Những buổi tập đầu tiên của Quang Hải tại đội tuyển quốc gia được chú ý khá nhiều bởi truyền thông, người hâm mộ và HLV Philippe Troussier không phải ngoại lệ. Có vẻ như ông Troussier tạo ra một vài bài tập để Quang Hải được nhận bóng nhiều hơn và theo đánh giá chung thì cựu tiền vệ của Hà Nội FC vẫn là một nhân tố quan trọng.
Công bằng mà nói chẳng có HLV nào muốn "mất" Quang Hải cả, dù là anh không ở phong độ cao. HLV Park Hang Seo từng mạo hiểm danh tiếng của mình để trao cho Quang Hải mọi thời gian có thể trên sân để hi vọng anh lấy lại nét tinh anh của mình càng nhanh càng tốt ở AFF Cup 2022. Đó là giải đấu thất bại của Quang Hải nhưng không thể nói HLV Park đã sai khi tin dùng anh. Không dùng Quang Hải thì dùng ai bây giờ, nhất là với một lối chơi đã đóng khung?
Ông Troussier thì thậm chí còn cần Quang Hải hơn. Dù đã là một cầu thủ kỳ cựu của đội tuyển, khoác áo tuyển thủ quốc gia từ 2017 đến nay, nhưng thực tế thì Quang Hải vẫn chỉ mới 26 tuổi. Anh là cái gạch nối quan trọng nhất giữa 2 thế hệ mà ông Troussier đang nhận nhiệm vụ nhào nặn để có một đội tuyển đủ khả năng tìm vé dự World Cup ở 2 kỳ vòng loại 2026 và 2030. Không có cầu thủ nào ở đội tuyển đạt đến "tiêu chuẩn" này, đặc biệt là với HLV Troussier, người đang muốn trẻ hóa đội tuyển quốc gia và nếu ông có một thủ lĩnh về lối chơi lẫn cá tính ở tuổi 26 thì không thể bỏ phí Quang Hải.
Nhưng vấn đề của Quang Hải cũng là vấn đề của ông Troussier: Liệu sau cú sốc tại Pau FC thì có một Quang Hải như kỳ vọng được không? Chuyện cầu thủ này có những buổi tập thành công chẳng nói nên điều gì cả vì ở Pháp, anh cũng tập điên cuồng đấy thôi.
Chờ đợi ở một người như Quang Hải là chờ sự khác biệt, ở nhãn quan, ờ kinh nghiệm vượt trội. Nói cách khác, chúng ta cần thấy một đẳng cấp mới của Quang Hải trên sân thi đấu chứ không phải là kỹ thuật cá nhân tại những buổi tập. Nếu không có gì bất ngờ, Quang Hải sẽ là thủ lĩnh của đội tuyển dưới thời HLV Troussier, thế nên anh phải quay về đá V-League. Một chuyến "quay xe" cần thiết…
Ông Troussier cần Quang Hải cũng vì một lý do khác, đó là yếu tố chiến thuật. Sau những gì mà đội U23 trình diễn, thì có thể thấy điểm yếu lớn nhất chính là không có nhạc trưởng giữa sân. Đội bóng trẻ của ông Troussier được thấm nhuần tư tưởng "đội chiến thắng là đội ghi nhiều bàn hơn", vấn đề của họ là không thể ghi thêm nhiều bàn hơn nữa để bảo vệ HCV trong bối cảnh "chấp" cả hàng phòng ngự.
Cầu thủ của ông Troussier không gặp khó khăn trong việc đưa bóng vào lưới đối phương, nhưng số lượng các cơ hội lại quá ít so với ưu thế kiểm soát bóng. Nếu sắp tới đội tuyển quốc gia cũng đá như vậy, thì ông Troussier rất cần Quang Hải, người có thể đưa được bóng đến gần khung thành đối thủ tốt nhất.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, có Quang Hải thì quá tốt nhưng áp lực phải dùng anh không hẳn là điều tốt cho ông Troussier. Ông Troussier chọn người dựa trên khía cạnh chiến thuật nhiều hơn sự nổi tiếng của họ. Ông làm điều đó với U23 thì không vấn đề gì, nhưng ở đội tuyển thì khác.
Không phải tự nhiên mà ông gọi Công Phượng về nước. Cựu tiền đạo của HAGL vốn dĩ đã không còn là lựa chọn tối ưu dưới thời HLV Park Hang Seo, cũng chẳng phải là nhân vật không thể thay thế ở HAGL trước khi sang Nhật Bản ngồi dự bị.
Gọi Quang Hải thì còn dễ hiểu vì anh sắp về V-League chơi bóng, nhưng gọi Công Phượng thì phải chăng ông Troussier chịu áp lực nào đó? Vì nói cho cùng, trước và sau khi về tập cùng đội tuyển thì Công Phượng vẫn sẽ chẳng thi đấu ở CLB. Hoàn toàn không có một gợi ý chuyên môn nào cả trong trường hợp của tiền đạo này.
Hi vọng những tài năng nói trên đều tìm lại chính mình là một chuyện, nhưng cần phải nhìn nhận công bằng rằng, làm gì thì làm, họ phải chứng tỏ mình trên sân bóng hàng tuần chứ không phải là danh tiếng cũ.
Ông Troussier đã chịu áp lực từ thành tích của U23, bây giờ đến một loại áp lực khác có thể ảnh hưởng đến chiến lược mà ông vạch ra cho đội tuyển trong tương lai. Thách thức ấy có khi còn lớn và khó giải quyết hơn.
Cứ chờ xem ông Troussier làm gì.
Tags