(Thethaovanhoa.vn) – Rất nhiều cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức hằng năm, tốn kém kinh phí, thời gian nhưng không chất lượng. Vậy nhưng, sau khi giành được danh hiệu trên, những người đẹp này đã làm được gì?
- Bất ngờ trước học vấn 'khủng' của dàn người đẹp Hoa hậu Đại dương 2017
- Á hậu Huyền My rạng rỡ bên dàn người đẹp Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2017
- Người đẹp Hoa hậu Hoàn vũ trình diễn BST của Vincent Đoàn
- Người đẹp Hoa hậu các dân tộc quảng bá di tích Mỹ Sơn
Đây là một trong những vấn đề được nêu ra tại ra tại Hội thảo chuyên đề "Phát huy mặt tích cực của hoạt động thi người đẹp, người mẫu góp phần quảng bá nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay” do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTT&DL) tổ chức ngày 20/10, tại Đà Nẵng.
Hiện nay, các cuộc thi người đẹp, người mẫu, hoa khôi đã trở nên quá quen thuộc đối với công chúng Việt Nam. Chính sự nở rộ tràn lan của các cuộc thi khiến khán giả phải "chóng mặt" khi nhìn cảnh người đẹp "nhảy" hết từ cuộc thi này sang cuộc thi khác. Ngoài ra, nhiều thí sinh lợi dụng dao kéo, phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM), một số thí sinh đi thi "chui"... khiến cho giá trị của những danh xưng từ các cuộc thi chính danh bị giảm đi...
Có nên bỏ điều khoản cấm phẫu thuật thẩm mỹ?
Bà Võ Thị Xuân Trang, Hiệu trưởng Jonh Robert Power, một ngôi trường chuyên đào tạo các người đẹp đi thi hoa hậu - nêu quan điểm: "Việc PTTM hiện nay đã rất phổ biến ở các cuộc thi sắc đẹp nhưng với cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam thì tiêu chí vẻ đẹp tự nhiên luôn được đặt lên hàng đầu và PTTM thì không được dự thi. Tuy nhiên, khi các người đẹp Việt Nam đi thi ở đấu trường quốc tế thì vẻ đẹp tự nhiên lại rất thiệt thòi".
Bà Trang cũng cho biết, bà đã từng chứng kiến cô hoa hậu dù PTTM nhưng vẫn được lọt vào top 5 nên bà này cho rằng, quy định nên cho phép thí sinh PTTM nhưng ở một mức độ nào đó.
Ông Võ Việt Chung, GĐ Công ty TNHH MTV Võ Việt Chung – Đơn vị nắm bản quyền tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại dương tại Việt Nam đồng quan điểm trên, đồng thời cho rằng: việc PTTM đã rất phổ biến, nên chăng có thể nới rộng quy định cho phép PTTM để các người đẹp không thiệt thòi khi ra các đấu trường quốc tế, lại quảng bá được hình ảnh của Việt Nam?"
Trong khi đó, quan điểm của ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nếu cho phép tất cả các thí sinh đều PTTM thì vô hình sẽ tạo ra một cuộc đua PTTM để đi thi từ đó sẽ tạo ra hiệu ứng trái chiều, đồng thời làm mất đi ý nghĩa tuyển chọn, tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của phụ nữ Việt Nam.
Hoa hậu đã làm được gì cho nhân dân, đất nước?
Theo bà Võ Thị Xuân Trang, hiện nay gần như các thí sinh đi thi với tư cách cá nhân. Đơn cử như cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ có đến khoảng 70% là các thí sinh tự túc đi thi và 30% là thắng cuộc ở các cuộc thi cấp thấp được giới thiệu lên. Do đó, bà Trang cho rằng, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp trong quá trình tìm kiếm thí sinh cho các cuộc thi hơn là để tình trạng các thí sinh đơn phương đi thi, dẫn đến chất lượng kém, không được bồi dưỡng và định hướng phát triển, khi có sự cố nào đó họ cũng không được tổ chức nào đứng ra bảo vệ.
Vẫn theo bà Trang, hiện nay nhiều thí sinh chỉ biết tập trung vào vẻ đẹp bên ngoài chứ chưa chăm lo cho việc cập nhật kiến thức về văn hóa, ẩm thực, danh lam thắng cảnh của đất nước nên không làm tốt việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra với bạn bè quốc tế.
“Tôi đào tạo rất nhiều người đẹp đi thi hoa hậu, nhưng có lúc phải nghe những câu hỏi: Hoa hậu làm được gì mà tổ chức các cuộc thi hoa hậu nhiều như vậy? Thật sự bản thân tôi cũng không biết nhiều người đã làm được gì. Chúng ta nên đặt ra câu hỏi, các cô ấy sau khi là hoa hậu đã làm được gì cho nhân dân, đất nước? Từ đó nên có quy định những việc làm, hành động cụ thể cho họ trong quá trình đương nhiệm, để họ làm tròn trách nhiệm của mình” – Bà Trang nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Nhật, Phó Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn - đơn vị nắm bản quyền tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam có đề nghị phía Bộ VHTT&DL nên quy định lại rõ ràng về việc người đẹp đi thi các cuộc thi sắc đẹp tầm quốc tế và danh hiệu của các cuộc thi này khi về nước nằm ở cấp độ nào. Thay vì nhiều thí sinh đi thi "chui", Bộ có nên cấp phép cho họ đi thi và quản lý sau khi đi thi để tránh tình trạng trên? Có nên giảm độ tuổi đi thi cho thí sinh?
Đặc biệt, đối với các đơn vị tổ chức, nên quy định về mức tài khoản tiền mặt hiện có cũng như kinh nghiệm. Như vậy sẽ tránh được tình trạng nhiều cuộc thi quy mô nhỏ được tổ chức tràn lan và đặc biệt tránh được tình trạng "mua bán" giải.
Thông qua Hội thảo, Bộ VHTT&DL cũng đang lấy ý kiến bổ sung cho Nghị định mới trong lĩnh vực tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu nhằm tận dụng tốt các cuộc thi để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Hoàng Yến
Tags