Tháng 11 năm 2024, sau nhiều ấp ủ, cuộc triển lãm "Chân dung màu nước - sự soi chiếu qua những tấm gương" và cuốn sách cùng tên của họa sĩ Nguyễn Thu Hà đã được giới thiệu tới những người yêu hội họa. Và nó giống như một tuyên ngôn nghệ thuật mạnh mẽ của người họa sĩ trong hành trình định vị mình và định nghĩa lại giá trị của một thể loại, một chất liệu! Thế giới của màu nước là thế giới của sự lôi cuốn, bất ngờ. Đó là một chất liệu đã xuất hiện từ rất lâu - có thể nói là loại vật liệu vẽ cổ xưa nhất.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 1.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 2.

Không như các loại hình nghệ thuật hội họa khác, có thể vẽ nhiều lần, trong những khoảng thời gian khác nhau, người họa sĩ có thể dành nhiều thời gian cho một tác phẩm, và có thể chồng lớp, chỉnh sửa. Thì với màu nước, mọi chuyện lại đi ngược lại. Để tác phẩm được trong trẻo và thể hiện đúng đặc trưng của chất liệu, tạo ra được những hiệu ứng thú vị, bất ngờ, họa sĩ thường phải vẽ liên tục trong một khoảng thời gian nhất định không nghỉ, để lên hết được những mảng lớn, hòa sắc, hiệu ứng mong muốn, bởi trong màu nước, việc kiểm soát độ ẩm là rất quan trọng, kỹ thuật ướt trên ướt là một ví dụ, sẽ phải vẽ trước khi lớp màu khô đi để tạo độ loang, độ mọng của màu, nếu để khô đi rồi sẽ rất khó chỉnh sửa, thậm chí là hỏng. Vì vậy, phải thật sự yêu thích loại hình nghệ thuật này mới theo đuổi được và tranh màu nước có sự cuốn hút đặc biệt với những ai đã yêu và đam mê thể loại này.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà đã chọn chất liệu màu nước để thể hiện các tác phẩm của mình. Với chị: "Màu nước đang ngày càng phát triển, bền và đẹp hơn nhiều chất liệu khác đã được thử nghiệm tại khí hậu Việt Nam. Vẽ màu nước, tôi muốn thay đổi định kiến của người xem về chất liệu này!"

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 3.

Nếu ai đó đã từng được chứng kiến cách mà họa sĩ Nguyễn Thu Hà hoàn thiện một bức chân dung màu nước theo hình thức trực họa, hẳn sẽ vô cùng thích thú. Từ phác thảo, tới khi lên màu, tất cả diễn ra trong khoảng thời gian từ 1 – 2 tiếng đồng hồ. Chị tạo ra một từ trường nghệ thuật vô cùng khoáng đạt, tự nhiên và giàu cảm xúc. Thế nhưng, thành phẩm cuối cùng luôn mang đến những bất ngờ, bởi cách mà chị thể hiện nhân vật. Đó không đơn giản là sắc diện bên ngoài, mà nội tâm và khoảnh khắc chị bắt được thần thái là yếu tố tạo nên bất ngờ ấy.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà chia sẻ: Khi thấy tôi vẽ chân dung màu nước, nhiều người muốn có một bức chân dung và họ gửi ảnh cho tôi. Thế nhưng tôi không bao giờ chấp nhận điều đó. Điều khiến tôi thích nhất, đó là được ngồi trực họa. Chúng ta đều nhận thấy, cuộc sống ngày càng nhanh hơn, con người với con người giao tiếp với nhau qua điện thoại, qua mạng xã hội, và thậm chí ngay cả khi ngồi nói chuyện với nhau cũng nhìn vào điện thoại, chúng ta dường như đã đánh mất ý nghĩa của sự giao tiếp. Nếu ai đó muốn tôi vẽ, tôi thường chỉ yêu cầu là hãy gặp nhau và nếu được thì có thể ngồi trực họa tầm hai tiếng, có khi ít hơn như thế. Hãy ngồi đó, tĩnh lặng cùng tôi. Giống như việc mình khuấy một cốc nước rồi để nó lắng lại. Khi bạn đủ tĩnh, bạn sẽ bộc lộ ra những sắc thái rất đặc biệt trên khuôn mặt, đó là những tâm trạng, những câu chuyện, những nội tâm…

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 4.

Và khi đã bắt gặp được khoảnh khắc giao hòa giữa nhân vật và nghệ sĩ, họa sĩ Nguyễn Thu Hà cứ vậy bộc lộ, qua bút pháp, qua cảm nhận của mình. "Tôi cứ để cho cảm giác năng lượng đi theo nét bút của mình. Để rồi đến lúc hoàn thành bức tranh, tôi có khi rất ngạc nhiên nhận ra một lát cắt nội tâm nào đó của nhân vật được bộc lộ rất rõ ràng! Ngay với chính nhân vật của tôi, nhìn lại chính mình trong tranh họ khi thì òa lên, có khi là cả ngỡ ngàng". 

Nhưng một bức tranh chân dung thông thường mà họa sĩ Nguyễn Thu Hà tạo nên không chỉ nằm ở 1,2 tiếng trực họa, và bắt cho được khoảnh khắc lắng của nhân vật, chị có những nghiên cứu sâu hơn thế. 
Khi được hỏi: Chị mất bao nhiêu thời gian để vẽ một bức tranh màu nước? Câu trả lời vài tiếng đồng hồ chỉ là một định lượng mang tính tượng trưng. Những bức tranh chân dung mà họa sĩ Nguyễn Thu Hà đã công bố, quá trình hình thành ý tưởng, thực hiện phác thảo và hoàn thiện kéo dài nhiều ngày, trực họa với mẫu ngoài mang tính chất ngẫu hứng, nó còn là cách chị nghiên cứu về nhân vật cho những tác phẩm lớn trong xưởng vẽ. Chị vẽ họ ở nhiều góc, nhiều khoảng thời gian khác nhau, có những bức chị nghiên cứu trong một vài tháng, có những bức thậm chí thời gian ấy kéo dài hàng năm, thậm chí nhiều hơn thế. "Quá trình lên ý tưởng rồi thực hiện những phác thảo rất lâu, tôi phải dành nhiều thời gian chiêm nghiệm, tìm hiểu về nhân vật và những thứ bao quanh nhân vật ấy để lột tả trong tác phẩm của mình. Mỗi chi tiết trong một bức tranh đều có dụng ý, tư duy nghệ thuật của nó. Tuy nhiên nghệ thuật màu nước rất khác, đó là khi mình đã bắt tay vào vẽ, bắt tay vào lên màu mình phải vẽ một hơi, liền mạch. Bởi vì kiểm soát độ ẩm trong nước rất quan trọng, lúc nào mình nên vào màu này, lúc nào nên vào màu kia.  Phải luôn nhìn xem độ ẩm như thế nào, nếu mình để khô quá và chồng màu nhiều lần thì tranh rất dễ đục và không có được độ loang, độ mọng của...nước nữa."

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 5.

Với thể loại màu nước, có những đặc điểm khá thú vị, màu nước có khả năng tả rất "trúng" mà lại không mất nhiều thời gian "vờn tỉa" như một số chất liệu khác. Có những bức tranh với rất nhiều chi tiết mà thoạt nhìn, người xem sẽ nghĩ rằng phải vẽ rất lâu, ví dụ như những chi tiết phụ kiện trên trang phục dân tộc...nhưng thực ra, người họa sĩ sẽ phải nắm bắt được cấu trúc, hòa sắc trong đầu rồi, nắm được quy trình rồi, chỉ cần đặt bút thật "trúng" thật "đắt" là ra được chi tiết mà người họa sĩ muốn thể hiện. Họa sĩ Nguyễn Thu Hà chia sẻ: "Tôi luôn cố gắng làm sao để mình vẽ ít nhất nhưng lại ra được nhiều nhất. Với thể loại này, càng vờn nhiều thì lại càng mất đi độ trong, mất đi tinh thần và bút pháp đặc trưng."

Nghĩ sâu, vẽ nhanh, họa sĩ Nguyễn Thu Hà đã thực sự xem vẽ màu nước như một cách thiền. Nói như Bác sĩ Trần Văn Phúc - vị giám tuyển đặc biệt trong cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của Họa sĩ Nguyễn Thu Hà, cũng là người chắp bút cho cuốn sách của chị: "Để có một loạt các tác phẩm ấn tượng giới thiệu đến công chúng, mọi chuyện không đơn giản thế! Đó là cả một quá trình mà chúng tôi đi tìm tuyến nhật vật. Tôi khẳng định đây là tuyến nhân vật chứ không phải là nhân vật nữa. Chúng tôi tìm tuyến nhân vật và đây đã là một quá trình khó khăn rồi, sau đó thì bắt buộc là họa sĩ Nguyễn Thu Hà phải tìm hiểu về nhân vật đó. Họa sĩ Nguyễn Thu Hà trao đổi cùng với tôi để tìm hiểu nhân vật, từ những câu chuyện cuộc đời của nhân vật, đặc điểm, tính cách con người, từ ngoại hình cho đến xuyên suốt bên trong."

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 6.

Trong khi đó, chất liệu màu nước đòi hỏi họa sĩ Nguyễn Thu Hà kỹ năng phải thật sự điêu luyện để có thể hoàn thành tác phẩm trong một thời gian ngắn. Không chỉ chính họa sĩ Nguyễn Thu Hà từng nhiều lần chia sẻ, cả những chuyên gia trong giới cũng khẳng định, vẽ màu nước chính là một cách thiền. Hội họa màu nước là một cuộc thiền. Ngắm nhìn những bức chân dung màu nước của họa sĩ Nguyễn Thu Hà luôn toát lên một không khí của thiền. Đây là khi họa sĩ Nguyễn Thu Hà vẽ phải tập trung dồn toàn bộ tâm sức và tác phẩm. Quá trình chuẩn bị có thể rất dài, chuẩn bị mọi thứ cho đến khi bắt đầu cầm cọ để vẽ thì bức tranh đã phải xong ở trong đầu rồi, việc còn lại chỉ là đưa màu vào mà thôi.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc: "Đây chính là quá trình thiền. Là cách mà họa sĩ Sống chậm. Các nhân vật mà chúng tôi chọn cũng vậy, sẽ có xu hướng để kéo người ta trở về thiền. Cho nên ở một số bức tranh khi vẽ nhân vật đặt bàn tay úp xuống thì tôi và họa sĩ Nguyễn Thu Hà đã phải nghiên cứu rất kỹ 52 thế tay của Phật và những thế tay khác. Từ các thế tay cho chúng ta biết tâm thế của nhân vật. chính những chi tiết ấy cũng đã toát lên tính thiền. Từ không gian, màu sắc, nội dung tư tưởng luôn luôn mang tính thiền. Lúc đó không chỉ có họa sĩ mà cả tôi là một giám tuyển, những nhân vật cũng tham gia vào cuộc thiền này".

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 7.

Theo cách xây dựng tác phẩm như thế, nhiều bức chân dung được hoàn thiện với cảm thức sâu sắc của người nghệ sĩ dựa trên sự hiểu, sự cảm thông, và những kinh nghiệm cuộc đời của chính họa sĩ khi nhìn về câu chuyện của nhân vật. "Ngọc" và "Cát" là một ví dụ. Ngọc và Cát là hai bức tranh chân dung họa sĩ Nguyễn Thu Hà vẽ cùng một nhân vật. Cô gái ấy là Ngọc. Nhưng Ngọc, hay Cát không đơn giản là những gì mà người xem có thể nhìn thấy ở bề ngoài tác phẩm, đó còn là những chiều kích khác nhau bên trong một con người và cả sự chi phối từ những yếu tố bên ngoài. Khi họa sĩ và nhân vật tiếp xúc đủ sâu để có những tâm giao, chân dung nhân vật cũng được hình thành một cách tự nhiên như nhiên. Nếu ở Ngọc - bức chân dung mang một màu xanh ngọc dìu dịu từ ánh sáng, tới sắc xanh của hoa và phối cảnh nền, muốn kể về hành trình tìm ra thứ ánh sáng mang đến bình an từ tận sâu bên trong của Ngọc… thì Cát lại hàm ý một thế giới vật chất tưởng như phù phiếm bao trùm lên nhân vật. Cát là hạt cát bé nhỏ, Ngọc trai bắt đầu được hình thành từ đấy, Cát cũng là niềm vui, những món đồ trang sức vốn là vật ngoài thân nhưng lại có thể mang đến cho người ta những niềm vui tức thì, rất thực mà cũng mơ hồ. Vậy phù phiếm có còn là phù phiếm, khi một hạt cát được đặt đúng chỗ có thể tạo ra giá trị, khi một niềm vui khởi lên cũng đủ làm đẹp cho đời? Ấy là muôn dáng vẻ của một con người, ấy cũng là muôn mặt của cuộc đời.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 8.

Tác phẩm "Ngọc" và tác phẩm "Cát"

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà đã tiếp cận đủ sâu với nhân vật, để khi đặt bút vẽ, mọi thứ hiển hiện, người họa sĩ với kỹ thuật màu nước và cảm xúc chặt đầy cứ thế bung xõa. 

Nói thêm về khả năng nắm bắt tâm lý nhân vật của họa sĩ Nguyễn Thu Hà, bác sĩ Trần Văn Phúc chia sẻ: "Nếu như tôi, một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có khả năng nhìn xuyên thấu bên trong con người về mặt thể chất thì họa sĩ Nguyễn Thu Hà là người có thể nhìn sâu về tâm hồn. Trước mỗi một nhân vật, chúng tôi sẽ bàn luận cùng nhau rằng câu chuyện cần thể hiện ở đây là gì, nội dung triết học là cái gì, tư tưởng hay thông điệp gì mà chúng tôi muốn chuyển tải? Từ đó mới ra được tư thế người, ánh mắt, góc nhìn, thậm chí tư thế đặt bàn tay thế nào cho phù hợp. Có những bức vẽ, để quyết định được thế tay của nhân vật chúng tôi phải nghiên cứu cả trăm thế tay khác nhau, với những hàm ý khác nhau."

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 9.

Tác phẩm "Nữ sĩ cầm quạt bên hoa sen"

Với bác sĩ Phúc, mỗi tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thu Hà đều có thể phân tích một cách cặn kẽ, những câu chuyện, những tín hiệu nghệ thuật được bộc lộ.

"Tôi lấy ví dụ như là bức tranh cụ bà cầm quạt là chúng tôi muốn nói rằng, thay vì mô tả về cụ bà, thay vì nói rằng cụ bà mang phong thái của một người quý phái, của một con người rất tài hoa, cầm kỳ thi họa, rồi cụ rất nhã nhặn, cụ rất tài giỏi… Chúng tôi không tập trung vào điều đó mà chúng tôi tập trung vào cái quạt và từ cái quạt đó để thể hiện chiều sâu con người cụ bà. Và bên cạnh cái quạt đó, chúng tôi lại có thêm một yếu tố nữa, đó là hoa sen. Riêng thủ pháp chọn hoa sen thôi thì tôi và họa sĩ Nguyễn Thu Hà cũng bàn với nhau một thời gian rất lâu. Bàn đi bàn lại là sử dụng sen như thế nào, đặt thấp hay đặt trên cao, cắm kiểu gì, màu gì. Đấy là những cái mà chúng tôi cũng bàn luận đi bàn luận lại khi quyết định mà vẽ. Với những tác phẩm khác cũng vậy. Từ những bức tranh những đứa trẻ, từ những bức tranh cô gái dân tộc hay là những người có cuộc sống lam lũ một chút cho đến những người như tôi!"

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 10.

Với chiều sâu của tư duy và khả năng biểu đạt của kỹ thuật màu nước, họa sĩ Nguyễn Thu Hà đã tạo ra những ấn tượng khác thường qua từng tác phẩm của mình. Vừa quen, vừa lạ, vừa gần vừa sâu.

Trong tác phẩm "Khoảnh khắc yêu thích của bác sĩ" mà họa sĩ Nguyễn Thu Hà vẽ bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, cũng chính là người đồng hành với chị trong giới thiệu triển lãm cá nhân đầu tiên của mình với tư cách là Giám tuyển, họa sĩ Thu Hà và Bác sĩ Trần Văn Phúc đã mất 2 năm để hoàn thiện bức tranh ấy.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà đã quen biết bác sĩ, nhạc sĩ Trần Văn Phúc từ lâu và luôn coi anh là một người anh, cũng là một người thầy bởi xem trọng tài năng của vị bác sĩ đặc biệt này. Chị muốn vẽ bức chân dung như một món quá tri ân, chị muốn bộc lộ con người tài hoa trong một vị bác sĩ:  "Bác sĩ Phúc đã trao đổi với tôi về lời bình cho bức tranh trước cả khi tôi vẽ, điều ấy khiến tôi áp lực, nhưng đó cũng thực sự là những gì tôi muốn lột tả. Tôi đã đi đến những ngôi nhà cổ, những không gian giống như chính không gian mà bác sĩ Phúc làm việc - một biệt thự Pháp cổ trầm mặc để cảm nhận. Chiều cuối giờ làm, Bác sĩ ngồi xuống sàn nhà, không ghế, không địa vị, không công việc, áo blouse và tai nghe thì đã treo lên cánh cửa, chỉ còn một con người nghệ sĩ với chiếc sơ mi đầy màu sắc. Mọi thứ được sắp xếp như vậy, nhưng đến khi vẽ xong tôi vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn. Tôi ngồi thừ ra nhìn bức tranh. Khi đó trên tay tôi là một cốc nước, tôi vô tình đánh đổ nước vào bức tranh...

Sự cố vô tình ấy khiến cho khiến những vệt màu loang tạo ra một hiệu ứng mà tôi không ngờ tới. Tôi bèn lấy màu và để những màu sắc cứ thế tràn vào tranh, không gian của bức tranh như có những đám mây ngũ sắc, cùng với những vệt nắng cuối chiều ùa vào qua khung cửa cũ kỹ… và cũng chẳng biết nó bay từ ngoài vào hay bay từ trong ra nữa… và chúng tôi có bức tranh bí ẩn và thú vị nhất".

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 11.

Tác phẩm "Khoảnh khắc yêu thích của bác sĩ"

Trong phần bình luận về bức tranh có đoạn: Đây là tác phẩm sâu sắc và khó hiểu nhất trong toàn bộ triển lãm, thoát ly khỏi chân dung thuần tuý và giàu sức tưởng tượng nhất. Một tác phẩm ẩn dụ! Sau giờ làm việc, bác sĩ trong bộ quần áo bụi bặm thường ngày, ngồi bệt xuống đất, khuôn mặt biểu hiện sự mệt mỏi nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh nắng chiều như chao đảo ập vào căn phòng nhỏ. Trong bức chân dung này, sẽ chẳng tìm thấy bác sĩ đâu cả, không thấy những hình ảnh quen thuộc như bác sĩ trong bộ áo choàng trắng và đeo ống nghe, không thấy bệnh nhân và giường bệnh. Hình ảnh duy nhất về bác sĩ là chiếc áo blouse mệt mỏi treo vội trên khung cửa. Có sự xuất hiện của chiếc đồng hồ đeo tay. Những con số chỉ giờ, chỉ phút và chỉ giây liên tục đập, không ngừng đập và không ngừng thay đổi, nhưng cũng lặp đi lặp lại rất nhàm chán. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn có thể phản ánh một ý nghĩa nào đó. Ví dụ: "5:00:00" là thời điểm yêu thích của bác sĩ. Không có gì đặc biệt cả, bác sĩ chỉ thích nó thôi, có thể đấy là thời điểm bác sĩ được trút bỏ sứ mệnh công việc, đặt sang một bên sự nghiệp và trách nhiệm, để trở về với cuộc sống thực của chính mình, với tình yêu, niềm đam mê, sở thích. Khung cửa sổ phòng làm việc có số lần mở hiếm hoi này là một sự kết nối giữa mơ và thực, là khoảng sáng tự nhiên hiếm hoi trong căn phòng xây từ thời Pháp thuộc. Với tư cách là khán giả, để hiểu bức tranh, thì khán giả phải đặt mình vào tâm thế của bác sĩ ở trong căn phòng đó, đặt mình vào địa vị hoạ sĩ, để trải nghiệm cảm giác của bác sĩ và hoạ sĩ đã trải qua, từ đó thấy được ý nghĩa đằng sau những con số trên chiếc đồng hồ...

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 12.

Bác sĩ Trần Văn Phúc khi chia sẻ thêm về bức chân dung của chính mình hài hước nói: "Nhìn bức tranh này, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao không phải là hình ảnh tôi mặc áo blouse, đeo ống nghe và bên cạnh là một cô y tá xinh đẹp. Bên cạnh nữa có một bệnh nhân đang hấp hối? Chúng tôi không làm như thế mà chúng tôi tập trung nhấn mạnh đồng hồ đeo tay của tôi và tôi nói với họa sĩ Nguyễn Thu Hà rằng cái đồng hồ mới là điểm nhấn và ánh sáng đi từ bên ngoài vào nó mới là vấn đề mà chúng tôi cần phải chuyển tải qua bức tranh này. Quan trọng hơn nữa, một trong những đỉnh cao của vẽ chân dung đó chính là vẽ trong tâm tưởng chứ không còn ngồi nhìn mẫu nữa... và với bức tranh này, Thu Hà đã hoàn toàn vẽ trong tâm tưởng.

Nhân vật trong tranh, là tôi và chính không gian quanh tôi mọi thứ trở nên đầy ẩn dụ!"

Và đó cũng chính là điều mà họa sĩ Nguyễn Thu Hà tiếp tục hướng tới. Trong hành trình vẽ chân dùng của mình, càng nhiều chiêm nghiệm, chị càng thêm hứng thú với những gì thuộc về giá trị cốt lõi của con người.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 13.

"Chân dung là một thể loại mà tôi thích từ nhỏ lớn lên một chút, thời thanh thiếu niên, tôi cũng vẽ rất nhiều nhân vật nổi tiếng và càng lớn càng đi nhiều, làm nhiều những công việc khác nhau, chiêm nghiệm nhiều hơn, những nhân vật và con người là điều mà tôi rất thích. Tôi để ý tất cả những tâm lý hay là nét mặt, hay đặc điểm của họ. Và chân dung vẫn là một thể loại mà tôi luôn luôn thích, thậm chí chỉ cần nhìn thấy một người nào đó, nhìn thấy những đặc điểm trên khuôn mặt của họ tôi cũng muốn tìm hiểu xem họ như thế nào và muốn vẽ họ."

Dựa trên những kiến thức sâu sắc về hội hoạ cổ điển, Nguyễn Thu Hà đã biến những kĩ thuật vẽ chân dung thành chủ nghĩa tối giản trang nhã, bộc lộ vẻ đẹp và trật tự trong cách thể hiện mang tính cá nhân và đương đại, thúc đẩy sức mạnh cảm xúc mới thông qua những nét hình và mảng màu trong vắt, sự sáng tạo và niềm tin sáng tạo mới.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 14.

Mỗi con người trong cuộc đời có những câu chuyện riêng, có những câu chuyện của thành công, có những câu chuyện của thất bại, có những câu chuyện của niềm vui, có những câu chuyện của nỗi buồn…. muôn ngàn khuôn mặt, muôn ngàn câu chuyện tạo nên cuộc sống này.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà có một điểm rất đặc biệt, đó là khả năng đọc về nhân chủng học, hướng về nội tâm của con người và biết được những góc khuất của một người ẩn chứa phía sau. Điều đó trở thành thế mạnh của chị khi đến với thể loại chân dung. Những câu chuyện cuộc đời hiển hiện qua từng gương mặt, nếu như dưới bàn tay của một người nghệ sĩ có sự hiểu biết nhất định thì hoàn toàn có thể biến những câu chuyện đó trở thành những vấn đề mang tính giáo dục. Bác sĩ Trần Văn Phúc, đã khuyến khích họa sĩ Nguyễn Thu Hà nên đi vào mảng chân dung: "Chân dung là mảng lớn nhất trong hội họa và phải nói cực kỳ khó. Họa sĩ Nguyễn Thu Hà cũng tham gia nhiều lĩnh vực nghệ thuật, hội họa khác nhau. Nhưng mà để đi tới lĩnh vực chân dung thì đây là cả một quá trình của sự chuẩn bị, cả về tâm lý, chuẩn bị cả về con đường đi chuẩn bị cả về tâm thế cũng như những đường đi nước bước."

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 15.

Một số tác phẩm được triển lãm

Cuộc gặp gỡ giữa một bác sĩ và một họa sĩ trong điểm giao mang tên: Con người đã mang đến một câu chuyện nghệ thuật đầy thăng hoa.  Họa sĩ Nguyễn Thu Hà đã dần định vị được chính mình trong nghệ thuật, để chỉ cần nhìn một tác phẩm, nhìn cách thể hiện và bút pháp, người xem có thể nhận ra ngay đó là tranh của Thu Hà chứ không ai khác. 

Mỗi họa sĩ có một cách riêng để định vị mình trong dòng chảy nghệ thuật. Say mê hội họa từ nhỏ, theo học Đại học Mĩ thuật Công nghiệp Hà Nội và tốt nghiệp năm 2002, sau đó Nguyễn Thu Hà không lập tức bước vào hành trình định vị con người họa sĩ, cô chọn sống trải nghiệm và theo đuổi nhiều nhiều hoạt động nghệ thuật khác nhau. Thay vì chỉ tập trung với cọ màu, cô đã có những trải nghiệm cùng thời trang, gốm, đồ họa và phim ảnh… Để rồi, khi những trải nghiệm đủ sâu, đến năm 2021, cô đã có một cuộc trở về thực sự với hội họa giá vẽ! Nguyễn Thu Hà chọn Chân dung màu nước.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 16.

Trong lịch sử hội họa, tranh chân dung là một chủ đề độc lập, có sức hấp dẫn lớn. Chân dung luôn phản ánh trực quan nhất về tư tưởng, triết học, quan niệm tôn giáo, niềm tin đạo đức, văn hóa và nghệ thuật, cùng với ý thức xã hội khác ở vào thời điểm đó, tranh chân dung luôn có giá trị nhận thức và ý nghĩa giáo dục to lớn. Trước đây, chân dung là nghệ thuật cao quý nhất trong hội hoạ, đầu của những người nổi tiếng được khắc trên đồng tiền cổ như một huy hiệu, người bình thường không đủ tư cách xuất hiện trong các bức chân dung. Nhưng khi nhiếp ảnh ra đời thì mọi sự đã khác. Ở thời đại mà việc chụp ảnh dễ như uống nước, tại sao mọi người phải mất hàng tháng trời, thậm chí hàng năm hoặc lâu hơn để chờ đợi một bức tranh chân dung? Một bức chân dung được tạo ra có gì đặc biệt? Thế nên, việc một hoạ sĩ thời nay quyết định quay về vẽ chân dung, đó là một quyết định cực kì khó khăn, vẽ chân dung  màu nước lại càng khó khăn hơn nữa. Nguyễn Thu Hà lại chọn Chân dung như cuộc trở về với chính mình.

Ngắm nhìn những bức chân dung của họa sĩ Nguyễn Thu Hà, ta thấy muôn mặt cuộc sống và những xúc cảm nguyên sơ. Đâu đó, hình ảnh những em bé trên bản H'mông, hàng ngày cha mẹ đi rẫy, các em nhỏ nếu không phải (không được) đi học sẽ tự chạy chơi quanh xóm, giúp mẹ chăm gà, chăm chó. Hai em bé này cũng vậy, giữa bãi đất trống các bạn chạy chơi, bé gái ngồi bế cậu em ngủ ấm áp trong lòng.

Bé gái dõi ánh mắt hơi đượm buồn nhìn các bạn chạy nhảy chơi đùa, tuy nhiên trách nhiệm và lời hứa với mẹ khiến em không thể lơ là, hộp sữa đã uống hết móp đi trong lòng bàn tay nhỏ bé của em, thức uống được phát trong các đợt thiện nguyện lên vùng cao, phần nào giúp cậu em một giấc ngủ say sưa giữa tiết thu vùng cao se lạnh, bé còn phải trông em...

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 17.

1. "Đại sứ thương hiệu" | 2. "Em Cà Phê" | 3. "Trông em"

Cũng là hai đứa trẻ, nhưng trong một bối cảnh khác, và một câu chuyện khác lại mang đến cho người xem những chiều suy tư khác.

Bức chân dung "Cô đơn" được họa sĩ Nguyễn Thu Hà vẽ đúng vào ngày Tết cổ truyền Oshougatsu, ngày tượng trưng cho "đoàn tụ gia đình" của người Nhật, nhưng hai đứa trẻ sinh đôi với hai con chim nhỏ trong bức tranh không nói về phong tục, ẩm thực hay văn hoá, mà nói về "sự cô đơn".

Hai bé theo bố mẹ sang Việt Nam từ lúc 7 tuổi. Đây là lần thứ tư hai bé đón tết nước ngoài, Việt Nam lại không có phong tục ăn tết dương lịch nên không khí tết chẳng có gì đặc biệt. Đúng chiều mùng 1 Tết, một thảm họa động đất lớn đã xảy ra ở Nhật Bản, xem lại những cảnh về quê hương trên truyền hình, đây là lần đầu tiên hai bé cùng với bố mẹ đã khóc vào thời điểm đón Xuân. Tết thì ai cũng nhớ nhà, người đang sống ở nước ngoài sẽ nhớ nhà hơn rất nhiều, nhưng nỗi nhớ nhà trong một thảm họa thì sự khác biệt là rất lớn. Sự khác biệt ở đây là nỗi cô đơn. Hai bé đã không thích nghi được với mọi thứ khi mới ra nước ngoài. Đầu tiên là không biết chọn học trường nào, các trường tiểu học ở Việt Nam không dành cho người nước ngoài, trường dành cho trẻ em Nhật Bản thì quá xa, hàng chục cây số mà giao thông công cộng ở thủ đô Hà Nội thì không thuận tiện. Hai bé gọi điện thoại từ Việt Nam về Nhật Bản hàng tuần, chúng nhớ bạn và kể với bạn về tất cả những cảm xúc không quen thuộc ở Việt Nam. Hai bé đã tự hỏi nhiều lần: Tại sao phải ra nước ngoài?

Chúng đã rất háo hức để được khám phá một thành phố mới, có bạn mới để tâm tình, được lang thang ở phố nhộn nhịp hay làng quê yên tĩnh. Việc được ra nước ngoài là một niềm vui thích kì lạ. Nhưng khi thực sự trải nghiệm, hai bé mới phát hiện ra rằng đó là một hành trình dài và cô đơn, niềm vui ban đầu nhanh chóng bị nhấn chìm trong nhiều điều nhỏ nhặt.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 18.

Tác phẩm "Cô đơn"

Khi vẽ chân dung trẻ em, bất kì họa sĩ nào cũng sẽ thấy mình chưa hề trưởng thành, bản thân vẫn còn là một đứa trẻ. Thiên tài Baudelaire từng nói: "Không gì khác hơn là cố tình lấy lại tuổi thơ". Picasso cũng nói: "Tôi mất 4 năm để học cách vẽ như Raphael, nhưng tôi phải mất cả đời để học cách vẽ như một đứa trẻ". Với họa sĩ Nguyễn Thu Hà, trẻ em là biểu tượng của sự hồn nhiên, trong mát, đồng thời cũng là hình ảnh phản chiếu kí ức tuổi thơ của chính nữ họa sĩ, do đó, bút pháp miêu tả trong các bức vẽ chân dung về trẻ em thường mang cảm xúc dịu dàng và trìu mến.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 19.

Tác phẩm "Giáng sinh hồng"

Bức chân dung "Nhà em không nuôi chó" kể câu chuyện của một bé gái 5 tuổi, em có một thế giới tím của riêng mình, với nhân vật họat hình Kuromi đang rất nổi mang hai màu đen và tím. Tay em cầm sáp màu tông hồng và tím, chậu hoa tím mẹ em mới mua về treo ở ban công cho em. Tuổi thơ, thế giới của em là góc ban công này, nơi em ngồi nghe mẹ đọc sách, nơi em trò chuyện với hai chú vịt bằng gốm, mỗi đồ vật quanh em, đều là tình yêu của mẹ. Ở bức tranh này, Nguyễn Thu Hà đặt em bé vào một môi trường vừa quen vừa lạ, tạo nên bầu không khí giữa thực và mộng, khơi dậy sự tò mò và suy nghĩ của người xem về ý nghĩa đằng sau những bức tranh.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 20.

Tác phẩm “Nhà em không nuôi chó”

Bên cạnh chân dung những đứa trẻ, là những người phụ nữ quanh họa sĩ, đó có thể là chân dung của những nữ nghệ sĩ tài năng của Sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ như Nghệ sĩ Ngọc Huyền, nghệ sĩ Cao Ngọc Ánh. Nếu như chân dung Nghệ sĩ Ngọc Huyền mang đến một vẻ đẹp thiện lành, phúc hậu nhưng vẫn toát lên thần thái kiêu sang, thì Nghệ sĩ Cao Ngọc Ánh trong tranh chân dung của Nguyễn Thu Hà lại toát lên một vẻ tĩnh lặng của màu xanh, đó là phần lắng trong lành của một người phụ nữ năng động, nhiệt huyết với những công việc và trách nhiệm không hề nhỏ trong xã hội. Vẫn là những con người ấy, qua sự "soi chiếu" của người họa sĩ, có những góc cạnh khác, những cảm xúc khác được khởi lên gợi sự tò mò cho người xem. Đó cũng có thể là những người bà, người mẹ, người em gái mang những vẻ đẹp khác nhau, những ẩn giấu khác nhau, được thể hiện qua muôn hình vạn vẻ, chẳng những từ gương mặt, đó còn là những hiện diện của cảnh trí xung quanh mỗi nhân vật mà họa sĩ Thu Hà khắc họa.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 21.

1. "Người phụ nữ có bàn tay úp" | 2. "Màu xanh im lặng" | 3. "Khoảnh khắc Mùa đông"

Hoa huệ có nhiều sắc thái, thơm và thanh lịch, có vẻ ngoài thanh nhã, thuần khiết, được người xưa coi là "nàng tiên trên mây". Được hình thành bởi "nhân bách hợp", nên người xưa coi hoa huệ là điềm lành của trăm năm đoàn viên tốt đẹp, trăm năm hòa hợp, gia đình êm ấm, tình yêu thương, mang ý nghĩa cầu phúc sâu sắc. Nếu chỉ vẽ hoa huệ, họa sĩ cần phải đặc tả những bông hoa tinh tế và mượt mà, chắc chắn và ổn định, tráng lệ nhưng đầy khí chất. Bức tranh "Tâm giao tình cờ", chân dung một cô gái với hoà sắc như hiện thân của bông huệ trắng, cô gái đẹp mong manh với hai từ xăm trên ngực, một từ là "pure heart – chân tâm", còn từ kia là "dirty mind – não tối", càng nhấn mạnh thêm ý nghĩa thanh cao của loài hoa này. như một lời nhắc nhở, cho dù cuộc đời rất phức tạp, hỗn loạn, lòng tâm trong sáng sẽ là sức mạnh để chúng ta vượt qua tất cả.

Hoạ sĩ Nguyễn Thu Hà đã kể nhiều những câu chuyện, qua đó nói về nhiều chủ đề khác, như gia đình, tình yêu, hạnh phúc, thậm chí là sự cô đơn... cho đến các vấn đề của đời sống xã hội ở những bối cảnh và điều kiện khác nhau.

Khi cuộc sống vẫn tiếp diễn, cùng sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội, từ nhiếp ảnh cho đến điện ảnh thông qua những phần mềm xử lí ảnh cực kì hiện đại, dưới sự tác động như vũ bão của thời đại kĩ thuật số và trí tuệ nhân tạo AI, thì việc mỗi chúng ta "trở về cội nguồn" là vẽ những bức chân dung màu nước, sẽ trở nên vô cùng ý nghĩa.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 22.

Tác phẩm "Tâm giao tình cờ 2" và tác phẩm "Sự tao nhã của thời gian"

Nghệ thuật vẽ chân dung màu nước là sự trở về cội nguồn! Đây không chỉ là vấn đề phương pháp sáng tạo nghệ thuật, mà còn là thái độ văn hoá, là tâm lí văn hoá, là tự tin văn hoá về phương hướng tinh thần sáng tạo nghệ thuật. Với những tác phẩm của mình, Hoạ sĩ Nguyễn Thu Hà đã truyền cảm hứng cho chúng ta: Những phong cách nghệ thuật từ truyền thống cho tới đương đại luôn có những giá trị riêng, nhưng truyền thống bao giờ cũng mang những giá trị gốc rễ trường tồn, truyền thống luôn có khả năng đương đầu thần kỳ với thế giới đương đại, nó khẳng định trong quá trình xây dựng nền hội hoạ đương đại không thể thiếu vắng những giá trị truyền thống mang tính di sản. Những bức tranh chân dung màu nước trở thành những bản giao hưởng, ngân vang niềm yêu, và sự tin vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống này!

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 23.

Không gian triển lãm "Chân dung màu nước - Sự soi chiếu qua những tấm gương"

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 24.

Một số tác phẩm chân dung màu nước của họa sĩ Nguyễn Thu Hà

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà và Bản giao hưởng của những vệt loang - Ảnh 25.