(Thethaovanhoa.vn) - Cuối năm 2013, danh hài Phạm Chí Trung, Phó Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ, nhận được một lời đề nghị từ ông bầu Đỗ Quang Hiển: Trở thành Chủ tịch Hội CĐV CLB bóng đá Hà Nội.T&T, khi đó đang là ĐKVĐ V-League.
1. Khuôn mặt hồ hởi, nụ cười dang rộng, Chí Trung vẫn không chưa quên được niềm vui khi kể về cái ngày trở thành Hội trưởng Hội CĐV Hà Nội.T&T. Cái khoảnh khắc ông Hiển nói điều đó với Chí Trung, cái khoảnh khắc “ngay khi anh nhìn tôi, tôi đã hiểu anh định nói gì” là giây phút mà Chí Trung không bao giờ quên được.
Anh xúc động: “Tôi rất yêu bóng đá, nhất là bóng đá đẹp. Bao năm qua, tôi vẫn giữ cho mình một trái tim nguyên sơ như vậy cả với bóng đá Hà Nội nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Tôi sinh sống, làm ăn và hưởng lợi từ mảnh đất này. Tôi phải bảo vệ, phải yêu thương nó. Thể thao và bóng đá là một trong những niềm yêu thương của tôi”.
Vậy là Chí Trung - danh hài, trở thành Chí Trung - Hội trưởng Hội cổ động viên. Đã quen chinh phục nụ cười của công chúng, giờ anh đối mặt với một nhiệm vụ còn khó khăn gấp bội: Chinh phục tình yêu của họ.
“Táo giao thông” đã hành động và quả thật đã làm được không ít. Anh trực tiếp có mặt tại sân Hàng Đẫy trong tất cả mọi trận đấu của đội nhà, đích thân dẫn các CĐV vào sân từ cửa 10 miễn phí. Anh đề ra sáng kiến tích hợp thẻ “3 trong 1” (làm thẻ CĐV Hà Nội.T&T, bạn có thẻ ngân hàng SHB và thẻ giảm 50% giá vé vào nhà hát Tuổi trẻ). Chí Trung cũng vạch ra bản kế hoạch đưa Hà Nội.T&T tới các trường học đầy tham vọng. Hơn một năm trời, anh và nhóm nòng cốt làm việc cật lực.
Những kết quả đầu tiên đã hiển hiện. Số lượng CĐV tới Hàng Đẫy trong mùa bóng 2014 đã tăng nhẹ. Chủ tịch CLB Nguyễn Quốc Hội thừa nhận: “Tình hình có vẻ tốt hơn.”
Cơ sở ấy là bàn đạp rất tốt cho Chí Trung và Hà Nội.T&T hướng tới V-League 2015. Chúng ta đều biết Hà Nội.T&T sở hữu những nền tảng rất tốt để kéo người xem tới sân: Một đội bóng mạnh, có lối chơi đẹp, đoạt nhiều danh hiệu; đội hình có nhiều tuyển thủ quốc gia, có nhiều cầu thủ trưởng thành từ Hà Nội và các vùng phụ cận; có một cơ cấu tài chính ổn định, dành nhiều ưu tiên cho cầu thủ trẻ; vị trí nằm ngay giữa Thủ đô, sở hữu sân vận động đẹp nhất nhì cả nước. Nói như ông Hội, “Hà Nội.T&T chỉ còn mỗi một vấn đề là CĐV”.
2. Nhưng vấn đề duy nhất ấy cũng là vấn đề lớn nhất của đội bóng này. Ở vòng 1 V-League 2015, khi Hà Nội.T&T bị đối thủ dưới cơ ĐT.Long An cầm hòa, sân Hàng Đẫy có một ngày buồn với chỉ hơn 1.500 người xem.
Ở chiều ngược lại, 13.000 khán giả có mặt tại Pleiku, 12.000 người tới xem SLNA, trái hẳn với không khí èo uột ở sân nhà của đội bóng á quân V-League. Sau những ngày tháng vui ngắn ngủi, Hội CĐV Hà Nội.T&T lại phải đối mặt với thử thách.
Tại sao họ luôn là đội bóng có lượng CĐV ít nhất Việt Nam?
Chí Trung cay đắng thừa nhận: “Thực tế là không nhiều “fan” Hà Nội quan tâm tới bóng đá lắm. Họ có quá nhiều thứ để chơi, để xem, nhất là khi giải Tây Ban Nha, giải Anh tràn ngập truyền hình. Đa phần mọi người được xem nó miễn phí nên họ rất ngại ra sân. Còn hơn nữa, mọi người cũng ngại tiêu cực. Bóng đá Việt Nam có lý do để người ta từ chối niềm đam mê của chính mình”.
Nhưng “có quá nhiều thứ để chơi” có phải lý do duy nhất khiến CĐV quay lưng với đội bóng. Chúng ta biết rằng Quảng Ninh, Hải Phòng hay Thanh Hóa đều là những tỉnh hoặc thành phố lớn. CĐV ở đó có quay lưng với đội bóng quê hương không?
Danh hài Chí Trung (trái) hiện là Chủ tịch đương nhiệm của Hội CĐV Hà Nội.T&T. Ảnh: Thanh Hà
Bóng đá chính là cuộc sống. Xem bóng đá nghĩa là xem một niềm tự hào của quê hương, của vùng miền. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao một cô em gái không phân biệt nổi bóng đá và bóng bầu dục vẫn gào lên mỗi khi đội tuyển Việt Nam ra trận, vẫn ôm gối khóc tại kỳ AFF Cup vừa qua?
Là bởi cô em gái ấy không chỉ xem bóng đá, cô đang xem tinh thần Việt Nam được thể hiện trên sân cỏ. Bạn tưởng cô bé đang xem bóng đá, nhưng thực tế cô bé đang thể hiện tình yêu và niềm tự tôn dân tộc của chính mình.
Sự tự tôn “vùng miền” ấy, cái cảm giác “họ là người của chúng ta” hình như không tồn tại với CĐV Hà Nội. Chí Trung thừa nhận: “Người Hà Nội giờ không hoàn toàn là người Hà Nội gốc mà còn rất nhiều anh, chị, bạn, nam, nữ thanh niên sinh hoạt, học hành ở Hà Nội cũng được coi là người Hà Nội. Màu máu của người Hà Nội cũng đã được pha đi nhiều lần. Nó cũng nhờ nhờ đi rất nhiều”.
Vì họ không phải là người Hà Nội. Họ không cảm thấy niềm tự hào về Hà Nội. Vì họ không mang trong mình dòng máu Tràng An, họ không cảm thấy những cầu thủ Hà Nội là người cùng phe với mình.
Người viết bài này đã từng chứng kiến không ít CĐV Hà Nội.T&T thay áo cổ vũ SLNA hoặc Than Quảng Ninh trong những chuyến làm khách của các đội bóng này tới Hàng Đẫy. Những CĐV ấy sinh sống ở Hà Nội nhưng sinh ra ở những miền quê kia. Họ thực sự cảm thấy những cầu thủ kia là “người của mình”. Không phải họ không cổ vũ bóng đá Hà Nội, họ chỉ đang chọn cổ vũ cho quê hương và niềm tự hào của chính mình.
Cái niềm tự hào ấy, thứ bản sắc thiêng liêng ấy lại chính là điều mà Hà Nội.T&T còn thiếu. Đố bạn đếm được trong nửa thập niên trở lại đây, đã có bao nhiêu CLB bóng đá tồn tại và phát triển ở Thủ đô?
Hà Nội.ACB, Hòa Phát.Hà Nội, Hà Nội.T&T, CLB BĐ Hà Nội, Viettel, Công an nhân dân... Chọn được một tình yêu, một niềm tự hào từ gần chục cái tên ấy, hẳn là không dễ dàng.
3. Chúng tôi đã nói rất nhiều về bản sắc và niềm tự hào quê hương. Đó cũng là điều mà Hà Nội.T&T còn thiếu. Ở Hà Nội bây giờ, không một đội bóng nào còn giữ được bản sắc ấy, kể cả Viettel, vẫn được coi là hậu duệ đích thực của Thể Công huyền thoại.
Cánh mũi nở phừng phừng, Chí Trung khẳng định: “Đừng đổ cho bạn yêu Thể Công nên bạn không thể yêu được ai khác. Tôi khẳng định rằng nếu Thể Công mà có sống dậy thì cũng khác xưa nhiều lắm rồi. Họ cũng phải sống trong thời kim tiền này. Thể Công trong sáng ngày xưa không còn đâu mà đi hoài vọng.
Đừng ăn mày dĩ vãng như thế. Với tất cả những người hâm mộ nghĩ như vậy, tôi không nghĩ họ đang sống bằng tình yêu của họ. Đấy chỉ là ngụy biện thôi”.
Bản sắc ấy là điều sẽ phải xây dựng trong qua một quá trình lịch sử dài. Ông Hội thừa nhận: “Đội bóng thu hút được CĐV phải là đội bóng có truyền thống, có lối chơi cống hiến, mang bản sắc riêng. Hà Nội.T&T đang nỗ lực để duy trì bản sắc ấy. Với những cố gắng ấy, qua từng năm tháng, chúng tôi hy vọng CĐV trẻ sẽ tới sân”.
Thời gian, rất nhiều thời gian, đó là điều duy nhất Chí Trung và Hội CĐV Hà Nội.T&T cần có vào lúc này. Họ sẽ còn phải trải qua những trận cầu trống vắng, sẽ tiếp tục đối mặt với câu hỏi to tướng đặt trên những khán đài lạnh ngắt. Nhưng họ phải kiên trì. Vì đường đi sẽ còn rất dài.
Đón đọc “Kỳ 3: Nghịch lý đào tạo trẻ” trên Thể thao & Văn hóa số ra ngày mai, 16/1.
Dù ở đâu, vấn đề cũng là tiền Ở bất kỳ sân vận động nào, dù đông dù vắng tại Việt Nam, vấn đề tài chính luôn khiến các Hội CĐV đau đầu. Chí Trung rầu rĩ: “Để xây dựng Hội CĐV lớn mạnh, chúng tôi cần có thời gian và những sự hỗ trợ của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển. Hiện, Hà Nội.T&T đang cần 10.000 áo CĐV để phát. Nhưng vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Đương nhiên, CĐV phải tự bỏ tiền ra đóng góp là đúng. Nhưng nhiều khi, chính chúng ta mới là những đơn vị đầu tiên phải đầu tư ban đầu chứ không thể khác được. Chúng tôi cũng có thể tổ chức offline cho Hội CĐV, đi chơi xa hay nhiều hình thức khác nữa nhưng vẫn phải có kinh phí. Với tư cách Chủ tịch Hội CĐV, tôi phải thừa nhận hoạt động hiện tại này chưa đạt được hiệu quả cao. Phần khó khăn thứ hai là truyền thông. Nó đòi hỏi chúng tôi phải bỏ ra nhiều thời gian. Trong khi đó, tôi vẫn còn việc ở nhà hát, đóng phim, làm truyền hình, không thể toàn tâm toàn ý được cho Hà Nội.T&T. Điều quan trọng nhất là khâu truyền thông phải đốt cháy mọi người lên. Chẳng lẽ tôi lại phải tới từng nhà để kéo mọi người đến sân à”. |
Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa
Tags