Sau 12 năm ấp ủ, giấc mơ thực hiện một chương trình mang phong cách unplugged (giảm bớt hiệu ứng điện tử và trở về với âm thanh nguyên bản) của ban nhạc Bức Tường đã và đang đến rất gần khi họ vừa công bố đêm nhạc Bức Tường unplugged - Cơn mưa tháng Năm sẽ diễn ra vào 20h ngày 27/10 tới đây.
Đặc biệt hơn, với phong cách trình diễn này tại sân khấu Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Bức Tường không chỉ mang đến một show rock độc bản, mà còn thể hiện tính tiên phong của mình trong thế giới rock tại Việt Nam suốt gần 30 năm qua.
Trò chuyện về đêm nhạc đúng dịp kỷ niệm 42 năm ngày truyền thống của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN, 21/8/1982 - 21/8/2024), guitarist Trần Tuấn Hùng, thủ lĩnh của ban nhạc, còn chia sẻ những cảm xúc trân quý về tờ báo mà anh luôn là fan ruột.
Chương trình của những bài hát hay nhất
* Được biết, chương trình "Bức Tường unplugged - Cơn mưa tháng Năm" được ấp ủ từ 2012. Ý tưởng và cuộc gặp gỡ này đã diễn ra như thế nào?
- Cuối năm 2012 tôi và Trần Lập đã tới gặp nhạc sĩ Trần Thanh Phương tại nhà riêng để bàn về kế hoạch chơi acoustic - unplugged. Trong giới ai cũng biết anh Phương là một chuyên gia về thể loại này.
Tuy nhiên, kế hoạch phải tạm gác lại do thiếu rất nhiều điều kiện từ nhạc cụ đến các kỹ thuật trình diễn theo đúng chuẩn. Và rồi sau đó chúng tôi quyết định bắt tay vào thực hiện album vol 5 có tên Đất Việt, còn dự án unplugged sẽ chờ tiếp "… tới lúc rồi sẽ làm thôi".
Và đến hôm nay, sau 12 năm thăng trầm thì Bức Tường mới chính thức thực hiện được điều này, thêm một ước mơ nữa đạt được. Sự tham gia của Trần Thanh Phương trong chương trình này là một vinh dự lớn của ban nhạc, cũng là bảo chứng cho sự thành công về mặt âm nhạc theo phong cách unplugged.
Nhạc sĩ Trần Thanh Phương đã nói với chúng tôi: "Đây sẽ là câu chuyện được kể bằng cảm xúc một cách tự nhiên nhất, con người nhất, khi hạn chế không sử dụng âm thanh điện tử, giảm yếu tố công nghệ, mà vẫn đảm bảo về mặt cảm xúc của nghệ sĩ và công chúng".
* Chương trình sẽ diễn ra với bố cục và các ca khúc được lựa chọn ra sao?
- Tiêu chí gồm những bài hát hay nhất của Bức Tường khiến cho chúng tôi khá bối rối, vì thời lượng một đêm diễn không thể nào bắt khán giả ngồi nghe tới… 4 - 5 tiếng đồng hồ được, mà bài hát nào cũng "hay nhất". Mỗi bài đều có đời sống riêng, có những ý nghĩa và kỷ niệm sâu sắc.
Sau cùng thì tôi đã biên tập số lượng bài hát theo con số mang tính biểu trưng cho 29 năm thành lập: 29 bài hát. Đây là đêm nhạc nhiều ca khúc nhất từ trước đến nay của chúng tôi và sẽ được sắp xếp phù hợp để truyền tải thông điệp, câu chuyện mà Bức Tường muốn kể. Khán giả sẽ được sống trong những không gian của quá khứ, hiện tại và tương lai, bên cạnh những màn xuất hiện và sự phối hợp bất ngờ.
* Anh có thể nói gì về 8 năm vừa qua của một Bức Tường, không chỉ thiếu vắng Trần Lập, mà gần đây còn thay đổi cả nhân sự (thành viên mới nhất của Bức Tường là bassist Tăng Xuân Kiên - PV)?
- "Lên bổng, xuống trầm" là một mô tả rất âm nhạc dành cho hành trình của Bức Tường! Đúng là đi qua nhiều cung đường mới nhận ra giá trị và vẻ đẹp của xung quanh mình. 8 năm vừa qua có cảm giác là khoảng thời gian dài hơn nhiều so với 8 năm ở các giai đoạn trước, Bức Tường giống như vận động viên tìm cách quay trở lại đường chạy, sau cú chấn thương nặng.
Nhưng phải nói rằng sự đón nhận và ủng hộ của tất cả mọi người là không thể tuyệt vời hơn, nó khơi dậy những giá trị tiềm ẩn bên trong của mỗi thành viên, tất cả đã khiến cho chúng tôi mạnh mẽ chưa từng thấy, để viết tiếp câu chuyện kỳ diệu này.
* Vì sao "Cơn mưa tháng Năm" lại là tác phẩm chung duy nhất giữa anh và Trần Lập? Liệu có những tác phẩm nào chung của cả hai, nhưng đang còn dở dang?
- Trước đây luôn mặc định việc sáng tác là của anh Trần Lập, điều này không cần phải bàn cãi, nhưng tôi khá bất ngờ khi làm album Đất Việt năm 2014, anh ấy đã đề nghị đưa sáng tác Cơn mưa tháng Năm vào thu âm (tên cũ là Bản tình ca tháng Năm, mà có lần tôi đã chơi cho anh ấy nghe).
Sau này, sau tất cả những gì đã trải qua khiến tôi nghĩ rằng anh ấy muốn Bức Tường phải được kéo dài hành trình của mình bằng cách nào đó, tôi cảm thấy mình học được từ anh ấy rất nhiều điều.
* Điều gì khiến ban nhạc lựa chọn diễn unplugged trong chương trình này? Liệu có phải một phần lý do là bởi không gian của Nhà hát Hồ Gươm với phong cách này sẽ mang lại sự cộng hưởng ấn tượng khó quên?
- Chúng tôi chưa định làm unplugged này đâu, mà ý tưởng ban đầu là một đêm diễn lớn ngoài trời có tên 29+, nhân kỷ niệm 29 năm thành lập. Tuy nhiên đây rõ ràng là một cơ duyên, vì việc tổ chức 29+ gặp khó khăn trong một năm nhiều biến động kinh tế. Trong khi đó thực hiện unplugged trong nhà hát khả thi hơn, cũng như mô hình âm nhạc này phù hợp với việc kể câu chuyện Bức Tường với sự mộc mạc, gần gũi và tinh tế. Và thế là câu chuyện 12 năm trước được đưa ra với sự giúp đỡ của rất nhiều anh em thân thiết.
Còn không gian của Nhà hát Hồ Gươm thì quá tuyệt vời cho đêm diễn unplugged đầu tiên của một ban nhạc rock. Chúng tôi rất hào hứng với điều này.
Unplugged là một thuật ngữ chỉ việc biểu diễn âm nhạc mà không cần sử dụng đến các thiết bị điện tử hay công nghệ âm nhạc phức tạp. Thay vào đó, họ sẽ sử dụng các nhạc cụ căn bản như guitar acoustic, piano, dàn dây... kết hợp với giọng hát của người ca sĩ.
Khán giả cuồng nhiệt và văn minh
* Rất rõ là Bức Tường luôn muốn làm mới mình và chinh phục những thử thách trong những năm qua. Vậy trên con đường đầy chông gai với những bước ngoặt không biết trước, đâu là những điều khiến các anh thêm vững tin hơn về sự lựa chọn của mình?
- Thật kỳ lạ khi đam mê vẫn luôn cháy bỏng bên trong những thành viên. Chắc chắn rồi, đó chính là lý do để Bức Tường không dừng lại với những gì đã có.
* Vừa qua, Bức Tường đã có nhiều chuyến lưu diễn không chỉ tại Việt Nam mà còn vươn ra ngoài biên giới. Không biết cảm nhận của Bức Tường về khán giả của mình của những năm tháng xưa và nay như thế nào?
- Nếu để nói về khán giả của Bức Tường qua nhiều năm và ở mọi nơi thì có hai từ là cuồng nhiệt và văn minh, dù ở lứa tuổi nào thì đó là những khán giả tuyệt vời nhất. Họ ủng hộ bởi những giá trị cả bên trong và ngoài âm nhạc, chứ không chỉ vì một trào lưu nhất thời. Hiếm khi tìm thấy những suy nghĩ tiêu cực và kém văn minh từ người hâm mộ của Bức Tường, họ dường như có cùng một hệ suy nghĩ, cùng mong muốn làm những điều tốt đẹp.
Còn việc thay đổi của Bức Tường như tôi đã từng chia sẻ đó là sự tất yếu. Tin tôi đi, sẽ không có ai muốn đón nhận những điều cũ kỹ từ những thập niên trước đâu. Trong những chương trình biểu diễn gần đây, lượng khán giả Gen Z chiếm phần đông và họ say sưa hát những bài hát mới và cũ của Bức Tường. Điều đó minh chứng cho những sự thay đổi phù hợp với thời đại của chúng tôi và vẫn là Bức Tường chứ không lẫn với ai khác.
Nhiều ca sĩ khách mời
Bức Tường unplugged - Cơn mưa tháng Năm là một rockshow với 29 ca khúc chọn lọc của Bức Tường, được phối khí mới và trình diễn với những nhạc cụ mộc như guitar acoustic, piano hoặc trống jazz, dàn dây… Ngoài 4 thành viên chính của ban nhạc gồm guitarist Trần Tuấn Hùng, guitarist Vũ Văn Hà, bassist Tăng Xuân Kiên, drummer Phạm Trung Hiếu, chương trình còn có các ca sĩ khách mời như Phạm Anh Khoa, Dương Trần Nghĩa, Nguyễn Việt Lâm, Nguyễn Nhật Minh, Vũ Thanh Vân...
Bên cạnh đó là sự tham gia của hai nhạc sĩ tài năng Lưu Quang Minh và Đồng Quang Vinh. Chương trình được thực hiện bởi giám đốc âm nhạc Trần Thanh Phương, tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam, đơn vị sản xuất i5 Production, đơn vị đồng hành Square City.
* Nhân dịp giới thiệu "Bức Tường unplugged - Cơn mưa tháng Năm" trùng với dịp báo "Thể thao và Văn hóa" sinh nhật 42 tuổi, nếu có một sự liên tưởng giữa khán giả nghe nhạc thời nay và độc giả đọc báo thời nay, anh nghĩ gì về điểm chung của họ? Theo anh, làm thế nào để những người làm báo cũng như những người làm nghệ thuật có được sự thu hút từ độc giả trong thời đại này?
- Trong thời đại hiện nay, người nghe nhạc hoặc người đọc báo có vô vàn sự lựa chọn. Việc nghiên cứu, phân tích và đưa ra những định hướng để thu hút đối tượng họ luôn là bài toán rất khó. Làm báo hoặc nghệ thuật đều cần xuất phát từ giá trị cốt lõi mà chúng ta đã tạo thành thương hiệu riêng, cùng với việc dám thay đổi phù hợp với xu hướng nghe, đọc hiện nay. Về lý thuyết thì đơn giản như vậy thôi! (Cười).
* Với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), anh có lẽ là một độc giả gắn bó thân thiết, vì anh từng nói về điều này; còn với Bức Tường là những lần được nhắc đến trong giải thưởng âm nhạc Cống hiến. Cảm xúc của anh và ban nhạc như thế nào với tờ báo trong dịp sinh nhật này?
- Chúng tôi rất hào hứng, vì niềm vui được nhân đôi, thay vì xem báo trực tuyến, tôi sẽ tìm số báo ra dịp này để mua, đọc bài về Bức Tường (nếu có) và tặng cho bạn bè của mình.
* Trân trọng cảm ơn anh!
Từ lần đầu đọc "Thể thao và Văn hóa"
"Lần đầu tiên tôi đọc Thể thao và Văn hóa là khoảng năm 1984, do bố mang về và mua liên tục trong nhiều năm kể từ đó trở đi. Tôi đặc biệt thích các bài viết về bóng đá quốc tế, mà thời đó đang có màn so tài của 2 ngôi sao Platini và Maradona, với những câu chuyện về họ khiến tôi mê mẩn cho đến Mexico 86.
Thời đó không có thứ gì khơi gợi nhiều hơn là những bài báo về các cầu thủ, các đội bóng, khi các ấn phẩm khiến người đọc hình dung rõ ràng về những câu chuyện bên trong và ngoài sân cỏ, những thông tin mà chỉ có các nhà báo giỏi mới cập nhật, dịch và đưa tin nhanh nhất tới độc giả.
Hồi ấy, tôi có một sở thích khá đặc biệt là sưu tầm ảnh các cầu thủ bóng đá. Những ảnh này được cắt ra từ báo Thể thao và Văn hóa, từ các tờ chuyên san bóng đá khác. Có rất nhiều ảnh đẹp được in trên 2 mặt 1 trang báo và rồi phải kỳ công ngồi tách đôi tờ đó ra để lấy được cả 2. Mỗi bức ảnh đều được ghi chép nội dung ở dưới cẩn thận về tên tuổi, thời gian và các dữ liệu liên quan, thật tiếc là quyển tập "quý giá" đó đã bị thất lạc" - guitarist Trần Tuấn Hùng chia sẻ.
Tags