Grabriel Garcia Marquez: Người cô đơn bất tử

Thứ Sáu, 02/05/2014 07:23 GMT+7

Google News


(Thethaovanhoa.vn) - Ai cũng cô đơn, không riêng gì người cầm bút. Có những người viết chỉ quẩn quanh trong nỗi cô đơn của chính mình hoặc số ít người giống mình. Có những người từ lòng mình mở rộng thành tâm thức của nhân loại. Tác giả vĩ đại quá cố Garcia Marquez thuộc nhóm hai.

Khi Garcia Marquez (tên thân mật là Gabo) qua đời vào ngày 17/4 ở tuổi 87, nhiều tờ báo trên thế giới chạy những dòng tít lớn: Thế giới, quê nhà Colombia và toàn châu Mỹ Latin, các nguyên thủ quốc gia, nghệ sĩ, người vợ góa… thương tiếc và đau buồn.

Nghĩ thật kỹ, sự ra đi đó chẳng có gì để đau buồn.

Không bao giờ có chuyện “trăm năm cô đơn”

Thế giới không “mất” ông như các bài báo và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói. Ông vĩnh viễn để lại những tác phẩm tinh túy nhất của mình cho nhân loại. Chừng nào tinh thần của các tác phẩm đó vẫn còn thì ông vẫn còn.

Đó là những tiểu thuyết dài và ngắn ai cũng có thể kể tên: Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả, Mùa thu của vị trưởng lão, Ký sự về một cái chết được báo trước, Tướng quân giữa mê hồn trận… Còn hàng chục truyện ngắn, những bài tiểu luận, các cuốn hồi ký (Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôiSống để kể lại), bài phỏng vấn báo chí mà phần lớn cũng rất giá trị, đến nay vẫn có thể lần giở lại và nhận ra nhiều thông điệp chưa cũ.

Bởi vậy, Gabo sẽ mất bao lâu để có thể thực sự không còn hiện diện trên thế giới này? Hay là không bao giờ? Một người Nam Mỹ trứ danh khác là Mario Vargas Llosa, nhà văn Peru đoạt giải Nobel Văn chương năm 2010, một “con sư tử” của nền văn học Mỹ Latin, đã thay mặt thế giới nói lên điều này. “Một con người vĩ đại đã chết, một người mà các tác phẩm đã đưa nền văn học và ngôn ngữ của chúng ta lên đến tầm vóc và thanh thế vĩ đại. Các tác phẩm của ông sẽ khiến ông sống mãi” - Vargas Llosa nói với báo chí, xúc động đến run rẩy và giấu đôi mắt sau cặp kính đen, ngay khi biết tin Gabo qua đời.


Mãi mãi, Gabo. “Điều ý nghĩa trong đời không phải là những gì đã xảy ra mà là những gì bạn nhớ và cách bạn nhớ về chúng”.

Điều gì khiến những lời của Vargas Llosa càng thêm ý nghĩa? Cả hai người họ đều là những người khổng lồ của Nam Mỹ và nổi tiếng vì mối bất hòa kinh điển. Vargas Llosa đã đấm Garcia Marquez trong một vụ ẩu đả công khai bên ngoài một rạp chiếu phim ở Mexico City năm 1976. Người yêu văn chương đa phần từng nghe qua chuyện này, nguyên nhân bất hòa vẫn được giấu kín. Đến người từng đánh Garcia Marquez cũng thừa nhận ông bất tử.

Hơn nữa, sức khỏe của nhà văn đã trở nên vô cùng mong manh trong những năm gần đây. Năm ngoái, còn có tin ông đã lú lẫn và không thể viết thêm bất cứ kiệt tác nào nữa. Thế giới đã bắt đầu than khóc từ khi đó. Đã lâu lắm từ lần cuối ông công khai hiện diện và chia sẻ với thế giới chút ít sự thông thái của mình. Bởi vậy, cái chết giờ đây đến như một sự giải thoát, sự kiện lớn cuối cùng của một cuộc đời quá ư lẫy lừng. Garcia Marquez ra đi không phải để nằm trong một nấm mồ và bắt đầu “trăm năm cô đơn”, ông ra đi để thế giới có dịp chính đáng bày tỏ lòng ngưỡng mộ, và nếu có thể, phong thánh cho ông.

Cũng như thế, có nhiều nỗi đau nên được nhìn từ một góc độ khác. Bệnh ung thư là một thảm họa đối với bất cứ ai. Năm 1999, ở tuổi 72, nhà văn hay tin mình mang căn bệnh ung thư hạch bạch huyết. Ông nói đó là động lực để ông nhanh chóng viết cuốn tự truyện Sống để kể lại (Living to Tell the Tale) gấp rút trong vòng 4 năm, đến 2003 ra mắt. Ông nghĩ mình đang chạy đua với thời gian, và như một phép màu, khi viết xong cuốn sách, ông khỏe lại. Bệnh ung thư, nhiều người đã mang nó và chỉ biết than khóc, còn Garcia Marquez mang nó trong mình và vẫn tiếp tục viết nên kiệt tác.

Người viết nên sự cô độc của cả một châu lục

Nhà văn dành bài diễn từ Nobel Văn chương năm 1982 của mình để viết về “Nỗi cô đơn của châu Mỹ Latin”. Ông kể lại lịch sử của châu Mỹ Latin bằng giọng văn nhuốm màu huyền thoại, vẽ nên một vùng đất đầy sơ khai, kỳ lạ ngay từ thuở hồng hoang, đến thời hiện đại vẫn tồn tại không ít vấn đề loạn lạc và xung đột mà phương Tây không thể nào hiểu nổi nếu đánh giá qua góc nhìn phương Tây. Người gốc Mỹ Latin bỏ xứ đi khắp thế giới, từ thời đó (thập niên 1980), số dân Mỹ Latin di cư đã nhiều hơn dân số của đất nước Na Uy.

Chính hiện thực đó của quê hương phóng to, cả châu lục chứ không riêng gì một đất nước Colombia, đã mang đến cho Garcia Marquez “ngọn nguồn sáng tạo không bao giờ no thỏa”. Ông gọi Mỹ Latin là miền đất bị kết án “trăm năm cô đơn”, nhưng ông mong một ngày điều đó sẽ chấm dứt.

Bởi vậy, nếu Garcia Marquez cầm bút từ nỗi cô đơn, đó là một nỗi cô đơn “tầm cỡ”. Con người sẽ không thể con người nếu chỉ biết đến nỗi đau của riêng mình, cũng như nhiều tác giả đang viết “cho mình nhưng nói hộ tâm sự của bao nhiêu người”. Nói hộ tâm sự, điều đó nghe cũng cao cả đấy, nhưng tại sao lại chỉ viết cho mình?

Con người mà nhu cầu sống chỉ dừng lại ở ăn, uống, ngủ, nghỉ, vui chơi… thì tầm thường lắm. Vậy còn hoài bão và vận mệnh quốc gia, dân tộc, nhân loại… nhường cho ai lo? Nhà văn cũng vậy, nếu chỉ viết cho mình thì tầm thường lắm. Họ có thể ban đầu viết cho mình, dần dần phát triển lý tưởng hướng đến cộng đồng, nhưng những tác gia thực sự, sẽ không có chuyện chỉ viết cho mình. Không phải họ vĩ cuồng, họ chỉ vĩ đại mà thôi. Còn với Garcia Marquez, nói ông vĩ cuồng cũng không phải vấn đề, vì ông có câu nói nổi tiếng: “Với nghề văn, khiêm tốn là một đức tính thừa”.

Sách toàn thế giới phải đọc

Với tiểu thuyết Trăm năm cô đơn, nhà văn Mỹ William Kennedy nhận xét: “Đây là tác phẩm văn học đầu tiên kể từ cuốn Sáng thế ký trong Kinh thánh của Do Thái giáo và Ki tô giáo cách đây 3.500 năm phải được yêu cầu là sách đọc cho toàn thế giới”.

Bài diễn từ Nobel 1982 với nhan đề Nỗi cô đơn của châu Mỹ Latin đã đưa Marquez và quê hương ông vượt thoát cô đơn để hòa chung với nhân loại. Trí tuệ sắc bén đi cùng với tình thương rộng lớn của một nghệ sĩ cảm thông với đồng loại mãi là sức hút của Garcia Marquez cho con người trong cõi “trăm năm cô đơn” này - nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›