Nhận nhiệm vụ ở đội tuyển Việt Nam trong thời điểm nền bóng đá có dấu hiệu chững lại, HLV Kim Sang Sik chịu sức ép nặng nề hơn cả khi ông Park Hang Seo đến năm 2017.
Sự việc 5 cầu thủ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh liên quan đến chất cấm khiến không chỉ làng bóng đá mà cả dư luận phải xôn xao, trong đó, Quả bóng vàng Việt Nam 2017 Đinh Thanh Trung.
Từ một nguồn cảm hứng cho không ít cầu thủ trẻ, Thanh Trung đã khiến mọi thứ sụp đổ trong một đêm.
Từ sự việc đáng tiếc này, bóng đá Việt Nam được phen hồi tưởng lại những gì đã diễn ra trong quá khứ bởi đây không phải là lần đầu các cầu thủ "dính chàm".
Lịch sử hơn 20 năm tồn tại của V-League đã ghi nhận hàng loạt vụ việc liên quan tới cầu thủ chơi chất cấm. Từ ngoại binh đến các ngôi sao thuộc hàng tuyển thủ, không ít người đã mất nghiệp vì dính dáng đến điều này. Thậm chí, có ngoại binh còn đánh đổi bằng cả tính mạng.
Nhiều CĐV không khỏi bất bình với hành vi đáng lên án này của các cầu thủ. Những người có thu nhập cao so với mặt bằng xã hội mắc sai lầm khó tha thứ vì họ là người của công chúng, tấm gương của nhiều người trẻ.
5 cầu thủ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh liên quan đến chất cấm đã không rút ra được bài học cho bản thân. Ngược lại, họ tiếp tục đi vào vết xe đổ mà pháp luật không cho phép, những hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên, nhưng không đủ để nhắc nhở họ.
Nếu sự việc ở Hồng Lĩnh Hà Tĩnh làm tất cả chú ý thì ở cái nền là sân chơi cao nhất, bóng đá Việt Nam lại cùng lúc chứng kiến những hành vi nhỏ nhặt hơn nhưng cũng cần lên án, đó là việc HLV Velizar Popov tiếp tục phản ứng mạnh với cầu thủ CLB TP.HCM lẫn trọng tài điều hành trận đấu.
HLV Phùng Thanh Phương sau trận đấu cũng bức xúc lên tiếng chỉ trích người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến. Đội bóng xứ Thanh nhận thất bại và 7 trận không biết thắng. HLV Popov thêm một lần bỏ họp báo, dẫu vậy, vẫn chưa có án phạt nào đủ nặng để răn đe ông thầy của Thanh Hoá.
Tại sân Hoà Xuân, hậu vệ Văn Thanh gây chú ý khi dùng lời lẽ nặng nề nhắm vào trọng tài Lê Vũ Linh. Trọng tài đã đúng khi bắt lỗi cầu thủ CAHN nhưng như một thói quen, Văn Thanh vẫn phản ứng, để rồi nhận thẻ đỏ do hành vi phi thể thao đó. Các CĐV khi xem khẩu hình cựu cầu thủ HAGL đã ngán ngẩm với lời nói của một ngôi sao.
Cách hành xử như Văn Thanh cũng có thể là điển hình cho những gì đang diễn ra ở V-League lâu nay. Cầu thủ dẫu sai vẫn có thói quen phản ứng với các quyết định của trọng tài để rồi khi thi đấu quốc tế, họ trả giá đắt vì những điều tưởng chừng rất bình thường đó.
Những sự cố vừa qua cũng như một vết dao xoáy sâu thêm vào vết thương của nền bóng đá. HLV Kim Sang Sik tới nhận nhiệm vụ ở bóng đá Việt Nam lúc này trùng hợp với sự đi xuống của các đội tuyển quốc gia.
So với những nền bóng đá trong châu lục, bóng đá Việt Nam đang đối diện với sự tụt hậu. Chất lượng cầu thủ Việt đang có khoảng cách lớn đối với những nền bóng đá có truyền thống trong châu lục.
Giấc mơ World Cup 2026 tan vỡ nhưng nhiều người có thể càng cám cảnh với những tiêu cực diễn ra có hệ thống ở các giải quốc nội.
Thống kê vài tháng đầu năm 2024 cho thấy, từ giải hạng Nhì đến hạng Nhất và mới đây là V-League, sân chơi nào cũng có vấn đề. Nếu không dính đến chất cấm, các CLB cũng như cầu thủ sẽ đối diện với nghi án tiêu cực dàn xếp tỷ số, mua bán độ, nhẹ hơn là thi đấu thiếu quyết tâm.
Niềm tin của các CĐV đối với bóng đá Việt Nam có thể giảm sút hơn rất nhiều so với trước đây. Sau khi chia tay HLV Park Hang Seo, nền bóng đá thực sự gặp không ít thử thách về việc thoái trào.
Những gì diễn ra lúc này khiến không ít người hồi tưởng về thời gian trầm lắng của bóng đá Việt Nam sau các sự cố năm 2005, 2014. Khi đó, hàng loạt cầu thủ đã đứng trước vành móng ngựa và nhận án phạt từ pháp luật.
Trở lại với HLV Kim Sang Sik, vừa chân ướt chân ráo đến Việt Nam làm việc, những thách thức đã tìm tới ông thầy người Hàn Quốc.
Chiến lược gia 48 tuổi được giao nhiệm vụ tìm lại niềm tin cho nền bóng đá từ cơn thoái trào. HLV Kim Sang Sik cần "gạn đục, khơi trong" để bóng đá Việt Nam có thể trở lại đúng quỹ đạo.
Tags