Phạm Huy Hùng
|
Ở nơi đó núi hiểm, sông sâu, biển rộng, đồng bằng lớn, địa linh tất sinh nhân kiệt, đời nào cũng có. Cả nước biết các cụ già chống gậy ăn cháo. Nhưng cả nước cũng đều biết chỉ ở Thanh Hóa mới có các cụ già bắn rơi máy bay. Cố họa sĩ Bùi Xuân Phái có một bức vẽ lão ngư Thanh Hóa cởi trần vâm váp, xem rất khỏe khoắn và xúc động.
Ở Hà Nội, trong giới mỹ thuật, chẳng ai không biết đến mấy “hào kiệt xứ Thanh’’ nổi tiếng, lớp trước như thư gia quá cố Lê Xuân Hòa, họa sĩ Phan Bảo, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, Lê Đình Quỳ... lớp sau có họa sĩ, thư pháp gia trẻ Lê Quốc Việt và nhóm tài nhân xứ Thanh...
2. Trông sức vóc và tướng mạo, dễ nhận thấy họa sĩ Phạm Huy Hùng cũng là một “hào kiệt xứ Thanh’’ như thế. Dáng anh hàm én, đầu báo, lưng hổ, tay gấu... tiếng nói cười sang sảng kim khí. Nhìn họa sĩ, dễ tin rằng thời trước đã có những tráng sĩ hai tay ghìm sừng hai con trâu đang húc nhau đẩy ra.
Họa sĩ từ trẻ lúc nào cũng được trời phú cho tính tình vui vẻ điềm đạm nhưng oai vệ như một võ sư, nên trong giao tiếp ai cũng quý mến kính nể. Dễ để hiểu người như vậy thì ý chí độc lập tự chủ rất cao, không chịu ở dưới người hay nạp thân vào một cái cơ chế nào. Phiêu bạt giang hồ một thời gian trước khi đỗ vào trường mỹ thuật năm 26 tuổi. Ngoài ba mươi mới tốt nghiệp, con người có dáng vẻ “như một võ sư’’ ấy lại nuôi một cái chí rất buồn cười, giống như các nhà nho xưa, tiến vi quan, thoái vi sư : Phạm Huy Hùng tự mở trường, bốc thuốc, dạy học và... vẽ tranh. Chỉ trong gần 10 năm, số học sinh luyện vẽ từ “lò thầy Hùng’’ thi đỗ vào các trường mỹ thuật tại Hà Nội đã lên tới hàng trăm, bằng sinh viên cả vài khóa ở một trường nghệ thuật. Có người đùa mà thật rằng họa sĩ đáng được trao “Huy chương vì sự nghiệp giáo dục mỹ thuật Việt Nam’’ mới đúng.
Về cái nghề thuốc của anh, cũng lắm chuyện kỳ khôi. Trước khi thi vào Trường mỹ thuật, anh từng thi đỗ Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH An ninh, Trường nhạc... Nhưng duyên phận thế nào đều bỏ không học. Họa sĩ có cái say mê y học cổ truyền, tìm đủ loại sách, đọc ngấu nghiến như người ta đọc sách văn học. Hỏi thì anh bảo, sách thuốc cổ cũng là một cách khác để lý giải con người, mà lại lý giải trên sự cân bằng tự nhiên chứ không “dao kéo và hóa học” như Tây y nên đọc thấy khoái. Mới đầu chỉ là đọc và hỏi chuyện các thầy thuốc, sau vài lần thử bốc thuốc cho người thân và cho chính mình thấy hiệu nghiệm. Thế rồi học trò, bạn bè, người quen đến nhờ cắt thuốc để họa sĩ tự nhiên trở thành thầy lang một cách tự nguyện... bất đắc dĩ!!!
3. Cũng dễ hiểu sao họa sĩ lại chọn ngay sơn mài để làm chất liệu cho sáng tác của mình. Đó là vàng son tự nhiên, là chất quý thật, và phải kiên trì mới nắm được bí mật của chất liệu hội họa đã từng được nhiều bậc thầy kinh qua, làm cho nó trở thành truyền thống này. Tự làm mới không khó bằng là làm mới cái cũ. Vì sơn mài đã trở thành truyền thống, khó thay đổi.
Phạm Huy Hùng cố gắng vượt qua cái bước đã được xác định mà rất nhiều họa sĩ nổi tiếng đã từng đi qua và vấp phải với tranh sơn mài, ở cả hai mảng tranh có hình và trừu tượng. Họa sĩ còn tìm ra cho mình một cái độc đáo không ai có là anh phối những kiến thức về y học, về văn hóa cổ truyền tự hun đúc được trong mình để giải nghĩa những sáng tác sơn mài. Trong đó yếu tố chủ đạo được họa sĩ chú ý vẫn là sự cân bằng tâm sinh thái, sinh lý của con người đối với tự nhiên... Bức tranh như một yếu tố để họa sĩ tu tập, chiêm nghiệm, có khi kết quả cuối cùng cũng chẳng quan trọng.
4. Cũng cách đây ít lâu, tôi được một nhà Hán học đọc bức thư pháp của một thư pháp gia Đài Loan. Bức tranh chữ như sau : “Nam nhi chí tứ hải. Cổ nhân tích thốn âm”. Đọc xong, ông khen tấm tắc người viết có thần bút, nghĩa tứ sâu xa. Tôi không hiểu lắm thư pháp, chỉ thấy viết nguệch ngoạc như người mới biết viết. Nhà Hán học này giảng rằng, mấy người mới biết viết chữ ở ta cứ thích lòe loẹt, chữ như “phượng múa rồng bay” là hỏng. Chữ nghĩa nó phải có nội lực, trông ngây ngô thế thôi nhưng khí chất là của cao thủ.
Về với truyền thống là để đi nhanh tới hiện đại. Điều ấy đơn giản mà không dễ, nhiều họa sĩ trẻ có tài năng, nhưng vẫn vẽ vời nhẹ bỗng như “bánh ga - tô”, rất to, rất ngọt mà ăn không no được. Họa sĩ Phạm Huy Hùng đã qua cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” mới trình bày những sáng tác đầu tay nhiều nghĩ ngợi của mình. Chắc chắn họa sĩ thừa hiểu rằng ước vọng tự hoàn thiện nhân cách và học vấn cao hơn nhiều việc vẽ một bức tranh đẹp để treo tường. Ấy thế nhưng vẫn phải công phu, phải chăm chút cho tranh, giống như chữa cho con bệnh lâu năm vậy...