(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Theo đó, trong vòng 18 tháng, bản quy hoạch về Văn Miếu cần được hoàn thành, với mục tiêu bảo tồn và phát huy trọn vẹn giá trị của di tích này.
Khái niệm về Văn Miếu, “trường đại học” đầu tiên của Việt Nam – không hề xa lạ với bất cứ ai. Nhưng, những thăng trầm của di tích này lại là một câu chuyện dài.
Khá trùng hợp, tính đến thời điểm nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, Văn Miếu đã lần lượt đi qua những cột mốc gắn với lịch sử tồn tại của mình trong 120 năm, 80 năm và 20 năm trước.
Được cho là hình thành từ thời Lý (thế kỷ XI) nhưng đến thời Pháp thuộc, không gian của Văn Miếu chỉ giới hạn bên trong những bức tường bao quanh. Phải đến năm 1899, thống sứ Bắc Kỳ đã kí quyết định để mở rộng không gian Văn Miếu trong phạm vi một vùng đất 4 cạnh, với các con đường mà nay là Nguyễn Thái Học, Quốc Tử Giám, Tôn Đức Thắng… như hiện tại.
Mở rộng không gian nhưng vô tình quyết định này lại không nhắc tới khu vực Hồ Văn – vốn là một phần gắn bó với không gian chung của Văn Miếu trong lịch sử. Để rồi, sau khi bị tách ra (do mở đường), vào, năm 1939, các quan lại và thân hào địa phương đã gửi đơn yêu cầu Hội đồng nhân dân thành phố trả lại khu vực Hồ Văn cho Văn Miếu và được chấp nhận vào một năm sau.
Chưa hết, trong dòng chảy của lịch sử tiếp sau đó, có một giai đoạn dài, khu vực Hồ Văn lại bị… cắt ra khỏi không gian chung của Văn Miếu và giao cho chính quyền quận Đống Đa quản lý trong vai trò của một khu vui chơi công cộng. Phải tới năm 1999, tức là cách đây tròn 20 năm, trong đợt chỉnh trang lớn tại Văn Miếu, phần diện tích Hồ Văn một lần nữa mới được chuyển giao cho ban quản lý của khu di tích này.
Nhắc lại những cột mốc ấy để thấy rằng: dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, chính quyền cùng giới chuyên môn đã phải nỗ lực rất nhiều để giữ một không gian truyền thống có kết cấu đặc thù như Văn Miếu
***
Nhưng cũng 20 năm nay, không gian tại khu di tích Văn Miếu rõ ràng đã dần không đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội hiện đại.
Diện tích quá nhỏ trước những dòng người đổ về, phần vườn Giám hoặc hè phố Văn Miếu chủ yếu trở thành... nơi gửi xe cho khách. Hồ Văn hiện vẫn bị cắt lìa với các công trình còn lại bởi trục đường Quốc Tử Giám, khiến du khách rất ngại vượt qua dòng xe lưu thông để sang hồ. Chưa kể, giữa Hồ Văn, gò Kim Châu (tương truyền là nơi các sĩ tử bình văn, vịnh thơ trong lịch sử), cũng bị cô lập vì không có cầu dẫn ra.
Thực tế, ở góc độ đơn lẻ, nhiều giải pháp để chỉnh trang và khai thác tiềm năng của di tích này đã từng được nhắc tới. Chẳng hạn, năm 2004, một công ty đã có ý tưởng giải tỏa, kéo dài đường Hoàng Diệu tới Quốc Tử Giám. Khi dòng giao thông chuyển sang trục đường mới này, khu vực phố Văn Miếu sẽ được quy hoạch thành phố đi bộ bằng cách chỉnh trang lớp nhà mặt ngoài, bố trí ghế nghỉ, các dịch vụ lưu niệm. Từ cuối phố Văn Miếu, một hầm bộ hành sẽ được mở để kết nối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và kéo dài theo phố Cao Bá Quát về hướng Hoàng thành Thăng Long.
Rồi, theo quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội, một ga tàu điện ngầm sẽ được bố trí ở khu vực Văn Miếu (dự kiến cạnh Hồ Văn hiện tại). Từ quy hoạch ấy, đã có đề xuất xây dựng hẳn một không gian dưới lòng đất cạnh Văn Miếu, bao gồm bãi để xe ngầm, hầm bộ hành, ga tàu điện… và đặc biệt là một bảo tàng ngầm tại khu vực vườn Giám để trưng bày các tư liệu và câu chuyện về lịch sử, cũng như đời sống khoa cử khi xưa.
Những tất cả vẫn chỉ là ý tưởng. Cho đến khi, nhiệm vụ quy hoạch Văn Miếu được phê duyệt vào cuối tuần qua, như một cột mốc đặc biệt để người Hà Nội cùng hi vọng.
Hi vọng, bởi Hà Nội đã chờ Văn Miếu quá lâu, khi thành phố đang thiếu vắng một không gian văn hóa có đủ bề dày về giá trị lịch sử, để chia sẻ với một hồ Hoàn Kiếm đã bắt đầu quá tải trong những năm vừa rồi.
Cúc Đường
Tags