Hành trình hồi hương di sản nghệ thuật trăm năm của họa sĩ Trần Phúc Duyên

Thứ Năm, 20/07/2023 18:50 GMT+7

Google News

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993), Phạm Lê Collection kết hợp cùng gia đình cố họa sĩ và bảo tàng nghệ thuật Quang San đồng tổ chức Triển lãm di sản nghệ thuật Họa Duyên Tương Ngộ: Trần Phúc Duyên. 

Như tin đã đưa, Triển lãm mở cửa đón công chúng yêu nghệ thuật đến thưởng lãm từ ngày 22/7 tới tại số 189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Quận 2, TP. Thủ Đức, TP. HCM. Đây cũng là triển lãm chuyên đề đầu tiên Bảo tàng nghệ thuật Quang San thực hiện với vai trò đồng tổ chức và vận hành kể từ khi chính thức mở cửa vào tháng 6/2023.

Theo đó, Họa Duyên Tương Ngộ trưng bày hơn 100 tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của danh họa Trần Phúc Duyên kể từ khi ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 16 (1942-1945), mở xưởng tại Hà Nội (1948-1954), cho đến khi ông di cư sang Pháp (1954-1968), Thụy Sỹ (1968-1993), và mất tại đó. Xuyên suốt sự nghiệp, Trần Phúc Duyên đã có hơn 20 trưng bày lớn nhỏ ở cả Việt Nam và châu Âu, nhưng đây là triển lãm có quy mô phổ quát của cố họa sĩ với hầu hết các tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng trong nước, với đủ loại chất liệu: sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo...

Hồi hương di sản nghệ thuật của họa sỹ Trần Phúc Duyên với triển lãm 'Họa Duyên Tương Ngộ' - Ảnh 1.

Trần Phúc Duyên bên tranh sơn mài "Phong Cảnh Sài Sơn" 110 x 165cm

Không gian triển lãm gồm 2 tầng với tổng diện tích khoảng 600m2, giới thiệu các tác phẩm theo từng cụm chủ đề lớn, đi từ phức hình đến tối giản: Đời sống, Phong cảnh, Tĩnh vật và Tiểu cảnh, Thủy mặc và Thiền Họa, Trừu tượng, và Phúc niệm.

Sau khi Trần Phúc Duyên qua đời năm 1993, toàn bộ tác phẩm, tài liệu, sổ sách của ông được đóng thùng và lưu tại một nhà kho ở ngoại ô thủ đô Bern, Thụy Sỹ. Trong 20 năm, di sản này bị ngủ quên, cho tới năm 2018 được hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh - gọi tắt là Phạm Lê - tình cờ khám phá. Và đây cũng là "mối duyên" bắt đầu hành trình sưu tập độc lập của Phạm Lê Collection. 

Hồi hương di sản nghệ thuật của họa sỹ Trần Phúc Duyên với triển lãm 'Họa Duyên Tương Ngộ' - Ảnh 2.

Từ trái sang: Hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh

"Là những người con xa quê, chúng tôi đã thật sự xúc động khi lần đầu đứng trước những sáng tác đậm tình quê hương của ông. Ngắm nhìn những bức tranh đang còn vương bụi thời gian, dần mở lại những ký họa được lưu trữ, lần giở những cuốn sổ tay của ông, chúng tôi thầm hứa sẽ đưa ông trở về với quê hương trong một ngày thật gần. Chúng tôi tin rằng những người yêu nghệ thuật và cái đẹp ở Việt Nam sẽ chào đón ông, để tâm hồn ông sau bao năm xa quê lưu lạc sẽ được bay lượn trên những cánh đồng lúa trĩu bông vùng Hà Tây xứ Đoài, ngắm nhìn Vịnh Hạ Long nơi ông và các bạn đồng lứa năm xưa cùng nhau đi thực tế lấy mẫu sáng tác, đắm mình dưới những đêm trăng tĩnh mịch, và hơn tất cả, để ông trở về với đất mẹ yêu thương" – Phạm Lê cho biết lý do quyết định chia sẻ bộ sưu tập cá nhân với gần như là đầy đủ các cột mốc sáng tác quan trọng của họa sỹ Trần Phúc Duyên cho công chúng cùng thưởng ngoạn.

Hồi hương di sản nghệ thuật của họa sỹ Trần Phúc Duyên với triển lãm 'Họa Duyên Tương Ngộ' - Ảnh 3.

Các diễn giả tại họp báo (từ trái sang): Lê Quang Vinh, Phạm Quốc Đạt, Ace Lê và Ngô Kim Khôi

Chia sẻ về quá trình sưu tập tác phẩm của cố hoạ sĩ Trần Phúc Duyên, anh Phạm Quốc Đạt kể: "Tôi và Vinh sống ở nước ngoài khá lâu. Chúng tôi luôn nhớ về quê hương và yêu thích nghệ thuật Việt Nam, nên bắt đầu sưu tập nghệ thuật Việt Nam kể từ những năm 2015 - 2016. Riêng về trường hợp của cụ Duyên, đặc biệt là năm 2018 khi mà chúng tôi đang làm nghiên cứu về Mỹ thuật Đông Dương, chúng tôi tìm được ghi chép của một nữ du khách người Mỹ tại Thụy Sĩ, rằng ở Thụy Sĩ không có gì đặc biệt cả, nhưng tình cờ cô ấy bước vào một không gian nhỏ triển lãm 30 bức tranh sơn mài về Việt Nam. Những bức tranh này đã bị lãng quên 20 năm trên một tầng gác xếp của một lâu đài. Người ta phải đem chúng triển lãm để bán bởi vì đây là một phần trách nhiệm của các luật sư ở đấy. Họ phải tìm ra ai là người thừa kế và tìm cách bán chúng để chia tài sản...".

Hồi hương di sản nghệ thuật của họa sỹ Trần Phúc Duyên với triển lãm 'Họa Duyên Tương Ngộ' - Ảnh 4.

"Phong cảnh mạn ngược" 65x110 (Sưu tập Phạm Lê)

"Khi nhìn thấy những bức tranh của cụ Duyên, một trong số chúng đang được nằm ở nền đất, và họ cũng không hiểu được giá trị của chúng. Chính vì vậy, chúng tôi đã xúc động và thông qua manh mối này để tìm đến người tổ chức triển lãm. Khi gặp họ, chúng tôi đặt vấn đề mua những tác phẩm này vì là chúng là tranh Việt Nam. Họ trả lời với chúng tôi rằng hầu hết các tác phẩm đều đã được bán, ngay cả tác phẩm này cũng có người đặt mua. Ba tuần sau, họ gọi lại và nói rằng người ta mang về treo nhưng kích thước quá lớn so với nhà của họ ở Thụy Sĩ, thế nên họ không mua nữa. Và cùng với đó là hai tác phẩm khổ lớn khác cũng sẽ được đem đi triển lãm trong đợt này. Chúng tôi rất sung sướng vì có cơ duyên mua được ba bức tranh này" - nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt kể thêm.

Thuộc thế hệ sau cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cùng là họa sỹ Đông Dương sống và làm việc tại châu Âu (gồm: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Thứ, Lê Thị Lựu, Phạm Thúc Chương, Võ Lăng, Trần Phúc Duyên, Phạm Tăng…), nhưng chỉ duy nhất Trần Phúc Duyên đã chọn sử dụng sơn mài như một chất liệu chủ đạo và xuyên suốt cho các sáng tác hội họa của mình.

Hồi hương di sản nghệ thuật của họa sỹ Trần Phúc Duyên với triển lãm 'Họa Duyên Tương Ngộ' - Ảnh 5.

"Bóng nước" 110 x 176cm (Sưu tập Bảo tàng Quang San)

Họa Duyên Tương Ngộ được giám tuyển bởi nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê dưới sự bảo trợ của Lân Tinh Foundation. 

Từ ngày 22/7 - 6/8, công chúng yêu nghệ thuật sẽ không chỉ được ngắm cảnh sắc thủy mặc trong sơn mài Trần Phúc Duyên, mà quan trọng hơn, là được cảm nhận và sống cùng với những triết lý, suy tư, trăn trở của người họa sĩ tha hương. 

Hồi hương di sản nghệ thuật của họa sỹ Trần Phúc Duyên với triển lãm 'Họa Duyên Tương Ngộ' - Ảnh 7.

"Hoài cố 1977" 100x50cm (Sưu tập Phạm Lê)

Đi kèm với triển lãm, cuốn sách giới thiệu cuộc đời và tác phẩm Trần Phúc Duyên cũng sẽ được ra mắt trong năm 2023, dưới sự bảo trợ của Phạm Lê Collection và các bài viết đóng góp từ các nhà nghiên cứu nghệ thuật trong và ngoài nước. Phạm Lê Collection cũng đang xây dựng nền tảng lưu trữ Trần Phúc Duyên với mong muốn thiết lập được danh mục đầy đủ các tác phẩm của ông.

Phạm Lê Collection:

Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh là hai nhà sưu tầm và nghiên cứu độc lập về mỹ thuật Việt Nam với một số tiểu luận và phê bình đăng tải trên Tạp chí Mỹ thuật và các nhà đấu giá quốc tế. Phạm Lê collection tập trung vào sự giao thoa văn hóa Đông Tây trong mỹ thuật Việt Nam trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20.

Ngoài bộ sưu tập Trần Phúc Duyên và các họa sỹ Việt nam xuất thân từ trường Mỹ Thuật Đông Dương, Phạm Lê Collection còn bao gồm nhiều tác phẩm của các họa sỹ Pháp sống, làm việc và du hành qua Đông Dương từ cuối thế kỷ thứ 19 đến giữa thế kỷ 20, đặc biệt là những người thầy Pháp của trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương như Victor Tardieu, Josheph Inguimberty, Evariste Jonchere và Alix Ayme.

Minh Anh. Ảnh: BTC

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›