(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 13/9, nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi Greta Thunberg, biểu tượng đấu tranh chống biến đổi khí hậu của giới trẻ toàn cầu, đã dẫn đầu cuộc tuần hành vì môi trường bên ngoài tòa nhà chính phủ của Mỹ tại Washington.
Phát biểu trong cuộc tuần hành, nữ học sinh 16 tuổi người Thụy Điển đã kêu gọi nền kinh tế số một thế giới và Tổng thống Donald Trump nhanh chóng hành động, đồng thời hối thúc những người tham gia "không bao giờ từ bỏ" việc gây áp lực để loại bỏ những hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Cuộc tuần hành thu hút sự tham gia của hàng trăm người và là khởi đầu của kế hoạch tuần hành vì hòa bình kéo dài 2 tuần tại Mỹ.
Tuy ở Mỹ, Thunberg không được biết đến nhiều như ở châu Âu, nhưng 6 ngày lưu lại Washington sẽ có nhiều hoạt động vinh danh những nỗ lực vì môi trường của cô. Dự kiến, Thunberg sẽ có buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ vào ngày 18/9 tới theo lời mời của phe Dân chủ kiểm soát hạ viện nước này.
- Tuần hành tại nhiều nơi kêu gọi bảo vệ rừng Amazon
- Hàng triệu người xuống đường tuần hành chống mafia trên khắp Italy
Giới chức thành phố New York cũng ủng hộ cuộc tuần hành tiếp theo trong kế hoạch vận động của cô gái trẻ đến từ châu Âu với sự tham gia của học sinh từ 1.700 trường học trong thành phố vào ngày 20/9 tới. Chia sẻ trên Twitter, thị trưởng New York Bill de Blasio khẳng định chính quyền thành phố luôn đồng hành cùng giới trẻ và ủng hộ cuộc tuần hành ngày 20/9.
Ngày càng nhiều người Mỹ coi biến đổi khí hậu như "một cuộc khủng hoảng" và 2/3 người được khảo sát ý kiến cho rằng Tổng thống Trump không hành động nhiều giúp tháo gỡ vấn đề. Theo một kết quả khảo sát mới công bố tại Mỹ, có 80% số người được hỏi cho rằng hoạt động của con người là nguyên nhân chính làm tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến nghiêm trọng hơn và hơn 50% tin rằng cần có hành động khẩn cấp ngay trong thập kỷ tới để khắc phục tình hình.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump đã có những hành động đi ngược lại xu hướng này. Kể từ khi ông Trump lên nắm quyền năm 2017, Nhà Trắng theo đuổi chính sách nới lỏng quản lý trên nhiều lĩnh vực từ ô nhiễm giao thông tới hoạt động của các nhà máy nhiệt điện, khoan dầu... Mỹ cũng đã rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu được các quốc gia ký kết năm 2016.
Greta Thunberg đã trở thành biểu tượng của hành động vì môi trường toàn cầu khi khởi xướng phong trào "Fridays For Future" (Những ngày thứ Sáu vì tương lai) từ năm 2018. Bị chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn phát triển Asperger ở độ tuổi 12, song bệnh tật đã không thể cản bước Thunberg thực hiện ý tưởng bảo vệ môi trường của mình. Từ tháng 8/2018, cô đã bắt đầu ngồi bên ngoài Quốc hội Thụy Điển để kêu gọi các nghị sĩ hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Nhờ sức mạnh của truyền thông, hành động của cô nhanh chóng thu hút sự chú ý và truyền cảm hứng tới các sinh viên trên toàn thế giới. Trong những tháng gần đây, vào thứ Sáu mỗi tuần, hàng nghìn học sinh, sinh viên ở hơn 120 quốc gia trên thế giới lại xuống đường tuần hành, hô vang các khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ hành tinh. Các cuộc tuần hành của giới trẻ nhằm đánh động dư luận thế giới phải có hành động cấp thiết chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường toàn cầu. Đây là lần đầu tiên, giới trẻ trên toàn thế giới đồng loạt xuống đường để bảo vệ tương lai của mình.
Hội nghị Khí hậu trẻ sẽ diễn ra tại trụ sở của LHQ ở New York vào ngày 21/9 tới, theo sau là Hội nghị Hành động vì khí hậu của LHQ diễn ra vào ngày 23/9. Thunberg sẽ hiện diện tại các sự kiện thông qua việc tổ chức tuần hành trên đường phố hoặc trực tiếp ngồi trong phòng họp với các lãnh đạo thế giới để tiếp tục lan tỏa thông điệp bảo vệ khí hậu từ thế hệ trẻ trong những hội nghị này.
Lê Ánh (TTXVN)
Tags