Vừa mới hôm nào “mở mắt thấy mùa Hè”, thế mà vèo một cái, ba tháng nghỉ Hè cũng đã qua. Theo kế hoạch, bắt đầu từ đầu tuần này, học sinh lớp 1 tại một số tỉnh, thành (trong đó có Hà Nội) đã tựu trường. Các khối còn lại lịch tựu trường sẽ vào những ngày cuối tháng 8. Lịch khai giảng trên toàn quốc đồng loạt vào ngày 05/09.
Một năm học mà ngành giáo dục xác định chủ đề là “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”, với 12 nhiệm vụ trọng tâm sắp bắt đầu.
Trước thềm năm học mới này, vẫn còn rất nhiều những khó khăn, thách thức mà ngành giáo dục cần phải vượt qua. Đầu tiên là vấn đề thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy các môn học mới.
Chúng ta đều biết rằng, từ năm học 2022 - 2023, nhiều môn học vốn là tự chọn sẽ được dạy bắt buộc trong chương trình lớp 3, 7, 10. Riêng với lớp 3, đây là năm học đầu tiên môn tiếng Anh và Tin học trở thành môn bắt buộc, thay vì tự chọn như trước đây. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương trong cả nước hiện nay, giáo viên giảng dạy các môn này hiện vẫn thiếu trầm trọng.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, số lượng giáo viên dạy ngoại ngữ cho lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông mới hiện còn thiếu 5.322 giáo viên. Với môn Tin học, nếu tính tối thiểu 1 giáo viên/trường thì con số cần bổ sung là 3.684 giáo viên.
Và không chỉ với khối lớp 3, khối lớp 10 với những môn tự chọn Âm nhạc và Mỹ thuật cũng thiếu giáo viên.
Trước thực trạng nguồn tuyển dụng thiếu, nhiều địa phương đang tính toán, cân nhắc, trước hết tập trung giải quyết số giáo viên hợp đồng lâu năm, ưu tiên giáo viên văn hóa tiểu học và các môn học mới. Một số địa phương (Thanh Hóa) còn phải đưa ra giải pháp điều động các giáo viên dạy trung học xuống dạy bậc tiểu học. Có địa phương (Hà Giang, Lai Châu) chọn giải pháp đầu tư trang thiết bị để dạy trực tuyến hai môn tiếng Anh và Tin học. Tất nhiên, với các giải pháp tình thế như vậy sẽ không thể đòi hỏi chất lượng dạy học các môn học này đạt được như kỳ vọng.
***
Xem ra, chủ đề “nỗ lực vượt khó khăn” của ngành giáo dục trong năm học này rất trúng, cả trên bình diện vĩ mô và vi mô. Chuyện nhỏ mà không nhỏ là cái nhà vệ sinh cho các em cũng không hề dễ giải quyết ngay cả với Thủ đô Hà Nội. Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2021/2022 của Sở GD&ĐT Hà Nội, Phó bí thư thành ủy Hà Nội đã phải lên tiếng rằng: “Thời gian qua, tôi có trực tiếp đi rất nhiều trường, từ mầm non, tiểu học đến THCS ở các quận lẫn các huyện... Có nơi phòng ốc rất đẹp nhưng vô cùng thiếu nhà vệ sinh”.
Rồi vẫn đề thường trực trong 2 năm qua là dịch Covid-19, cũng chưa phải đã kết thúc vẫn cần phải linh hoạt và thích ứng...
- Góc nhìn 365: Ngày khai giảng khó quên và không thể quên
- Các tỉnh tổ chức khai giảng năm học mới với nhiều hình thức linh hoạt
- Chào tuần mới: Bâng khuâng trước ngày khai giảng
Nhưng giữa bộn bề các vấn đề đó, cá nhân tôi cho rằng, thách thức lớn nhất mà ngành giáo dục cần phải vượt qua không chỉ trong năm học mới này, mà cả trong tương lai. Đó chính là trung thực trong giáo dục. Điều này được chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm học 2021/2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022/2023. Ông cho rằng, có những vấn đề "đau" cũng phải nói. “Tại sao chúng ta cứ loay hoay câu chuyện thi cử. Không chỉ thi THPT mà thi cử nói chung, kiểm tra, rồi dạy thêm, học thêm; hay hệ lụy nữa là chuyện sách tham khảo... Bởi rất đơn giản vì chúng ta chưa thực sự trung thực ngay trong giáo dục”.
Mong rằng trong năm học mới này, ngành giáo dục sẽ nhìn nhận được những bất cập cả khách quan lẫn chủ quan, từ đó nỗ lực vượt qua những khó khăn, giữ gìn được sự trung thực, để hoàn thành nhiệm vụ năm học mới.
Quốc Khánh
Tags