24 tuổi quyết định dịch bộ sử đồ sộ của nhân loại
Công trình nghiên cứu gây tiếng vang Ngàn năm áo mũ (2013) không phải là đầu sách đầu tiên gắn với cái tên Trần Quang Đức. Anh từng dịch các tác phẩm tiếng Hán như Trà Kinh (2008), Chuyện tình giai nhân (2011), Trường An loạn (2012), và nay là Sử ký (2014 ra tập đầu trong bộ 4 tập).
Với tư cách độc giả, anh đọc Sử Ký nguyên tác từ năm 2008, khi còn học ở Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), đến năm 2009 quyết định sẽ dịch tác phẩm này (năm đó anh 24 tuổi).
Nhưng đến năm 2013, ở tuổi 28, anh mới thực sự bắt tay vào công việc, năm 2014 ra tập đầu - Bản kỷ. Sử ký gồm 520.000 chữ, 130 thiên, chia làm nhiều phần gồm: Bản kỷ, Biểu, Thư, Thế gia, Liệt truyện. Bản dịch 4 phần sau sẽ tiếp tục được ra mắt trong vòng 2 hoặc 3 năm tới, nghĩa là tổng cộng cả bộ sách mất từ 4 đến 5 năm.
Nói về dịch Sử ký mà thuần túy bằng những con số như vậy không thể thể hiện hết ý nghĩa của công việc này. Sử ký là tác phẩm sử học đồ sộ nhất của Trung Hoa, một trong những cuốn sử nổi tiếng nhất thế giới. Bên cạnh giá trị lịch sử, bộ sách cũng được coi là tác phẩm văn học lớn của nhân loại. Sách khái quát lịch sử Trung Quốc 2.000 năm từ Hoàng Đế thần thoại đến đời Hán Vũ Đế (thời Tư Mã Thiên sống), là nền tảng cho các phát triển sau này trong sử học Trung Hoa.
“Đây là cổ văn cách nay 2.000 năm” - Trần Quang Đức nói về công việc dịch thuật tác phẩm này. “Và tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập như tiếng Hán. Không thể dịch mỗi ý mà còn phải giữ câu từ ngắn gọn như nguyên tác. Thơ thì phải gieo vần. Ngoài ra, phải cân nhắc từ cổ và từ hiện đại, từ Hán Việt và nôm na. Phải hiểu sâu từng câu chữ để có cách lựa chọn câu từ phù hợp”.
Tự tin với sự lựa chọn phù hợp
Về tầm vóc, Sử ký được so sánh với The Histories Of Herodotus (Lịch sử của Herodotus), cuốn sách nền tảng của sử học phương Tây của tác giả Herodotus. Bởi vậy, bên cạnh góc nhìn về dân tộc (một tác phẩm của Trung Quốc), nên có góc nhìn rộng hơn về nhân loại, vì Sử ký ngoài việc gắn với một quốc gia cụ thể thì vẫn là tinh hoa văn hóa và sử học của nhân loại.
Mặc dù vậy, ở Việt Nam từ trước đến nay, do điều kiện tra cứu từ điển và tài liệu cũng như quan điểm dịch thuật, Sử ký chưa được chuyển ngữ dưới dạng trọn bộ và không lược bỏ. Có nhiều bản dịch nhưng đều “hoặc có tính nhập môn giới thiệu sơ lược, hoặc là bản dịch tuyển chọn lại, không đầy đủ”. Người dịch đều là học giả tên tuổi. Đó là bản của Nhượng Tống (NXB Tân Việt xuất bản năm 1944), bản của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê (NXB Lá Bối in năm 1972), hay bản của Phan Ngọc (NXB Văn học in năm 1971).
Và Trần Quang Đức, năm 2014, dự định sẽ hoàn thành bản dịch trọn vẹn đầu tiên. “Lược dịch có ưu điểm là gọn gàng hơn, nội dung cung cấp cho độc giả đã được lựa chọn những đoạn hay nhất. Còn toàn dịch (dịch toàn văn không bỏ sót) là công việc vất vả hơn vì không thể bỏ qua những đoạn khó, sản phẩm khi hoàn thành cũng khó đọc hơn” - anh nói.
Với những bộ sách đồ sộ, có người chọn phương pháp dịch nhóm như nhóm dịch giả lão làng Dương Tường, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào và Đặng Thị Hạnh dịch bộ Tìm lại thời gian đã mất của Marcel Proust, ra tập đầu trong năm 2013. Trong giới yêu thích sách Hán-Nôm, cũng có người cho rằng bộ sách tầm cỡ Sử ký cũng cần một nhóm dịch chứ không phải một cá nhân.
Với Trần Quang Đức thì rất đơn giản: “Sử ký nếu 1 người dịch sẽ lâu. Chỉ vậy mà thôi”.
“Tuổi” của nhànghiên cứu là sức đọc và tư duy khai phóng
Sinh năm 1985, vẫn thường được gọi là “nhà nghiên cứu trẻ”, “dịch giả trẻ”, Trần Quang Đức lại không thấy “trẻ” là điều cần nhấn mạnh trong học thuật. Anh chia sẻ: “Người ta nói như vậy vì gần đây họ quen với các nhà nghiên cứu lớn tuổi. Nhưng ở thời 1930-1045, nhiều học giả thành danh khi mới 20 tuổi, nhiều nhà nghiên cứu và văn sĩ cũng bắt đầu công việc khi ở độ tuổi 20, 30”.
“Tôi không có khái niệm trẻ hay già” - Đức nói với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần. Các tiêu chí theo anh cần phải nhấn mạnh trong học thuật: “Nhà văn cần trải nghiệm, còn nhà nghiên cứu cần đọc nhiều sử liệu, cần một tư duy khai phóng và phương pháp tốt”. Nói ví von, tuổi về sức đọc quan trọng hơn là tuổi tác sinh học.
Dù vẫn được công nhận là người có sức đọc đáng nể, song nhà nghiên cứu đang được trong Nam ngoài Bắc nể trọng thừa nhận: “Còn nhiều bạn trẻ sức đọc hơn tôi, thật đấy”.
Hay tin Trần Quang Đức sẽ dịch trọn bộ Sử ký, những người am hiểu về sách Hán-Nôm rất chú ý và bày tỏ kỳ vọng vì uy tín của Đức trong vài năm trở lại đây với công trình nghiên cứu Ngàn năm áo mũ. Có thể nói, khi bắt tay vào viết Ngàn năm áo mũ, Trần Quang Đức chưa phải là cái tên nổi trội trong giới nghiên cứu lịch sử. Còn bây giờ, không chỉ giới học thuật mà cả công chúng và truyền thông đều biết đến anh.
Nhưng với anh, công việc nghiên cứu hay dịch thuật trước hay sau khi “nổi tiếng” không vì thế mà thay đổi. “Cách làm việc và thái độ làm việc của tôi xưa nay không có gì thay đổi. Làm hết sức, hết khả năng, vậy thôi”.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags