(Thethaovanhoa.vn) - Ý tưởng đục thông 127 gầm cầu cổ của Hà Nội đang được các chuyên gia đón nhận và góp ý rất hào hứng.
- Đô thị cần những phố đi bộ 'có hồn'
- Chuyên gia 'hiến kế' cho phố đi bộ Hà Nội
- Hà Nội sẽ có thêm 9 tuyến phố đi bộ
Trước đó, theo thông tin từ Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung, 127 vòm cầu cạn đường sắt chạy dọc từ phố Phùng Hưng tới ga Long Biên sẽ được nghiên cứu đục thông để sử dụng cho mục đích giao thông và văn hóa.
Phải quy hoạch làm phố đi bộ
Những vòm cầu này tạo thành từ các trụ móng cầu cạn đường sắt do người Pháp xây dựng bằng đá hộc vào hơn 100 năm trước. Hiện tại, ngoài 4 vòm cầu vẫn được giữ làm đường giao thông,127 vòm còn lại đã bị bịt kín bằng xi măng.
Theo nhà văn, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến, người Pháp khi xây dựng các vòm cầu này cũng đã tính tới việc tạo sự thông thoáng, thuận tiên lưu thông ở trục phố dọc đường tàu. Tuy nhiên, nhiều năm sau, đa phần các vòm cầu này trở thành nơi sinh hoạt, cư trú khá phức tạp của nhiều đối tượng.
"Tệ nạn mại dâm, xì ke cũng có nhưng thật ra không nhiều. Chủ yếu, các vòm cầu được sử dụng làm nơi cư ngụ của người ăn xin, người lang thang, hoặc các hộ gia đình sơ tán trong chiến tranh" – anh kể.
Theo nhà văn, các vòm cầu này được lấp dần bằng xi măng từ cuối thập niên 1990. Đó là thời điểm Hà Nội muốn dẹp bỏ dần những khu vực nhếch nhác, mất an ninh tại thành phố.
"Bây giờ, khi đô thị phát triển ở mức cao hơn, việc chúng ta mở lại những vòm cầu đã bị bịt kín là hợp lý. Đó là ý tưởng cần trân trọng khi biến một không gian bị lãng quên, bị sử dụng bừa bãi thành không gian văn hóa" – KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội) nhận xét.
Trao đổi với TT&VH (TTXVN), nhiều chuyên gia cũng có sự hào hứng như KTS Trần Huy Ánh khi nhắc tới việc khai thác công năng văn hóa của kiến trúc này. Và, bên cạnh việc ủng hộ ý tưởng đục thông vòm cầu là lời khẳng định chung: khu vực này cần phải quy hoạch thành phố đi bộ.
"Lòng đường cạnh vòm cầu khá hẹp, đặc biệt, đoạn qua Phùng Hưng lại là trục giao thông chính" – KTS Hoàng Thúc Hào nhận xét. "Chỉ khi thiết lập phố đi bộ, du khách mới dễ tiếp cận với các vòm cầu được biến thành cửa hàng, không gian công cộng... "
Đặc biệt, theo KTS Lại Thành Tín, việc đục thông các vòm cầu và tổ chức đi bộ nên được ưu tiên làm trước ở khu vực phố Gầm Cầu, với chiều dài hơn 500 mét. Đoạn còn lại dọc phố Phùng Hưng (dài khoảng 800 mét) có thể xem xét làm sau vì có mật độ giao thông cao, không dễ cấm xe
"Phố Gầm Cầu nằm trong khu phố cổ, rất phù hợp để chuyển thành phố đi bộ. Việc cấm xe nên được triển khai ở phần lớn thời gian, trừ một vài tiếng trong ngày cho phép xe cơ giới lưu thông để vận chuyển các mặt hằng" – KTS Tín nói.
Đừng sợ...nghe tiếng tàu hỏa
Có chiều cao dao động từ 2 – 6 mét, những vòm cầu này được thiết kế với độ rộng tương đương nhau (khoảng 16 mét vuông sàn cho mỗi vòm cầu). Theo thời gian, các lớp đá hộc tại vòm cầu đã bạc màu và mang lại cho kiến trúc này một vẻ xưa cũ. Do vậy, theo các KTS, sau khi đục thông, các phương án về chất liệu thiết kế, màu sắc, chiếu sáng.... ở những vòm cầu này cũng cần được tính toán kĩ khi khai thác.
"Đây là kiến trúc có tính lịch sử, văn hóa cao" – KTS Trần Huy Ánh nói. "Chúng ta đừng chỉ chỉ khen vòm cầu đẹp mà quên rằng trong cả trăm năm tồn tại, kiến trúc này cũng là một nhân chứng lịch sử của Hà Nội với bao câu chuyện về sinh hoạt thời Pháp thuộc, về những người vô gia cư thời chống Mỹ, về những gia đình chạy lụt từ bãi Phúc Xá ghé vào đây..."
Đặc biệt, theo KTS Lại Thành Tín, bên cạnh chức năng giao thông hoặc làm không gian công cộng, việc tổ chức quầy kinh doanh tại những vòm cầu cần được ưu tiên.
"Nếu quá ưu tiên sử dụng làm không gian công cộng, chúng ta sẽ lại phải trông đợi vào ngân sách để giữ an ninh, dọn dẹp vệ sinh" – KTS Tín nói. "Trong khi đó, biến vòm cầu thành cửa hàng, các chủ kinh doanh sẽ tự có ý thức nâng niu, bảo vệ không gian này. Đồng thời, phần tiền thuê sẽ được sử dụng vào các mục đích giữ vệ sinh, đảm bảo an ninh... và làm bớt gánh nặng của thành phố".
Tín, như lời kể, đã từng nhiều lần "lê la" ăn lẩu hoặc lòng nướng tại khu vực phố Gầm Cầu. Theo lời anh, tiếng động do các đoàn tàu hỏa chạy qua cũng không phải là yếu tố ảnh hưởng lớn tới du khách.
"Thực tế thì mọi người vẫn ăn uống, vẫn nói chuyện rất vui vẻ. Họ chấp nhận tiếng tầu hỏa ở khu vực đặc thù ấy. Thậm chí, nếu lãng mạn hóa, chúng ta có thể coi đó là một nét văn hóa riêng của phố Gầm Cầu" – anh nói. "Tôi nghĩ, điều cần làm là việc tìm biện pháp để ngành đường sắt động viên du khách không vứt rác, xả thải bừa bãi khi đi qua khu vực này. Hợp lý nhất, từ kinh phí cho thuê các vòm cầu, chúng ta có thể trích sử dụng vào việc đảm bảo vệ sinh ở đoạn đường sắt phía trên"...
Nên tính toán kĩ về kết cấu chịu lực Theo KTS Trần Huy Ánh, dù được thiết kế dạng rỗng khi xây dựng, đoạn cầu cạn gắn với 127 vòm cầu đã xuống cấp dần trong hơn trăm năm tồn tại. Thêm vào đó, theo thời gian, tải trọng của các đoàn tàu đã tăng lên nhiều so với thế kỉ trước. Do vậy, việc đục thông vòm cầu cần được nghiên cứu khả năng chịu lực và gia cố nếu cần thiết. |
Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa
Tags