Một tour du lịch độc đáo gắn với 7 ngôi đình trong phố cổ Hà Nội đang chuẩn bị đi vào vận hành. Ở đó, trong thời lượng khoảng 2 tiếng đồng hồ, khách du lịch sẽ được đội ngũ tình nguyện viên - hiện đang là sinh viên của ĐH Quốc gia Hà Nội - đưa đi tham quan và trải nghiệm nghệ thuật miễn phí tại các không gian này.
Thông tin này được họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ cùng người viết. Anh chính là giám tuyển của Chuyện đình trong phố, dự án nghệ thuật vừa chính thức được đề cử tại hạng mục "Việc làm" của giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 17 năm 2024 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức.
Được triển khai trong năm 2023, Chuyện đình trong phố do quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phối hợp với nhóm nghệ sĩ của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn thực hiện tại 7 ngôi đình trong khu phố cổ Hà Nội. Với hình thức đưa các hoạt động nghệ thuật, triển lãm, quảng bá các nghề truyền thống gắn với phố nghề và ông tổ nghề (đang được thờ phụng tại đình), đây là dự án nghệ thuật theo hình thức xã hội hóa và được kì vọng "đánh thức" các ngôi đình cũ - vốn thường chỉ được mở cửa thắp hương tháng đôi lần.
Ở đó, các trưng bày - cũng như tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ - được đặt trong không gian của các ngôi đình để kể những câu chuyện về chính lịch sử hình thành nên chúng, cũng như sự độc đáo của những phường nghề truyền thống tại đất Kẻ Chợ xưa.
Chẳng hạn, tại đình Hà Vĩ (phố Hàng Hòm), thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư các trưng bày mở ra câu chuyện từ nghề sơn ta cho tới những sản phẩm thiết kế sơn mài mỹ nghệ, cũng như tác phẩm hội họa tranh sơn mài của nhiều họa sĩ. Tại đình Tú Thị (phố Yên Thái) thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành, đó là các tác phẩm tranh lụa kết hợp kĩ thuật thêu tay của nghệ nhân, cũng như những sản phẩm mỹ nghệ thêu thay của một số thương hiệu lớn trên phố Hàng Gai.
Đình Phả Trúc Lâm (ngõ Hàng Hành) vốn thờ tổ nghề da giày lại là một cách tiếp cận khác, khi trở thành không gian nghệ thuật với hàng loạt tác phẩm được sáng tác từ cảm hứng về nghề da giày và những đôi hài. Còn tại đình Trung Yên (ngõ Trung Yên), mảng tường lớn tại đây được "phủ kín" các tác phẩm từ ký hoạ, màu nước, tranh lụa... nói về cuộc sống của người dân phố cổ, đặc biệt là quanh ngôi đình.
Trong khi đó, đình Yên Thái (ngõ Tạm Thương) thờ Nguyên phi Ỷ Lan gắn với triển lãm sử dụng lụa, giấy dó để tô điểm ngôi đình, cũng như ca ngợi công đức của danh nhân vốn xuất thân là thôn nữ trồng dâu theo truyền thuyết...
Đáng nói, đây không phải là những cuộc trưng bày diễn ra trong vài ngày. Đến thời điểm hiện tại, các nội dung trưng bày tại 7 ngôi đình trong phố cổ vẫn được giữ nguyên về cơ bản và có kế hoạch duy trì, thậm chí phát triển thêm về lâu dài.
***
Nhìn lại, trong quá khứ, những ngôi đình luôn giữ chức năng như một trung tâm kết nối cộng đồng. Và theo góc nhìn ấy, những cách tiếp cận của Chuyện đình trong phố chính là một phương thức bảo tồn độc đáo để trả lại sự sống động cho những không gian này. Ở đó, hoạt động nghệ thuật của những nghệ sĩ trẻ đã tạo nên sự tương tác và đối thoại đặc thù, để những ngôi đình xưa cũ đảm nhiệm một "sứ mạng" mới: Kết nối không chỉ với người dân bản địa mà cả với du khách thập phương.
Xa hơn, như kì vọng của những người thực hiện, những ngôi đình trong phố cổ Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành những không gian sáng tạo độc đáo - khi các nghệ sĩ trẻ hôm nay sẽ nối dài nguồn cảm hứng sáng tạo của những người nghệ nhân xưa để phát triển những dự án nghệ thuật cộng đồng.
Viết tiếp Chuyện đình trong phố bằng du lịch, bằng khả năng kết nối và hoạt động sáng tạo, đó không phải là giấc mơ vô lý...
Tags