Mặc dù mưa lũ đã gieo nhiều tang thương mất mát với người dân Quảng Ninh song với tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng, từ chính quyền đến người dân đã cùng nhau khắc phục, vượt qua những khó khăn trong mưa lũ. Hiện tại, về cơ bản điện đã được cấp trở lại cho các hộ dân trong vùng ngập lụt.
Đồng sức, đồng lòng, vượt qua mưa lũ
Ngay sau khi mưa lũ rút, các tổ, đội của Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tổ chức thay cách điện của các đường dây và các trạm biến áp, xử lý móng cột, móng néo có nguy cơ bị sạt lở, thay thế các đoạn dây điện bị xơ, tướp quá tiêu chuẩn, cắt nguồn, thay tuyến tổ chức cấp điện...
Đồng thời, yêu cầu toàn thể cán bộ, công nhân ngành điện đề cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm mệnh lệnh sản xuất, quy trình, quy phạm, nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai.
Công tác xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ được tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Các sở, ban, ngành, UBND các địa phương bị lũ cùng các hội, đoàn thể, đơn vị công an, quân đội và đơn vị làm dịch vụ vệ sinh môi trường phối hợp với nhân dân đồng loạt ra quân với phương tiện hiện có, khẩn trương tổng vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải, quét dọn đường phố, các khu vực dân cư; đặc biệt là các khu vực bị ngập úng... đảm bảo nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó.
Công ty Cổ phần môi trường và đô thị Quảng Ninh huy động gần 1.000 công nhân lao động tăng ca, tăng giờ làm việc để thu gom rác thải. Sở Y tế Quảng Ninh chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng triển khai kiểm tra, hướng dẫn nhân dân tiêu độc khử trùng và vệ sinh môi trường.
UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành liên tiếp các chỉ thị, đốc thúc các ngành chức năng, đồng thời lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã có mặt, chỉ đạo sâu sát việc xử lý tuyến ống D800 Nhà máy nước Diễn Vọng, phường Quang Hanh (thành phố Cẩm Phả) bị vỡ do mưa lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cán bộ nhà máy nước phải xử lỹ nhanh khẩn trương để có nước phục vụ người dân trước ngày 6/8.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương bị thiệt hại do lũ đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ dân còn bị cô lập, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, đảm bảo không để người dân bị đói, khát.
Đối mặt với khó khăn
Tuy đã nỗ lực hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất nhưng mưa lũ đi qua để lại những hậu quả nặng nề cả về người và tài sản. Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, đã có 17 người bị chết do mưa lũ, 28 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, gần 6.000 ngôi nhà bị ngập lụt; hàng nghìn hécta lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thuỷ sản chìm trong nước; nhiều hầm lò bị ngập, trôi than. Thiệt hại về tài sản khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó riêng ngành than thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Lê Minh Chuẩn, trận mưa lũ lịch sử lũ đã gây tổn thất nặng nề cho ngành Than, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của khoảng 12 vạn thợ mỏ; gián đoạn cung cấp than cho các hộ tiêu thụ. Nhiều khai trường phải mất vài ba tháng mới khôi khôi phục được sản xuất như Công ty than Mông Dương.
Hiện tại, UBND Quảng Ninh đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ 100 tấn gạo để đảm bảo lương thực chống đói cho người dân, 2 xuồng cao tốc, 50 nhà bạt và trước mắt là 100 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp hệ thống giao thông huyết mạch.
Đồng thời hỗ trợ nguồn lực để phục vụ di dân hoàn toàn đến nơi ở mới cho 27 hộ dân tại Bản Sen (Vân Đồn), 29 hộ dân ở Mông Dương (Cẩm Phả), hơn 200 hộ dân chân bãi thải Đông Cao Sơn.
Trước mắt, tỉnh đã trích ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng để hỗ trợ 3 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn; bước đầu hỗ trợ 50 triệu đồng với mỗi nhà bị sập hoàn toàn; hỗ trợ mỗi gia đình có người bị chết 6 triệu đồng/người bị chết, 3 triệu đồng/người bị thương; tiếp cận hỗ trợ cho các hộ dân khu vực ngập úng.
Chung tay, góp sức giúp đỡ người dân Quảng Ninh
Trong ngày 31/7, trực tiếp nhiều lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đã xuống tận hiện trường thăm hỏi động viên chia buồn những gia đình bị thiệt hại về người và tài sản.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Ninh tuyệt đối không được để người dân đói, khát sau sự cố mưa lũ vừa qua; cần tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ; huy động các lực lượng sửa chữa nhà cho dân; tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi nhân dân.
Cùng với đó, theo dõi diễn biến thời tiết để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra tình huống mới. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính tập hợp các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, sớm trình Chính phủ giải quyết kịp thời; trong đó, tập trung giải quyết vấn đề hạ tầng mà tỉnh Quảng Ninh đề nghị.
Trước đó, từ chiều ngày 29/7, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã kêu gọi những tấm lòng nghĩa tình, các tổ chức, đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ nhân dân khắc phục hậu quả do đợt mưa kéo dài trên địa bàn.
Tính đến sáng 1/8, đã có rất nhiều đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm, các tỉnh, thành phố trên cả nước chung tay cứu trợ, hỗ trợ thiết thực cho người dân Quảng Ninh. Hiện đã có trên 175 tổ chức, đơn vị đăng ký ủng hộ với số tiền trên 51 tỷ đồng.
Mưa lũ sẽ qua đi, những người dân vùng than đang nắm chặt tay nhau, đoàn kết một lòng, phát huy mạnh mẽ tinh thần anh dũng bất khuất, tiếp tục đứng dậy, vượt qua gian khó, nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng (TTXVN)
Tags