Dường như có hẹn cùng với mùa trăng Trung Thu, hai nhà thơ Ngọc Khương và Trần Thanh Bình vừa cùng ra mắt hai tập thơ thiếu nhi. Tác phẩm được tuyển chọn từ những bài thơ viết cho thiếu nhi ưng ý của những tác giả đang tuổi ông tuổi bà.
Trần Thanh Bình từng sáng tác nhiều tập thơ, nhưng Hát câu đồng dao là tập thơ thiếu nhi đầu tiên của chị. Còn với Ngọc Khương thì khác, hơn 30 năm kể từ ngày xuất bản tập thơ đầu tiên đến nay, ở tuổi ngoài 70, anh vẫn giữ tình yêu với những trang thơ viết cho trẻ nhỏ qua tập Muôn lời thiên nhiên.
Câu đồng dao nhẹ nhàng, sâu lắng
Tập thơ Hát câu đồng dao của Trần Thanh Bình có nhiều bài lấy cảm hứng từ đồng dao, ca dao, những điều gần gũi trong cuộc sống con trẻ. Chính sự giản dị, gần gũi làm nên sự dịu dàng mà sâu lắng trong tập thơ này.
Tập thơ nhỏ được chị chăm chút với những minh họa của họa sĩ Thuần Nhất An, NXB Hội Nhà văn ấn hành. Phần nhiều tác phẩm trong tập thơ này được viết bằng thể thơ bốn chữ, năm chữ, lục bát - là những thể thơ quen thuộc khi viết thơ cho thiếu nhi, hình ảnh, vần điệu khá gần gũi, gợi cảm hứng từ đồng dao, dân ca.
Sự trắc ẩn luôn hiện hữu trong những trái tim bé thơ. Tình thương đến từ những điều bé nhỏ trong cuộc sống này, hình thành những hạt mầm nhân ái lớn lên cùng trẻ nhỏ. Trong "hoạt cảnh" vào lúc trời rét, bà đan cho cháu đôi vớ (tất), bé mang vào ấm chân, thế nhưng, lòng bé âu lo cho em cún: "Bé lại thương cho cún/ Không tất, có lạnh chân?/ Làm sao, làm sao nhỉ?/ À! Lấy rơm bện dần// Đôi tất rơm xinh xắn/ Cún ơi, mau mang vào/ Trời đang vào mùa rét/ Bạn, tớ ấm như nhau…".
Lòng yêu thương con vật trong nhà của một em bé, dịu dàng nhưng hẳn sẽ ghim nhẹ trong lòng độc giả. Và đây, lúc "Em tan học, bước nhịp nhàng thong dong", nhà thơ không tiếp tục miêu tả tâm trạng hân hoan ấy, lại bất ngờ rẽ sang: "Thương cho cái vạc lội sông/ Cái cò bắt tép, nặng lòng nuôi con".
Từ "cái cò, cái vạc cái nông", hoặc "Cái cò đi đón cơn mưa" (ca dao), trang sách nhỏ đã bước ra cuộc đời trong đôi mắt bé. Sự "trái ngược" ấy cũng nhằm tạo nên cảm xúc cho liên tưởng của thơ, thì ra, mình vẫn còn sung sướng lắm, vì ngay sau đó là: "Cơm chiều mẹ sắp dọn ra/ Một ngày hạnh phúc cả nhà cùng vui".
Hoặc tình thương của bé cũng bất ngờ thức dậy khi cầm bút tập viết, gặp mẫu tự ô, không chỉ là "O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ ơ thời thêm râu", mà bé đã biết nghĩ đến: "Mẹ đi mưa nắng dãi dầu/ Ô che râm mát nhịp cầu tháng năm".
Liên tưởng này hoàn toàn hợp lý và cũng "trẻ con" một cách ngộ nghĩnh nữa.
Bên cạnh những bài thơ nhỏ gợi lên tình thương yêu trong trẻ, Trần Thanh Bình khá thành công khi viết những bài thơ về thiên nhiên dành cho trẻ em:
Trong Trò chơi của nắng, thiên nhiên trở thành người bạn trong trẻo trong thế giới bé thơ. Thiên nhiên - nắng thực sự trở thành người bạn, gợi sự nhớ thương khi xa vắng. Chị viết: "Ban ngày, mẹ cõng lên nương/ Ơi bạn nắng cứ vấn vương sân nhà/ Chiều tà, nắng trốn vào hoa/ Đêm về, nắng lại chan hòa sương đêm// Mỗi sớm mai, mặt trời lên/ Nắng quay trở lại nõn mềm nắng tơ/ Em vào lớp học cùng cô/ Ngoài sân, nắng nghịch vẩn vơ nô đùa// Buồn ghê, những lúc trời mưa/ Nắng đi đâu vậy, sao chưa quay về?"
Và thiên nhiên, vẫn luôn là người thầy dịu dàng, gần gũi dạy cho con trẻ những bài học đáng nhớ: "Học dây bầu dây bí/ Quấn quýt chung một giàn/ Học hoa trái thơm thảo/ Đến mùa lại chín vàng".
Cuối cùng, đoạn kết có sức khái quát chung: "Bao nhiêu điều phải học/ Từ thiên nhiên quanh nhà/ Biết nghĩ suy, quan sát/ Bài học sẽ tìm ra"…
Có thể ghi nhận, đây là bài thơ hay khi những thông điệp được lồng vào khéo léo, tự nhiên đến độ bất ngờ. Không hề lên gân, nhẹ nhàng thôi, nhưng tác giả đã thành công khi bất ngờ chuyển từ những chuyện hoa, chuyện quả dễ thương sang thông điệp "học từ thiên nhiên quanh mình". Và thông điệp ấy ở lại trong lòng trẻ thơ.
Qua tập thơ Hát khúc đồng dao, bước đầu tác giả đã có những tìm tòi trong hình ảnh, câu chữ lẫn nhịp đi của các câu thơ. Cần viết dung dị để trẻ em dễ đọc, qua đó, có thể ghi lại trong trí nhớ. Đôi khi những câu chuyện ngắn, giản dị lại có sức bền hơn những "triết lý" dài dòng mà vụn vặt, đã có nhiều người mắc phải, vì họ nghĩ rằng, có như thế mới đạt đến tính giáo dục.
Quả là vậy, có thể dễ dàng nhận thấy ở tập thơ Hát câu đồng dao, ẩn sau sự dịu dàng, nhẹ nhàng là sự sâu lắng, là những thông điệp cuộc sống nhiều ý nghĩa, với không chỉ riêng trẻ em. Nên đây là món quà nhỏ nhiều ý nghĩa nhà thơ dành cho thiếu nhi.
Nhà thơ Lê Minh Quốc (Chủ tịch Hội đồng thơ - Hội Nhà văn TP.HCM) cho rằng mỗi bài thơ tựa như bông hoa xinh xắn. Nếu "mỗi tập thơ là một quá trình nhằm hoàn thiện bản lĩnh thơ", thì Hát câu đồng dao có thể đánh dấu cho bước đường viết thơ cho thiếu nhi của nhà thơ Trần Thanh Bình.
Thiên nhiên trong trẻo của Ngọc Khương
Ngọc Khương quan niệm: "Thơ phải trong sáng, giản dị, chân thật và ngôn ngữ cần đạt tới sự lung linh, huyền ảo". Chính các dòng thơ viết cho thiếu nhi, là cách anh biểu đạt thành công quan niệm ấy của mình. Những tác phẩm thiếu nhi đã in như Cây đàn và bông hồng (1995), Bim Bim và Mướp Vàng (2001), Cò bay giữa phố (2017), Muôn lời thiên nhiên (2023)...
Trong thế giới ban sơ của mỗi đứa trẻ, ngoài việc làm bạn cùng nhau, "làm bạn" với ông bà cha mẹ… còn có cả những người bạn là cỏ cây, muông thú, muôn loài. Từng là người thầy cầm phấn nhiều năm trước khi làm thơ, Ngọc Khương hiểu rõ tâm lý ấy của trẻ, nên anh đã dựng lên một thế giới thiên nhiên rất gần gũi, đáng yêu trng Muôn lời thiên nhiên.
Đó là chú sáo thân thiết với cậu bé, cả hai cùng sẻ chia, bên nhau mỗi ngày, mỗi buổi. Cuộc sống của trẻ trở nên rộn ràng, vui vẻ hơn khi có người bạn chim sáo nhỏ: "Sáng sáng Sáo gọi/ Dậy mau! Dậy mau!/ Nhanh chân đến lớp/ Trễ học rồi nào! // Chiều chiều Sáo nhắc/ Học bài! Học bài!/ Mê chi điện thoại/ Bấm hoài! Bấm hoài!// Chủ nhật Sáo giục/ Tưới cây! Tưới cây!/ Em mang vòi nước/ Làm mưa phun đầy" - trong bài Chú sáo nhà em.
Thiên nhiên song hành trong cuộc sống này. Đừng tưởng chỉ nhà thơ mới làm thơ, chỉ những người yêu thơ mới đến với hội thơ. Trong thế giới thơ Ngọc Khương, có một hội thơ Nguyên tiêu đặc biệt, sinh động: "Chú Vàng cất tiếng gâu gâu/ Khua vang hồi trống, mở đầu hội thơ/ Gà Nâu vừa tỉnh giấc mơ/ Ó ò ó - nắng buông tơ sáng chiều// Vịt Bầu chân bước liêu xiêu/ Đọc thơ tứ tuyệt, bao nhiêu nỗi niềm!/ Mèo Con đôi mắt u huyền/ Ngâm bài lục bát, trăng nghiêng cuối chiều// Chú Khỉ không ngớt leo trèo/ Diễn "tân hình thức" thơ treo lưng trời/ Tiếng thơ như níu lòng người/ Nguyên tiêu, vang vọng muôn lời thiên nhiên" (Ngày hội Nguyên tiêu).
Thiên nhiên trong thơ Ngọc Khương không chỉ là những loài vật gần gũi với thế giới trẻ thơ. Anh còn viết về cảnh sắc quê hương đất nước - một cách giới thiệu cho trẻ em những vẻ đẹp quê mình. Một cách "du lịch qua những vần thơ" dễ đi vào lòng trẻ nhỏ một cách bất ngờ: "Tầng tầng/ Đá đĩa nhấp nhô/ Chênh chao võng biển/ Đung đưa Tuy Hòa" - trong bài Bên tháp Nghinh Phong.
Hoặc trong bài Đá Chồng: "Qua Định Quán / Đá chẳng nằm/ Đứng chồng ba lớp/ Trăng rằm chạm môi…/ Đá như làm xiếc mà chơi/ Để nhiều bạn trẻ/ Bao đời ngác ngơ…/ Hay là đá cũng mộng mơ/ Muốn làm thi sĩ tạc thơ lên trời?".
Và cũng có lúc, bài ca thiên nhiên quê mình dù thật nên thơ nhưng vẫn nặng trĩu nỗi niềm. Đó là khi: "Trăng non/ Từ đáy biển sâu/ Mọc lên giữa sóng bạc đầu/ Lung linh.../ Bao người lính đã hy sinh/ Đảo thiêng xé sóng/ Hóa mình thành trăng" (Trăng Trường Sa).
Hoặc trĩu nặng nỗi buồn khi ánh mắt trẻ thơ thấy vắng cánh cò, vắng mảnh hồn quê. Đây cũng là cách để tác giả nhẹ nhàng lồng vào những thông điệp bảo vệ môi trường không chỉ với con trẻ mà còn thức tỉnh trách nhiệm những người lớn: "Bếp nhà hàng/ Rụi những cánh thơ/ Thương bao chú cò/ Quắt queo chảo lửa!/ Đàn cò trắng/ Bây giờ còn đâu nữa!/ Đồng làng em/ Trống mảnh hồn quê".
Viết về thiên nhiên, kết nối tình yêu thiên nhiên với con trẻ qua những vần thơ nhỏ, đó là cách mà nhà thơ Ngọc Khương đã làm và cho thấy trách nhiệm của một người viết cho thiếu nhi hiện nay.
Tập thơ Muôn lời thiên nhiên gồm 27 bài, viết về thiên nhiên rộng lớn, nhưng hình ảnh hiện ra gần gũi, kề bên cuộc sống mỗi ngày của trẻ em.
Tags