(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng, sau nhiều tháng chờ đợi, 3 phương án tốt nhất tại cuộc thi thiết kế cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng đã chính thức được trưng bày ở Hà Nội.
Nói chờ đợi không sai, bởi từ nửa năm trước, chuyện về thiết kế của cây cầu này đã được hâm nóng - khi dư luận phản ứng khá gay gắt với phương án kiến trúc được đưa ra ban đầu với tên gọi Xứ Đông Dương. Khi ấy, lai căng, giả cổ, thiếu dấu ấn thời đại... là những nhận xét được cộng đồng và giới chuyên gia đưa ra quanh phương án này.
Để rồi bây giờ, chúng ta có hẳn một cuộc thi tìm chọn thiết kế cho cây cầu bắc qua trung tâm thành phố.
Từ 3 phương án (trong số gần 20 phương án dự thi) được đánh giá cao và trưng bày lấy ý kiến cộng đồng, có thể thấy các bản thiết kế đều khá chú ý tới yếu tố tạo hình theo những ý tưởng khá mạch lạc và xuyên suốt, thay cho sự mơ hồ, cóp nhặt như trường hợp “Xứ Đông Dương”.
Chẳng hạn, phương án giành giải Ba lấy cảm hứng từ hoa văn thủy ba (sóng nước) của điêu khắc thời Lý - Trần. Theo như diễn giải, thủy ba cũng có thể hiểu là khởi nguồn của sự luân chuyển không ngừng - điều phù hợp với một cây cầu vừa kết nối không gian, vừa mang ý nghĩa kết nối văn hóa truyền thống của thời đại mới. Do vậy, hệ 5 cột tháp của cầu được bố trí thêm hoa văn chìm ở mặt trong, kết hợp cùng hệ dây văng tạo thành những chân sóng hình sin hướng tới sự thanh nhã, mềm mại.
Trong khi đó, phương án giành giải nhì lại chọn dáng vòm 5 nhịp uốn khúc theo dáng Rồng nhà Trần để tương ứng với cái tên cũ Thăng Long của Hà Nội. Sử dụng ngôn ngữ hiện đại, 5 nhịp vòm ấy được mở ra liên tiếp và tỏa rộng để kì vọng tạo hiệu ứng thị giác, cũng như khả năng kết hợp với nghệ thuật chiếu sáng để tạo cảm giác nhấp nhô gợi lại dáng rồng.
Đặc biệt, phương án giành giải Nhất được thuyết minh theo cảm hứng từ hai chữ “bất tận” - vốn là ấn tượng về chiều dài lịch sử lẫn không gian mênh mông trải rộng trên sông Hồng. Tại phương án này,2 đường cong đặc biệt ở 2 bên cầu được diễn giải vừa như làn sóng, vừa như chuỗi ADN trong công nghệ hiện đại, vừa là biểu trưng của sợi dây kết nối hai vùng. Chạy suốt chiều dài cầu, hai đường lượn sóng nhịp nhàng và liên tục ấy có sự tương tác và liên kết mật thiết với nhau để tạo hiệu ứng thị giác khi đi qua cầu, đồng thời tạo thành hình ảnh của đường cong vô cực đối với điểm nhìn từ bờ sông...
***
Dù là sóng, là rồng hay đường cong vô cực, những mẫu thiết kế này sẽ còn phải đi tiếp một chặng đường dài để nên hình hài thật.
Thực tế, trao đổi với người viết, một số chuyên gia cũng đã bày tỏ sự băn khoăn - khi các phương án đoạt giải dường như chỉ chú trọng tới phần “họa tiết trang trí”, nhưng các kết cấu cơ bản vẫn không có gì mới mẻ. Và, dù dự kiến sử dụng một phần nguồn lực xã hội hóa, những phần tạo hình lạ mắt, phi chuẩn ấy chắc chắn sẽ khiến giá thành xây dựng và duy tu, bảo dưỡng tăng mạnh đối với cây cầu đầu tư theo hình thức BOT này.
- Từ cây cầu 'Xứ Đông Dương' tới xu thế kiến trúc ham 'giả cổ'
- Góc nhìn 365: Hà Nội luôn cần những cây cầu đẹp
- Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu vượt sông Hồng
Nhưng, cũng cần nhắc lại, trong lịch sử Hà Nội, đây cũng là lần đầu tiên một cây cầu bắc qua sông Hồng được tổ chức thi tuyển thiết kế rộng rãi và lấy ý kiến công khai. Đó là điều chưa từng xảy ra với 6 cây cầu vượt sông Hồng từng có trước đây vì nhiều lý do - trong đó có cả những hạn chế về điều kiện kinh tế, nhận thức xã hội hay tư duy về cảnh quan đô thị.
Và, dù cuộc thi ấy phần nào bắt đầu một cách bị động sau những phản ứng về thiết kế ban đầu, những gì đang diễn ra rõ ràng là tín hiệu tích cực của một đô thị đang phát triển, cũng như của nhận thức chung. Như thế, hãy cứ để cuộc tranh luận - phản biện về cây cầu của tương lai được tiếp tục một cách công bằng và dân chủ, trong quyết tâm tạo lập thêm một kiến trúc hữu ích, giàu tính văn hóa nhằm nối đôi bờ thành phố.
Cúc Đường
Tags