham muốn phát triển nghề nghiệp bị thay thế bằng cảm giác tìm đến sự an toàn. Hoặc cũng có thể, họ mất phương hướng trong nổ lực tìm mục tiêu phấn đấu nên chấp nhận một "khoảng lặng" để thời gian trôi qua theo cách vô vị.
Cũng không phải tình cờ mà ở thời điểm hiện tại, những chuyện như thế này lại xuất hiện. Hay nói đúng hơn, chừng 3 - 4 năm trước, sẽ không thể xảy ra. Khi đó, người ta nói về những chuyến xuất ngoại khám phá các giới hạn bản thân và để gia tăng cơ hội lên đội tuyển dưới thời HLV Park Hang Seo.
Giờ thì sao? HLV trưởng đội tuyển quốc gia Kim Sang Sik và các trợ lý phải có thêm thời gian theo dõi giải hạng Nhất để đánh giá phong độ các tuyển thủ trong bối cảnh là rất khó để "chấm điểm" và so sánh với những người khác đang chơi ở môi trường khắc nghiệt hơn là V-League.
Không gọi thì không được, mà gọi lên đội tuyển thì cũng có lời ra, tiếng vào. Nghĩa là các tuyển thủ mà đã quyết định xuống chơi hạng Nhất có khi cũng chấp nhận mất suất lên đội tuyển.
Đó thực sự là một bối cảnh không vui cho bóng đá Việt Nam. "Khao khát đã cạn" là khái niệm đã được nhắc đến từ cuối triều đại của HLV Park Hang Seo, nói đến một trạng thái không mấy tích cực ở dàn trụ cột đội tuyển.
Họ chơi quá lâu, cũng đã chinh chiến nhiều và cảm thấy nỗ lực của mình dường như không đi đến đâu cả. Nhiều hay ít, tinh thần cống hiến của họ cũng không còn nguyên vẹn và những suất mặc định trên đội tuyển lại càng khiến cho cảm giác chán bóng trở nên nhiều hơn.
HLV Troussier dường như đã phát hiện ra điều này và ở giai đoạn đầu cầm quân, ông đã hạn chế sử dụng cựu binh như một cách vừa "thay máu" đội tuyển, vừa "đánh" vào tự ái nghề nghiệp của các cầu thủ. Rất tiếc, "cuộc cách mạng" cả về con người lần tinh thần ấy đã không thành. Người kế nhiệm Kim Sang Sik giờ đây phải làm gấp đôi nhiệm vụ: Cải thiện thành tích và tái tạo sức sống ở một đội tuyển khá cũ.
Phải chăng vì thế mà ông quyết định gọi một cầu thủ đã 33 tuổi như Nguyễn Văn Quyết? Tiền đạo đã lên hàng "lão tướng" này vẫn đang thăng hoa ở đấu trường khắc nghiệt như V-League và không ai có thể phủ nhận được nỗ lực và sự bền bỉ về đẳng cấp của Văn Quyết. Đó là bài học lớn của tính chuyên nghiệp và niềm vui chơi bóng, điều đang dần trở thành chướng ngại lớn đối với đội tuyển hiện nay.
Tags