(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan Múa đương đại quốc tế TP.HCM lần 2 đã thành công, nhưng không phải với biểu hiện “bên ngoài” như sức bán vé và sự tác động truyền thông, mà cái đáng nói là từ “bên trong” - có rất ít lời chê từ giới chuyên môn.
Hơn 10 năm qua, mặc cho các hoạt động múa đương đại liên tục được tổ chức tại Việt Nam, cùng với đó là sức tác động khá lớn từ mạng Internet, nhưng vẫn còn khá nhiều định kiến về thể loại này.
Những câu chuyện mạnh mẽ
Còn nhớ gần cuối năm 2013, khi vở múa đương đại Tích tắc công diễn, vẫn còn nhiều ý kiến (chủ yếu từ giới múa trường quy, cổ điển, báo chí…) cho rằng đây “không hẳn là một vở múa đương đại. Gần một nửa các cảnh diễn bao gồm những màn biểu diễn mang tính xiếc nhiều hơn là múa”.
Như Thể thao & Văn hóa từng đề cập trước khi Liên hoan diễn ra, Liên hoan sẽ “sáp nhập” sự dị biệt Đông Tây vào nhiều tiết mục. Sau Liên hoan nhìn lại, nó còn đi xa hơn, khi mà qua các câu chuyện tưởng chừng chỉ có tính thời nay, thì quá khứ đã được gọi về để kết nối một cách tinh tế, hấp dẫn.
Nếu vở múa Thời gian của The Tussock (vùng lãnh thổ Đài Loan) là một hồi ức nhẹ nhàng, mong manh về không gian thời xưa; thì Bạn từ đâu đến của Claudio Malangone (Italy) và Sung Yong Kim (Hàn Quốc) lại dựng nên không gian tâm hồn, nơi khác biệt văn hóa và lịch sử không thể trở thành rào cản.
Nếu màn kết hợp của Mario Kakizaki (Nhật Bản) và Keren Lurie Pardes (Israel) là câu chuyện phi thời gian, xuyên suốt từ cõi huyền thoại, quái vật cho đến con người hiện đại, vốn mải mê với đồng tiền và thế giới ảo; thì vở múa Con thiêu thân (biên đạo: Nguyễn Ngọc Anh) là cuộc rời bỏ thói quen bám víu đầy yếu đuối, nhu nhược…
Vở múa Golem & Treseses Girls với Mariko Kakizakia (Nhật Bản) và
Keren Lurie Pardes (Israel) đã đem lại nhiều cảm xúc mạnh mẽ
Vượt lên chính mình
Do quy mô mở rộng nên lần này có đủ các yếu tố hàn lâm, trường quy trong các tiết mục đương đại. Lần thứ ba đến với khán giả yêu thích múa đương đại Việt Nam, vở Đánh mất và tìm lại của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM đã bắt một nhịp cầu vững vàng, rõ nét từ quan niệm hàn lâm cho đến đương đại.
Biên đạo múa Marie Mougeolle (Pháp) có bài solo đầy ẩn ý, kể chuyện một vũ công khởi nghiệp từ ballet nhưng chuyển hướng đến đương đại, nơi cơ thể và tâm hồn được giải phóng khỏi những quy tắc cứng nhắc, bó buộc. Các động tác hàn lâm và hoạt động múa của nữ nghệ sĩ này đã thuyết phục được nhiều người xem khó tính.
Còn nhớ năm 2003, NSND Chu Thúy Quỳnh (Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam) từng phát biểu trên báo về vở diễn của Ea Sola: “Với cương vị nghề nghiệp, chúng tôi thấy đây không phải là múa, mà lại gọi là múa đương đại Việt Nam thì không nên như vậy. Với trách nhiệm nghề nghiệp, chúng tôi đề nghị không mang tên: Đoàn múa đương đại Việt Nam”. Ý kiến này đã được nhiều nhà chuyên môn về múa đồng tình, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Gần đây, trên Đẹp online, Ea Sola tâm sự như một tuyên bố: “Múa ballet, múa dân gian, múa hiện đại hay đương đại, tôi đều quý cả. Tôi không trả lời về múa đương đại theo kiểu nhiều người chờ đợi, rằng họ đã hiểu về đương đại thế này, còn những người kia không hiểu về đương đại. Tôi không trả lời như thế, vì đó là việc không thể làm”.
Giờ đây, Tấn Lộc và nhiều biên đạo múa đương đại khác đã và đang kiên trì với chọn lựa của mình. Tiết kiệm phát ngôn nhưng trả lời bằng những hào phóng tác phẩm tương đối có chất lượng. Sau Liên hoan, cho đến giờ này, hầu như không có những ý kiến chê trách, phủ nhận từ giới chuyên môn. Thay vào đó, sự tham gia của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM - nhà hát có một bộ phận múa hàn lâm chuyên nghiệp - cũng đồng nghĩa với việc công nhận múa đương đại là sự phát triển tất yếu của nghệ thuật múa, tiếp nối những thành tựu mà múa hàn lâm đã đạt được.
Hoạt động múa đương đại như là một sinh hoạt bình thường của đời sống nghệ thuật, đó chính là thành công lớn nhất của Liên hoan Múa đương đại quốc tế TP.HCM lần 2 và nỗi buồn quá khứ đã trôi vào dĩ vãng…
Vài năm gần đây, ngoài các đoàn múa đương đại có chất lượng của quốc tế đến Việt Nam biểu diễn, những vở múa đương đại của Arabesque như: Mộc, Chuyện kể những chiếc giày, Tích tắc, Sương sớm… ; hoặc của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM như: Những mảnh ghép của giấc mơ, Chạm tay vào quá khứ, Đánh mất và tìm lại… đã gây ấn tượng mạnh tới công chúng và có tác động tích cực đến giới chuyên môn. |
VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa
Tags