(Thethaovanhoa.vn) - Họ ở đây không chỉ là những người hiếu kỳ đã đổ xô lên cầu Long Biên để chứng kiến việc trục vớt quả bom tới nơi an toàn, bởi sự hiếu kỳ ở ta luôn thắng thế trước mọi hiểm nguy đến tính mạng. Dân mình "vô tư" là thế.
- Hình ảnh người dân tụ tập xem trục vớt bom chân cầu Long Biên
- Đám đông tụ tập xem vớt bom và chuyện chứng nhân cầu Long Biên
- Trực tiếp: Trục vớt quả bom dài 2,5 mét dưới chân cầu Long Biên
Họ ở đây còn là nhà chức trách, không chỉ những người đã trục vớt quả bom đó từ dưới đáy sông Hồng, mà những người đã phụ trách trật tự tại khu vực vớt bom. Họ đã ở đâu và làm gì khi quả bom đó được đưa lên trên mặt nước?
Họ đã làm gì để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người? Ngăn cản nhiều người dân, vốn chủ quan, không lường hết nguy cơ tiềm ẩn, đến đó, khó đến thế sao?
Một quả bom không phải là một tảng đá. Nếu nó nổ thì sao, và ngay cả khi người ta có cách nào đó để đảm bảo rằng nó sẽ không nổ, thì việc để cho người hiếu kỳ tụ tập tại đó cũng là một điều không bình thường.
Nhìn ra thế giới mới thấy cái sự "vô tư" trước bom mìn của dân mình là số 1. Nhưng sự "vô tư" của nhà chức trách của chúng ta cũng đáng là số 1. Chiến tranh luôn để lại dưới đất, dưới những cánh đồng, những dòng sông những gì còn sót lại của nó. Những quả bom, quả mìn, mảnh đạn, những hài cốt... rất nhiều thứ.
Đến bây giờ, gần 8 thập kỷ đã qua kể từ Thế chiến II, mà ngay ở nước Đức, người ta thỉnh thoảng vẫn phát hiện ra những quả bom chưa nổ từ thời đó. Nhưng người ta đã làm gì? Họ phong tỏa hiện trường, sơ tán dân, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng không gây hoảng loạn trong khi cuộc sống vẫn tiếp diễn.
Câu chuyện ở đây không chỉ là đem so sánh mạng Tây quý hơn mạng ta, nên Tây thấy bom thì chạy, còn ta thì xúm vào xem chỉ bởi vì ta tò mò, mà ở chỗ, cùng là quả bom (nổ hay sẽ xịt thì chưa biết), mà sao cách hành xử khác nhau thế?
Ngẫm mà buồn. Dân "vô tư" là một nhẽ, nhưng những người có chức trách mà "vô tư" thì không bao giờ ổn cả.
Anh Ngọc
Tags