Theo tin từ UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 22/5 đến hết ngày 31/12/2024, UBND thành phố ủy quyền cho UBND cấp huyện thực hiện việc quyết định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, tính thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; quyết định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân; Quyết định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng.
UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố Hà Nội trong phạm vi các quyền và trách nhiệm được ủy quyền. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc hoặc nội dung vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo, đề xuất thành phố (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) xem xét, chỉ đạo.
Đặc biệt, UBND cấp huyện có trách nhiệm kiện toàn Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và các nội dung khác có liên quan (nếu có), chỉ đạo các phòng: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính - Kế hoạch và các phòng, ban có liên quan tổ chức thực hiện. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền; báo cáo UBND thành phố (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) kết quả thực hiện việc ủy quyền định kỳ (3 tháng) hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, UBND cấp huyện có trách nhiệm phối hợp khi thực hiện công tác xác định giá đất cụ thể đối với các dự án được triển khai trên địa bàn nhiều quận, huyện, thị xã và các dự án tại vị trí giáp ranh. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND cấp huyện về quy trình, trình tự và triển khai thực hiện nội dung được ủy quyền theo quy định pháp luật. Trước ngày 10/12/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng các sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức sơ kết đánh giá kết quả công tác ủy quyền, báo cáo UBND thành phố xem xét việc tiếp tục ủy quyền làm cơ sở tổ chức thực hiện cho thời gian tiếp theo.
Sở Tài chính Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND cấp huyện về việc áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất; tổng hợp, rà soát các nội dung liên quan đến hệ số điều chỉnh giá đất, báo cáo đề xuất UBND thành phố xem xét, chỉ đạo.
Đối với các hồ sơ do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang thụ lý trước ngày 22/5/2024, trường hợp đã trình UBND thành phố quyết định giá đất cụ thể thì tiếp tục thực hiện; trường hợp chưa trình UBND thành phố quyết định giá đất cụ thể thì thực hiện bàn giao hồ sơ để UBND cấp huyện tổ chức thực hiện quyết định giá đất cụ thể theo trình tự, thủ tục quy định.
Cũng theo UBND thành phố Hà Nội, thành phố vừa công bố danh mục dự án thu hút đầu tư đợt 1 năm 2024, bao gồm 36 dự án trong các lĩnh vực: Hạ tầng, giao thông, xử lý nước thải, rác thải, khu đô thị, trung tâm mua sắm, chợ đầu mối, khách sạn, công viên vui chơi giải trí…
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đề xuất, triển khai các thủ tục theo quy định của pháp luật liên quan để tổ chức thẩm định, trình phê duyệt chủ trương đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; chủ trì cập nhật tình hình thực hiện, rà soát đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư; triển khai các nhiệm vụ về thành lập Tổ công tác thúc đẩy thu hút, hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện các dự án trọng điểm.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, trong số 36 dự án thu hút đầu tư đợt 1 này có 16 dự án xây dựng khu đô thị mới, nhà ở xã hội với tổng mức đầu tư khoảng 117.330 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ nay đến năm 2033.
Tại huyện Đông Anh có 7 dự án (4 khu đô thị mới và 3 nhà ở xã hội). Trong đó, 4 khu đô thị gồm: G3 (xã Kim Chung và Đại Mạch), quy mô 79,9ha; G13 (xã Mai Lâm và Đông Hội), quy mô 44,2ha; G8 (xã Kim Nỗ và Kim Chung) quy mô 46,6ha; G17 (xã Nam Hồng) quy mô 20,6ha. 3 dự án ở xã hội: Star City Tiên Dương (xã Tiên Dương) quy mô 44,72ha; Thành phố kết nối xanh Greenlink City quy mô 39,5ha; Green Home City (xã Đại Mạch - Đông Anh và xã Tiền Phong - Mê Linh) quy mô 81ha.
Tại huyện Thanh Trì có 3 dự án: Khu đô thị mới xã Liên Ninh quy mô 30,1ha; Khu đô thị C3-1 xã Đại Áng, quy mô 27,4ha; khu đô thị mới Hữu Hòa quy mô 137,7ha. Huyện Mê Linh cũng có 2 dự án: Khu đô thị mới Mê Linh và Đại Thịnh, quy mô 40,6ha và 33,4ha.
Tại huyện Đan Phượng, có 2 dự án: Khu đô thị chức năng Thượng Cát (gần 139ha) và Khu đô thị mới Đan Phượng (128ha). Tại huyện Gia Lâm, có 1 dự án Nhà ở xã hội Green Innovation City, quy mô 38.22ha. Tại quận Bắc Từ Liêm có 1 dự án nhà ở xã hội quy mô 3,04ha.
Cũng trong đợt này, Hà Nội kêu gọi đầu tư 1 dự án khách sạn 5 sao (địa chỉ số 18 Cao Bá Quát), diện tích 3.366m2, mức đầu tư dự kiến 414 tỉ đồng; 1 dự án Công viên giải trí tại khu đất 142ha (quận Long Biên). Hà Nội cũng tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc…
Được biết, UBND thành phố Hà Nội cũng vừa quyết định bổ sung danh mục kế hoạch sử dụng đất 8 dự án với tổng diện tích 5,0117ha (Văn bản 1995 ký ngày 15/4/2024). Đáng chú ý, trong đó có các dự án xây dựng trường tiểu học và trường mầm non tại ô đất TH3 và NT3 Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm. Khu ô đất xây trường có diện tích 1,084ha tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), thời gian thực hiện trong quý 1/2026.
Tại quận Thanh Xuân, UBND thành phố Hà Nội cũng điều chỉnh chức năng khu đất 1,26ha để xây trường học ở phường Khương Đình (Văn bản số 2480 ngày 9/5/2024 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 tại một phần ô quy hoạch C2-CQ2 tại phường Khương Đình).
Mục tiêu của việc điều chỉnh là làm cơ sở nghiên cứu lập quy hoạch tổng mặt bằng, dự án đầu tư xây dựng "Cải tạo nâng cấp Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Khương Hạ" và là cơ sở để các cấp chính quyền thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
Thành phố yêu cầu không gian kiến trúc cảnh quan khu đất trường học phải hài hòa với cảnh quan chung khu vực, phù hợp với tính chất sử dụng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, môi trường giáo dục, phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến, hiện đại.
Tags