Góc nhìn 365: Sữa giả, kẹo giả và nỗi lo thật

Thứ Năm, 17/04/2025 06:45 GMT+7

Google News

Dư luận đang sôi sục, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông tin về việc triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Đó là một vụ việc gây chấn động không chỉ vì con số (gần 500 tỷ đồng doanh thu bất chính) từ hàng trăm nhãn hiệu sữa giả. Nó còn đến từ sự vô cảm và tàn nhẫn của những kẻ chủ mưu - khi theo thông tin công bố, những nhãn hiệu sữa giả này nhắm vào những nhóm người rất cần được nâng niu trong xã hội: người bệnh, phụ nữ mang thai, trẻ sinh non.

Vụ việc sữa giả diễn ra như sự nối tiếp của một số vụ việc tương tự gần đây, mà điển hình là trường hợp của kẹo rau củ Kera - vốn cũng đã có những người bị khởi tố vì sản xuất thực phẩm giả và lừa dối khách hàng. Trên mạng xã hội, có người đã chua chát: "Kẹo chưa tan, sữa đã trào".

Góc nhìn 365: Sữa giả, kẹo giả và nỗi lo thật - Ảnh 1.

Liên quan các sản phẩm sữa giả, Sở Y tế Hà Nội đang yêu cầu rà soát quá trình thẩm định, cấp phép. Ảnh: CAND

Các vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm trước pháp luật.

Ngẫu nhiên cách đây mấy ngày, tôi tình cờ đọc được một câu nói trên tờ lịch treo tường:"Con người là động vật duy nhất mà sự tồn tại của chính mình là một vấn đề phải đi tìm lời giải" - Erich Fromm.

Tôi chưa từng biết đến Fromm trước đó, nhưng câu nói ấy, trong hoàn cảnh này, bỗng vang vọng như một lời cảnh tỉnh. Để rồi, tôi phải tìm đọc thêm về ông.

Erich Fromm (1900 - 1980), là một nhà phân tâm học và triết gia người Đức gốc Do Thái, người đã dành cả đời để suy tư về bản chất con người trong xã hội hiện đại. Ông nói rằng con người không chỉ tồn tại - mà còn phải tự vấn về ý nghĩa của sự tồn tại ấy. Đó là đặc quyền, nhưng cũng là gánh nặng của con người - sinh vật duy nhất không thể sống một cách vô thức, buông thả hay trôi nổi.

Và nếu con người đánh mất khả năng tự vấn, đánh mất lương tri, thì khi đó, họ có thể biến mình thành một dạng sinh vật nguy hiểm nhất: Kẻ biết rõ việc mình làm, biết rõ hậu quả - nhưng vẫn cố tình phạm tội. Tội ác khi đó không còn là do dốt nát hay vô tình, mà là hệ quả của một sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức và lương tri.

Đặt cạnh câu nói của Fromm, vụ án sản xuất sữa bột giả không chỉ là câu chuyện hình sự đơn thuần, mà còn là một lời cảnh báo sâu xa về sự xuống cấp của đạo đức và lương tri của một bộ phận người. Điều đó để lại nỗi lo thật sự cho cả xã hội.

Chúng ta phải làm gì trong trường hợp này?

Chắc chắn, công lý sẽ được thực thi. Chúng ta cần sự nghiêm minh của pháp luật, cần sự tỉnh táo của người tiêu dùng để biết đòi hỏi sự minh bạch về những gì đang sử dụng. Và cần cả sự xóa bỏ những vô cảm - khi mà mỗi hộp sữa giả đều có thể gây nguy hại cho người thân, bạn bè và tất cả những người quanh ta.

Erich Fromm không viết cho thời đại của chúng ta, nhưng tư tưởng của ông dường như chưa bao giờ cũ. Khi mỗi người dám dừng lại để tự hỏi về chính sự tồn tại của mình, cũng là lúc ta còn giữ được ánh sáng của nhân tính - thứ ánh sáng có thể soi rọi con đường ta đi.

Xuân An

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›