Năm 2003, Joyce Meng, khi ấy là một thiếu nữ 16 tuổi đến từ Virginia (Mỹ), lọt vào chung kết một cuộc thi quốc gia có tên “Trẻ em tranh biện triết học”. Cô bé đưa ra một lập luận mà có lẽ nhiều người thực dụng sẽ tán đồng: “Danh tiếng là điều cần thiết để hoàn thiện bản thân, và là con đường dẫn đến ý nghĩa của cuộc sống”.
1. Lịch sử không bao giờ nhớ rằng ai đã về nhì, Meng tin rằng chỉ có chiến thắng mới thực sự đáng nhớ, và đem lại hạnh phúc. Bây giờ, khi Meng đã ngoài 30 tuổi, bạn thử đoán xem cô đang sống như thế nào? Giờ đây, cô chấp nhận một cuộc sống không kèn trống, làm việc trong lĩnh vực thương mại và phát triển quốc tế. Meng không cần phải chiến thắng ai cả. Cô sáng lập Givology, một doanh nghiệp xã hội do 100% các tình nguyện viên điều hành, kết nối tài trợ với các dự án giáo dục và cấp học bổng cho các sinh viên trên khắp thế giới. Bây giờ, ý nghĩa sống của Meng là góp phần tạo ra một nền giáo dục tốt hơn.
Câu chuyện nhỏ này được viết trong một tiểu luận triết học có tên “công thức thành công” của triết gia người Anh gốc Ý Julian Baggini. Ông đặt ra vấn đề rằng liệu thành công là kiếm tìm sự thừa nhận từ những người xung quanh, hay là một cảm giác từ bên trong?
Với kiểu sống thứ hai, Baggini kể về đạo đức làm việc của các shokunin (bậc thầy) Nhật Bản: Một nghệ nhân thực thụ là người hoàn toàn chuyên tâm vào việc hoàn thiện tay nghề của họ, dù đó là nấu ăn hay thư pháp, làm mộc hoặc dệt vải. Danh dự chỉ đơn giản đến từ sự hết lòng ấy, không phải từ sự công nhận từ bên ngoài. Một cách ngẫu nhiên, cách làm việc này cũng dẫn đến sự thừa nhận: Các bậc thầy đầu bếp Nhật Bản đã nổi tiếng khắp thế giới về chất lượng tay nghề của họ, và Tokyo là nơi có nhiều nhà hàng nhận sao Michelin bậc nhất thế giới.
2. Không dễ dàng để trả lời một băn khoăn kiểu này, nhất là khi bạn đang ở trung tâm của sự chú ý. Một thời gian dài vừa qua, chuyện đi hay ở của Quang Hải được nhắc chủ yếu dưới lăng kính của cách sống thứ nhất: Tìm kiếm sự thừa nhận của công chúng. Anh đã là cầu thủ số một Việt Nam, nằm trong tốp đầu Đông Nam Á, và giờ anh cần đi tìm sự thừa nhận ở nước ngoài.
Không gì phù hợp hơn châu Âu, nơi được xem là trung tâm của bóng đá thế giới.Với cách sống thứ nhất này, chúng ta chỉ có một kiểu đánh giá, hoặc là thành, hai là bại. Một cầu thủ Việt Nam không tìm kiếm được danh tiếng ở một môi trường mới đơn giản lại là con số 0.
Điều này đã xảy ra với Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh, Đoàn Văn Hậu… những người ưu tú nhất. Họ đã cố gắng ra nước ngoài thi đấu, và trong con mắt những ai quan niệm rằng đấy chỉ là hành trình của một người đang cố gắng làm mọi thứ để tìm sự công nhận thêm từ bên ngoài, đấy hẳn là những thất bại thê thảm.
Nhưng tôi thích cách suy nghĩ thứ hai hơn. Kể từ thời điểm này, Hải tạm khước từ sự thừa nhận từ bên ngoài: Công chúng sẽ không nhìn thấy anh ra sân thường xuyên như ở V-League trước đây; Hải không còn là ngôi sao không thể động đến; truyền thông và dư luận trong nước sẽ theo sát anh từng bước trong những ngày đầu, nhưng rồi sự chú ý sẽ không còn như ban đầu. Quang Hải ngôi sao ở Việt Nam sẽ lại là con số 0 ở châu Âu, dấn thân vào một chương không còn sự thoải mái và thuận buồm xuôi gió.
3. Nhưng bỏ qua câu chuyện thành bại, chúng ta sẽ hiểu rằng việc này, trong bối cảnh nào đi nữa, luôn luôn có ý nghĩa. Hải “con” sẽ tiếp tục thử thách chính bản thân anh, cũng như cố gắng xóa bỏ những định kiến về cầu thủ châu Á ở nước ngoài. Anh không chỉ phải chinh phục môi trường mới về chuyên môn, mà còn về cách sống. Anh không phải người đầu tiên, và cũng không phải là người cuối cùng kiếm tìm những câu trả lời kiểu này.
Bạn có thể nghĩ về hành trình này theo cách đó, để hiểu thêm những việc làm nhìn qua có thể là “vô ích” ở thời điểm này (lại thêm một cầu thủ Việt Nam nữa cố sang châu Âu để chuốc lấy thất bại ê chề?). Có thể, sự thừa nhận từ bên ngoài sẽ chưa được ưng ý, nhưng với một cuộc kiếm tìm khác, Quang Hải không thể ra về trắng tay. Bên trong anh, ắt hẳn phải có một câu trả lời, dù chuyến đi này thành hay bại.
Phạm An
Tags