(Thethaovanhoa.vn) - Khoảng 3 triệu thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay có các vấn đề về tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được các hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết, số còn lại phải sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy để tự xoa dịu các triệu chứng của rối loạn tâm thần.
Thông tin được bác sỹ Nguyễn Song Chí Trung, Trung tâm Chuyển giao công nghệ điều trị nghiện và HIV – Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại Hội thảo “Sức khỏe tâm thần và sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên” do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/11.
Theo bác sỹ Nguyễn Song Chí Trung, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng ma túy ở thanh thiếu niên, nhưng thông thường luôn có những lý do nghiêm túc như: sức ép của việc khẳng định bản thân, bị bạn bè lôi kéo, bị bạo hành, bị lạm dụng, bố mẹ ly hôn, cuộc sống cơ cực… Hầu hết các thanh niên sử dụng ma túy ban đầu chỉ với mục đích thử nghiệm, tuy nhiên có một bộ phận sẽ trở nên nghiện.
Để hạn chế tình trạng thanh thiếu niên nghiện các chất kích thích, bác sỹ Nguyễn Song Chí Trung cho rằng vai trò của gia đình rất quan trọng. Phụ huynh cần dự phòng từ việc nhận thức, hiểu về triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo sớm của các bệnh lý tâm thần cũng như trang bị các kỹ năng sống cho các em để các em có thể tự xoay sở được với các thách thức tại trường học và xã hội. Đặc biệt, cần tránh kỳ thị và phân biệt đối xử đối với các thanh thiếu niên sử dụng ma túy bởi sẽ có tác động tiêu cực đến quá trình điều trị và hồi phục của người bệnh.
Chia sẻ tại Hội thảo, anh H. - một người nghiện ma túy từ thời thiếu niên cho biết, có nhiều con đường dẫn đến tình trạng nghiện ma túy đối với thanh thiếu niên nhưng việc quay về lại khá gian nan. Đó là sự dòm ngó, dị nghị của hàng xóm, sự kỳ thị của cộng đồng, thậm chí là sự xa cách của chính những người trong gia đình. Điều này khiến cho thanh thiếu niên “lỡ” sa vào nghiện ma túy mang nặng tâm trạng mặc cảm, khó có thể làm lại cuộc đời, có người trượt dài trong ma túy.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14, nhưng phần lớn đều không được phát hiện hay điều trị. Cụ thể, trầm cảm là rối loạn tinh thần phổ biến thứ ba trong thanh thiếu niên; tự sát là nguyên nhân thứ hai trong nhóm độ tuổi từ 15 đến 29 tuổi; việc sử dụng rượu và ma túy gây hại trong thanh thiếu niên là vấn đề nổi cộm tại nhiều quốc gia và có thể dẫn đến các hành vi nguy cơ như có quan hệ tình dục hoặc điều khiển phương tiện giao thông không an toàn.
Tại Việt Nam, theo báo cáo Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện năm 2018, tỷ lệ trung bình mắc các rối loạn tâm thần của độ tuổi từ 14 đến 18 là 12%; phổ biến nhất là trầm cảm, rối loạn lo âu, cô đơn và tăng động giảm chú ý.
Đinh Hằng
Tags