Hà Nội cần bảo tàng riêng cho nghề truyền thống

Thứ Năm, 15/06/2023 07:17 GMT+7

Google News

Xây dựng một bảo tàng riêng cho ngành thủ công nghiệp tại Hà Nội là điều có ý nghĩa lớn đối với việc khôi phục, bảo tồn những nghề truyền thống đã bị thất truyền hoặc đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng nhiều năm qua, ý tưởng ấy vẫn chưa thể biến thành hiện thực.

1. Thực tế, tại nhiều cuộc tọa đàm và hội thảo về nghề thủ công truyền thống của Hà Nội trong thời gian qua, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng, di sản cũng luôn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc thiết lập một bảo tàng chuyên biệt trong lĩnh vực này.

Cụ thể, theo nhà nghiên cứu Vũ Hy Thiều, nguyên Viện trưởng Viện Mỹ nghệ, nước ta từ xưa vốn là một quốc gia nông nghiệp. Do nghề nông có tính chất thời vụ, nên thuở trước, trong thời gian nông nhàn, người nông dân đã sáng tạo ra những nghề truyền thống, để kiếm thêm thu nhập. Vì thế, trong lịch sử, cùng với nghề nông, nghề thủ công cũng là một nghề chính giúp đảm bảo cuộc sống và phản ánh được rõ nét đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Hà Nội cần bảo tàng riêng cho nghề truyền thống - Ảnh 1.

“Nghề thủ công truyền thống Hà Nội sáng tạo để phát triển” - 1 trong những cuộc tọa đàm nhắc tới vấn đề thiết lập bảo tàng nghề truyền thống cho Thủ đô trong thời gian qua

Ở góc độ khác, theo TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nghề thủ công truyền thống là một loại hình di sản thuộc phạm trù di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, loại hình này có thể tạo ra kinh tế, nuôi sống người dân và cũng là cầu nối với những hình thức sinh hoạt văn hóa khác. Chẳng hạn, trong các hội làng hay diễn xướng dân gian, cộng đồng luôn cần tới kiệu để rước hoặc tán, lọng để che kiệu - những sản phẩm đến từ các làng nghề làm đồ mộc, đồ sứ, sơn mài, thêu,…

Hiện nay, ở Hà Nội, nghề nông nghiệp đã phần nào được tái hiện trong không gian Bảo tàng Phụ nữ thông qua các công cụ cày cấy, đánh bắt cá, hái lượm… và hoạt động trải nghiệm sử dụng cối xay đá. Trong khi đó, một số ít nghề thủ công truyền thống như nghề làm nón, mây tre đan… cũng được tái hiện trong không gian Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Nhưng những mô hình ấy vẫn là chưa đủ để phản ánh một cách chân thực, rõ nét nhất về sự đa dạng của các nghề thủ công truyền thống ở Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung.

Bởi như mong muốn của ông Vũ Hy Thiều, những trưng bày trong bảo tàng nghề thủ công nghiệp không thể chỉ gắn với các chế tác đến từ làng nghề, phố nghề. Hơn thế, những trưng bày ấy còn phải mô tả được những quy trình để tạo tác ra sản phẩm, cũng như những đòi hỏi về nguyên vật liệu, kĩ thuật đặc biệt... Còn nếu chỉ trưng bày các tác phẩm đại diện cho các làng nghề, đó là điều mà một số bảo tàng, di tích lịch sử đã tổ chức thành công.

Từng thực hiện một số khảo sát, ông Thiều cho biết: Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, nhiều nghề truyền thống đang dần thiếu vắng người kế thừa - hoặc may mắn có thế hệ trẻ tiếp nối, nhưng lại không giữ được những kĩ thuật đặc trưng. Do vậy, việc xây dựng một bảo tàng nghề truyền thống sẽ có ý nghĩa thức tỉnh những người làm công tác quản lí văn hóa về việc cần phải khôi phục, bảo tồn lại những giá trị văn hóa quan trọng trong lĩnh vực này. Ngoài ra, mô hình bảo tàng ấy cũng tạo cơ sở để nâng cao ý thức của những người trẻ, đồng thời tạo điểm đến cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Hà Nội cần bảo tàng riêng cho nghề truyền thống - Ảnh 2.

Bảo tàng gốm Bát Tràng - một trong những bảo tàng tư nhân hiếm hoi gắn với nghề thủ công truyền thống của Hà Nội

2. Dù vậy, việc lựa chọn địa điểm nào trên địa bàn thành phố Hà Nội là hợp lí nhất để xây dựng bảo tàng nghề truyền thống, cũng như việc tìm nguồn kinh phí cho xây dựng bảo tàng, là những câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.

Như lời anh Ngô Quý Đức, người từng sáng lập dự án Về làng nhằm giới thiệu và nâng cao nhận thức của cộng đồng về các làng nghề truyền thống, trong bối cảnh điều kiện về quỹ đất, tài chính, nhân sự chưa đủ,chúng ta có thể triển khai những bảo tàng, phòng trưng bày tư nhân của từng làng nghề, phố nghề.

Hoặc, những người làm văn hóa có thể kết nối các làng nghề, phố nghề với ban quản lí các di tích lịch sử, bảo tàng, công viên, phố đi bộ, tổ chức các hoạt động để nghệ nhân có dịp giới thiệu với công chúng về nghề thủ công. Bởi, cách giúp công chúng có thể hiểu nhanh hơn và rõ hơn về nghề thủ công, là cho họ tận mắt quan sát nghệ nhân chế tác, thậm chí là tự tay thực hiện sản phẩm.

Thậm chí, TS Lê Thị Minh Lý cho rằng, thay vì xây dựng một bảo tàng mới cho nghề thủ công truyền thống, chúng ta có thể lập một bảo tàng 3D trên không gian mạng, điều này giúp phía tổ chức không mất nhiều chi phí và không mất quỹ đất như xây dựng một bảo tàng thông thường. Cùng với đó, bảo tàng trực tuyến cho phép nhà quản lí, nhà thiết kế dễ dàng thay đổi không gian trưng bày, để thích ứng với xu hướng đương thời và thân thiện với nhiều độ tuổi sử dụng thiết bị công nghệ.

Một cách nữa để quảng bá giá trị của các nghề truyền thống là việc tổ chức các trưng bày định kỳ trong khuôn viên của bảo tàng hay di tích lịch sử. Nhưng theo bà Lý, không nên xây dựng khu trưng bày thường xuyên ở các địa điểm này, cho dù là đình làng hay đền thờ Tổ nghề - nơi gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển nghề truyền thống của địa phương. Bởi, đây là những di tích ấy có giá trị di sản và có bối cảnh lịch sử riêng nên cần được tôn trọng.

Nên có nhiều bảo tàng nghề

Như lời ông Vũ Hy Thiều, Nhật Bản từng xây dựng một bảo tàng chung cho các nghề truyền thống ở Tokyo và khoảng 30 bảo tàng nghề thủ công ở từng địa phương. Và với mong muốn của ông, nếu có thể, chúng ta nên xây dựng một bảo tàng chung cho nền thủ công nghiệp Việt Nam, đồng thời mỗi tỉnh thành nên có một bảo tàng cho nghề truyền thống riêng của địa phương mình.

Theo chuyên gia này, nghề thủ công ở Việt Nam là vô cùng phong phú, một bảo tàng không thể bao quát hết. Điển hình, chỉ nói riêng về nghề làm gốm, cũng có thể liệt kê ra nhiều cái tên như gốm Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), Thanh Hà (Quảng Nam), Biên Hòa (Đồng Nai),… với những đặc điểm riêng.

Nguyễn Phúc Nam Dương

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›