(Thethaovanhoa.vn) - Lập 6 kỷ lục thế giới trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục: 45 phút. Đó là vận động viên Mỹ Jesse Owens. Một năm sau (năm 1936), anh tham dự Olympics ở Berlin và làm Hitler mất mặt - nhưng chính ở quê nhà ông vẫn là nạn nhân.
Với gương mặt méo xệch vì đau đớn...
… Jesse Owens đứng bên đường chạy ở Ann Arbor (Michigan), cạnh anh là huấn luyện viên Larry Snyder không ngừng lắc đầu như không thể tin nổi những lời vừa nghe thấy. “Chẳng đáng phải liều, Jesse”, ông cố can học trò của mình. Nhưng ông biết cũng vô ích, Owens không phải là trẻ con với tuổi 21, mặt khác thì đó cũng là tuổi có thể nháy mắt biến một vận động viên lực lưỡng thành con bệnh vĩnh viễn.
Đó là lúc Owens cột lại giày để chạy khởi động. Snyder cố vớt vát lần nữa: “Nếu cậu thấy khó thì thôi.”
Nhiều tháng vừa qua, hai thầy trò không có mục đích nào khác là đổ mồ hôi cho ngày trọng đại hôm đó, ngày 23-5-1935, cuộc thi điền kinh lớn nhất giữa các trường đại học Mỹ thuộc khu vực Midwest ở Ann Arbor.
Owens là chủ bài trong đội mình, ít nhất là trước khi anh đùa nghịch với mấy bạn cùng lớp và ngã lộn cầu thang. Xương thì lành lặn, nhưng những cơn đau lưng không chịu thuyên giảm. Anh rơi nước mắt khi khẩn khoản xin huấn luyện viên tham dự ít nhân một môn – chạy 100 yard (91,44m) – “nếu không ổn thì tôi nghỉ ngay”.
Hitler tổ chức Olympics mùa Hè để tôn vinh da trắng, không tính đến Owens 4 lần lên bục nhận huy chương bên cạnh một người da vàng là Tajima Naoto (Nhật).
45 phút sau Owens rời sân vận động với 6 kỷ lục thế giới trong tay. 3 kỷ lục nhảy xa, 1 kỷ lục 220 yard và 1 trong 220 yard vượt chướng ngại vật.
Ngoài ra, anh mặc nhiên nắm kỷ lục 200m và 200m vượt rào vì 2 đoạn đường chạy đó ngắn hơn đoạn đo bằng yard. Còn đoạn 100 yard thì Owens chinh phục trong cùng thời gian như đương kim vô địch thế giới Frank Wykoff.
Trước Owens chưa từng có ai lập được thành tích lịch sử như vậy, nhưng báo chí Mỹ vô cùng dè dặt với thông tin. Năm 1935 vẫn nằm trong thời kỳ mà một người Mỹ da màu không có quyền được đứng trong hào quang, ngay cả ở các tiểu bang miền Bắc vốn được tiếng là cởi mở hơn.
Tên tuổi Jessi Owens chỉ nổi như cồn vào một năm sau, khi anh sang Đức và làm Hitler bẽ mặt với 4 huy chương liền.
Một giáo viên có con mắt xanh...
… là Charles Riley, dạy thể thao tại trường Fairmont Junior Highschool (Cleveland) là bắt nguồn câu chuyện cổ tích khó tin đó. Ngay tiết đầu, sau khi nhìn cặp giò mảnh khảnh của Owens, ông kéo cậu bé 13 tuổi ra một góc và nói: “Nếu cậu thích môn điền kinh thì theo tôi”.
Là con út trong một gia đình 10 anh em, sau giờ học, Owens phải đi làm thêm. Bố mẹ cậu là nông dân thuần tuý ở Alabama, nhưng quyết tâm rời xứ sở thủ cựu đến Ohio để mong con cái mở mày mở mặt. Họ chọn Cleveland là thành phố công nghiệp đang lên, dù biết rằng người da màu cũng chỉ là công dân hạng hai.
Xứ Cờ hoa khi đó đang lún sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và cơ may kiếm việc khá khó, trẻ em phải lao động cũng là chuyện thường.
Riley không nản, ông đến tận nhà vật nài cha mẹ Owens cho con mỗi ngày đi học sớm 1 tiếng để tập thể thao. Cả nhà Owens đồng ý, không vì mơ con mình tiến thân theo đường cơ bắp, mà sửng sốt khi một người da trắng bỏ thời gian chăm sóc con mình.
Thầy Riley dạy Owens các kiến thức cơ bản của môn chạy: thẳng lưng, co gối, không nghĩ gì khác ngoài nhìn về đích.
Ở tuổi 15, Owens đạt được mục đích như các vận động viên lớn: 100m trong 11 giây, nhưng gia đình cậu không từ bỏ ước mơ cho con lên đại học. Và sinh viên Jessi Owens vào khoa luật ở Ohio State University sau sinh nhật 18.
Kỷ lục gia Owens được tưng bừng chào đón ở đại lộ Broadway, nhưng sau đó đến dự tiệc ở khách sạn Waldorf Astoria, ông phải qua cửa nhập thực phẩm cho nhà bếp.
Vận may đến với Owens...
… vì trường đại học Ohio State University có tiếng là cho ra lò nhiều vận động viên đình đám. Được huấn luyện viên mới là Larry Snyder cử làm đội trưởng da màu đầu tiên của câu lạc bộ thể thao, chẳng mấy chốc cả trường biết “the Buckeye Bullet” (viên đạn súng lục) của Ohio.
Sau cuộc thi ở Ann Arbor, Owens nghiễm nhiên vào danh sách tham dự Thế vận hội, nhưng Mỹ đang dự tính tẩy chay Olympics Berlin sau khi chế độ Đức quốc xã có những biểu hiện kỳ thị Do Thái đầu tiên.
Đội Mỹ tham gia 1936 té ra nhờ Avery Brundage, một viên chức cao cấp trong Uỷ ban Thế vận hội Mỹ, vốn rất cảm tình với Hitler. Dư luận trong giới vận động viên thì đa số không thích tẩy chay, một phần vì họ đã tốn công luyện tập, nhưng chủ yếu các vận động viên da màu coi thái độ tẩy chay là đạo đức giả, vì Mỹ kỳ thị chủng tộc tệ hơn cả Hitler chống Do Thái, ít nhất là ở thời điểm đó.
Thoạt tiên, Owens ở phe chống Berlin, nhưng huấn luyện viên Snyder đưa ra luận cứ áp đảo: một huy chương cho người da màu sẽ là đòn giáng vào hệ tư tưởng “siêu nhiên tóc vàng mắt xanh” của Đức.
Phần còn lại của câu chuyện có hậu ấy khá đơn giản, Owens chiến thắng ở 4 môn liền: 100 m, 200 m, nhảy xa và 4x100m chạy tiếp sức. Môn cuối cùng thực ra không có mặt anh, nhưng viên chức Brundage tin vào linh cảm và cử Owens cùng đồng đội Metcalfe da đen lên đường chạy, thay cho hai vận động viên gốc Do Thái. Cho đến nay chưa ai dập được tin đồn là Đức gây áp lực với Brundage, vì thà để người da đen chiến thắng còn hơn người Do Thái!?
Hitler tiếp các vận động viên có huy chương...
… nhưng không hề nói một câu với Owens, nhưng Berlin đối với anh vẫn là một trải nghiệm tích cực. Khác với ở nhà, nơi sinh viên da đen không được vào ký túc xá trong khuôn viên, ở đây anh ở cùng các đồng đội da trắng, và ra phố là anh được người ta xúm lại xin chữ ký.
Trước khi về quê, Uỷ ban Thế vận hội Mỹ tổ chức một cuộc tiếp thị tưng bừng ở châu Âu, song trước khi đến Thụy Điển, Owens cáo mệt và cùng Snyder bỏ đoàn lên đường về Mỹ bằng tàu thuỷ.
Hành vi phá hợp đồng đó đã chấm dứt cuộc đời thể thao đầy hứa hẹn của Owens. Các huy chương vàng trở nên vô giá trị, ngay cả tổng thống Franklin D. Roosevelt cũng không tiếp các vận động viên da đen ở Nhà Trắng.
Owens kiếm ăn bằng các đủ nghề như chạy đua với… ngựa, mở một tiệm giặt là v.v. và dành thì giờ huấn luyện trẻ em nghèo.
Vinh quang muộn mằn đến với anh vào năm 1976, bốn năm trước khi qua đời vì ung thư phổi: tổng thống Gerald Ford trao tặng anh huân chương cao quý nhất nước Mỹ là Presidential Medal of Freedom (Huân chương Tự do Tổng thống), đó cùng là lần đầu anh bước chân vào Nhà Trắng.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags