Hiện nay nghệ sĩ bị xâm phạm nhiều nhất là quyền dân sự

Thứ Bảy, 26/11/2016 06:52 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều qua 25/11, tại phòng trà Đồng Dao (TP HCM), Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam đã có buổi ra mắt báo giới.

Tên quốc tế của hội là APPA (viết đầy đủ là: Association for Protection of Performing Artists in Vietnam). Tất cả các nghệ sĩ là người Việt Nam đang hoạt động biểu diễn trong lĩnh vực âm nhạc tại Việt Nam hoặc các nghệ sĩ Việt kiều đã được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam đều có thể trở thành hội viên của APPA.

APPA sẽ bảo vệ những quyền cho nghệ sĩ như: Quyền biểu diễn, quyền xây dựng và bảo vệ hình ảnh cá nhân, quyền phát ngôn và từ chối phát ngôn, quyền thu phí bản quyền biểu diễn và các sản phẩm nghệ thuật liên quan…


Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên phát biểu tại buổi ra mắt

Hội viên sẽ được hưởng quyền lợi kinh tế với số tiền được thu từ các đơn vị trong nước thông qua hợp đồng cấp phép biểu diễn hoặc sử dụng những sản phẩm của nghệ sĩ như: Đài truyền hình, phát thanh, khách sạn, vũ trường, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, bài hát dùng trong phim, clip quảng cáo, các đơn vị kinh doanh viễn thông, các website âm nhạc…

Ngoài ra quyền lợi của hội viên APPA còn được bảo vệ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có ký hợp đồng song phương với APPA.

Về việc bảo vệ hình ảnh cho nghệ sĩ, APPA có những thỏa thuận hợp tác với Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Cục An ninh mạng C50 Bộ Công an và các đơn vị khác.


NSND Phan Thanh Hoa, Chủ tịch APPA

Theo thống kê hiện nay có khoảng 15.000 nghệ sĩ hoạt động biểu diễn âm nhạc trên toàn quốc. APPA có quyết định thành lập của Bộ Nội vụ từ tháng 12/2015, hiện nay có 486 hội viên và khoảng 10.000 tác phẩm. Hội phấn đấu phát triển từ 2.000 đến 3.000 hội viên vào năm 2017.

Về nghề nghiệp, APPA còn là nơi đào tạo giúp đỡ các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, giúp cho hội viên tiến bộ về nghề nghiệp và tổ chức tôn vinh nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc qua việc tổ chức các giải thưởng do nghệ sĩ bình chọn hàng năm…

Một vấn đề được đặt ra tại buổi họp báo là việc thu phí quyền liên quan (đối với những sản phẩm ghi âm, ghi hình) có bị chồng chéo khi hiện nay Trung tâm bảo vệ quyền Tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu phần tác giả, Hiệp hội ghi âm (RIAV) thì thu phần ca sĩ, nhạc công và sản xuất, nay APPA cũng thu phí gần như tương tự RIAV.

NSND Phan Thanh Hoa (Chủ tịch APPA) cũng thừa nhận rằng, với 1 sản phẩm mà có đến 3 đơn vị thu phí, điều đó cũng đã gây nhiều phiền phức cho người sử dụng.

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Cục đang hoàn thiện văn bản để phối hợp 3 đơn vị: APPA, VCPMC và RIAV để một đơn vị đại diện thu toàn bộ tiền thuộc “quyền liên quan” sau đó phân chia lại cho từng đơn vị.

Trong phần phát biểu của mình, ông Bùi Nguyên Hùng cũng nhấn mạnh: APPA cần nhanh chóng triển khai nhiệm vụ của hội, xây dựng quy chế trình Bộ Nội vụ; Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý sản phẩm của hội viên; Nhanh chóng phát triển hội viên và triển khai công việc bảo vệ hội viên…

Hiện nay nghệ sĩ bị xâm phạm nhiều nhất là quyền dân sự

Đạo diễn Phan Huyền Thư (Phó Tổng thư ký của Hội) chia sẻ: “Thật ra đối với nghệ sĩ hiện nay vấn đề nổi cộm là quyền dân sự, chứ không hẳn là quyền nghề nghiệp. Về quyền được hành nghề, được biểu diễn, thực ra cũng đã có một vài cơ quan chức năng có trách nhiệm thực hiện. Nhưng với tư cách là một công dân Việt Nam, quyền bị xâm phạm nhiều nhất hiện nay của nghệ sĩ chính là quyền dân sự, ví dụ quyền tự do cá nhân liên quan đến vấn đề riêng tư, đến bí mật cá nhân, quyền được phát ngôn hoặc từ chối phát ngôn… Khi bị xâm phạm, mặc dù truyền thông là nơi phát ra những thông tin đó, nhưng họ lại nhờ một đối tượng truyền thông khác can thiệp ngược lại.


Đạo diễn Phan Huyền Thư

Điều này tạo ra sự xung đột hoặc những nhiễu nhương không cần thiết mà lẽ ra họ có quyền im lặng, hoặc ủy thác cho luật sư hoặc thông qua APPA là người có thể đứng ra can thiệp và không nhất thiết chuyện gì cũng phải đưa lên truyền thông bởi vì người nghệ sĩ cũng có quyền từ chối trả lời.

Trên phương diện truyền thông chúng tôi quan tâm đến quyền dân sự. Còn về quyền hành nghề, điều này còn tùy thuộc vào chính nhu cầu của người nghệ sĩ đó, người ta có muốn tham gia để đi vào môi trường hoạt động chuyên nghiệp hay không, hay người ta thích hoạt động độc lập thì hội cũng không thể can thiệp”.

Ban lãnh đạo của APPA

NSND Thanh Hoa (Chủ tịch)

NSƯT Hà Thủy (Phó Chủ tịch)

Nhạc sĩ Lê Quang (Phó Chủ tịch)

Nhà sản xuất Phạm Từ Liêm (Tổng thư ký)

Đạo diễn Phan Huyền Thư (Phó Tổng thư ký)

Cùng các thành viên: NSND Thanh Tâm, NSƯT Trần Thị Mơ, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Thanh Trà, ca sĩ Tân Nhàn, Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ Kim Xuân Hiếu, Bùi Công Duy.

Bình Minh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›