(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần trước, một không gian dành cho cộng đồng vừa được khánh thành tại phường Phúc Tân ven bờ sông Hồng - nơi trước đây vốn là khu tập kết rác thải.
Mới nghe qua, hẳn nhiều người sẽ nghĩ tới “con đường nghệ thuật Phúc Tân”, một dự án từng thu hút sự chú ý đặc biệt của báo giới sau khi hoàn thành vào đầu năm 2020 và giành Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Thế nhưng, rất thú vị, đây là một dự án hoàn toàn khác và chỉ nằm cách “con đường nghệ thuật” vài trăm mét.
Không quá hoành tráng về quy mô và ý tưởng nghệ thuật, dự án này vẫn khiến người xem phải hào hứng trước những gì mà nó mang về.
Cũng cần nhắc lại, trải dài suốt hơn 1km dọc sông Hồng, dải đất lở bờ sông của phường Phúc Tân từ gần 30 năm nay luôn là nơi đổ rác của người dân địa phương, của những khu vực lân cận và cả chợ đầu mối Long Biên gần đó. Bãi rác khổng lồ ấy, nằm chắn giữa bờ sông và bức tường được xây năm 1993 để bảo vệ hành lang sông, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà cũng là trở ngại cực lớn cho những người muốn bước ra tìm phút thư giãn ở khu vực này.
Để rồi, khi “con đường nghệ thuật Phúc Tân” hoàn thành, khoảng 250 mét của bờ sông này (thuộc các tổ 1, 2 phường Phúc Tân) đã được mở ra để dành chỗ cho cộng đồng. Rác bẩn được dọn sạch, hệ thống chiếu sáng được lắp đặt để hình thành một không gian mới quanh những điểm nhấn trung tâm là 16 tác phẩm nghệ thuật làm từ phế liệu của các nghệ sĩ tham gia dự án.
Về cơ bản, dự án vừa được hoàn thành tại tổ 16 phường Phúc Tân cũng có những điểm tương đồng với cách tiếp cận này, khi rác bẩn tại bờ sông được dọn đi để nhường chỗ cho tranh tường, hệ thống ghế, dụng cụ thể dục và đồ chơi công cộng (trong đó có cả những món đồ làm từ lốp xe và phế liệu). Đặc biệt, phụ nữ tại khu vực này còn được bố trí cả một khu vực để... luộc ngô (vốn rất sẵn tại bãi giữa sông Hồng) và bán tại đây.
Đáng chú ý, nếu dự án đầu tiên tại Phúc Tân được chủ trì bởi quận Hoàn Kiếm và có sự tham gia của 16 họa sĩ chuyên nghiệp, thì dự án thứ 2 này lại mang tính xã hội hóa rất cao. Đơn vị tổ chức dự án là mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” và doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Kinh phí thực hiện dự án chủ yếu do các đơn vị này đóng góp, bên cạnh sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch.
- Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân: Lưu giữ ký ức của Hà Nội và sông Hồng
- Con đường nghệ thuật ở 'bãi rác' Phúc Tân: Kể chuyện về sông Hồng
Và, vì “đi sau”, nên cũng không khó hiểu khi dự án mới này nhận được sự hưởng ứng lớn từ cộng đồng địa phương, sau khi họ chứng kiến những tiện ích mà “con đường nghệ thuật Phúc Tân” mang về. Cụ thể, như lời kể, nếu ở dự án đầu tiên, các nghệ sĩ phải cùng chính quyền đi xuống thuyết trình, giải đáp trước những thắc mắc, nghi ngờ của người dân thì ở dự án sau, cư dân tại đây đã rất tích cực cùng tham gia dọn rác để tạo dựng không gian mới. Thậm chí, hệ thống hàng rào an toàn và cổng chào còn được người dân chung tay dựng lên để bổ sung cho sân chơi này.
Như thế, theo một nghĩa nào đó, 2 dự án công cộng tại phường Phúc Tân đã nối tiếp và bổ sung cho nhau, để cả quần thể này tiến gần tới mô hình của một không gian sinh thái ven sông Hồng như nhiều người đang kỳ vọng. Và rõ ràng, bên cạnh những dự án “điểm” của Nhà nước, nguồn lực xã hội hóa chính là nền móng vững chắc nhất để những không gian bị “bỏ quên” trong thành phố có thể được cải tạo, như nó vừa diễn ra ở Phúc Tân.
Bởi, trong cơn lốc đô thị hóa như hiện tại, tất cả người dân đều luôn cần những không gian xanh, sạch và... miễn phí cho mình.
Trí Uẩn
Tags