(Thethaovanhoa.vn) - Tuyến metro (tàu điện ngầm) số 2 của Hà Nội chỉ... chạy ngang khu vực Hồ Gươm mà không dừng lại. Nếu muốn nhìn đền Ngọc Sơn thì hành khách phải đi bộ với khoảng cách khoảng 1.300 mét từ 2 ga gần nhất tại vườn hoa Hàng Đậu hoặc ngã tư Trần Hưng Đạo - Hàng Bài.
Tưởng đùa, nhưng đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi được đề cập tại 1 trong 3 phương án điều chỉnh hướng tuyến, vị trí của ga Hồ Gươm - vốn đang được thành phố Hà Nội gửi tới các bên liên quan để lấy ý kiến, sau hơn 10 năm tranh luận về vị trí của công trình ngầm này.
Chính xác, thì đó là khoảng thời gian 13 năm kể từ 2008 - thời điểm ga metro tại Hồ Gươm mang ký hiệu C9 được nhắc tới trong bản quy hoạch đường sắt đô thị, do Hà Nội phối hợp thiết lập cùng tư vấn Nhật Bản. Và tất nhiên, mọi chuyện sau đó không thể đơn giản, khi mọi thứ gắn với Hồ Gươm - không gian lâu đời, giàu giá trị và... cũng nhạy cảm vào bậc nhất của thành phố.
Những phản ứng từ dư luận - và cả các cơ quan trong lĩnh vực văn hóa - về vị trí của ga ngầm này đều gắn với khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Gươm (thậm chí là vi phạm Luật Di sản), khi thiết kế ban đầu có một phần nhà ga và một cửa lên xuống nằm trong vùng bảo vệ số 2 của di tích.
Để rồi, qua khá nhiều lần tranh luận, tổ chức triển lãm quy hoạch và lấy ý kiến cộng đồng, việc... bỏ ga C9 (có để ngỏ khả năng bổ sung sau khi tuyến metro số 2 hoàn thiện và vận hành) đã xuất hiện trong những phương án điều chỉnh mới nhất của Hà Nội. 2 phương án còn lại là giữ nguyên vị trí ban đầu, hoặc đưa ga ra ngoài vùng bảo vệ cấp 2 của di tích, đồng thời thay đổi thiết kế - dù sự điều chỉnh ấy sẽ dẫn tới tăng vọt về kinh phí xây dựng và giải phóng mặt bằng...
***
Thẳng thắn, việc bỏ ga ngầm C9 hiện vẫn chỉ là một đề xuất để cân nhắc. Sẽ là vô cùng lãng phí và vô lý, khi chúng ta vẫn có một tuyến metro đi qua khu vực Hồ Gươm nhưng lại không thể chọn được một ga ngầm để đón và trả khách ở nơi vẫn được coi là “trái tim” của Hà Nội.
Sự thực, trong rất nhiều tranh luận về vấn đề này, hầu hết các chuyên gia đều khẳng định: sự tồn tại của ga metro Hồ Gươm là cần thiết và hữu ích. Đó không chỉ là việc tạo cơ hội để cộng đồng có thể dễ dàng tiếp cận với Hồ Gươm bằng những tiện ích của một phương tiện giao thông hiện đại. Ở hướng ngược lại, việc có thể đi thẳng tới đây bằng metro với sức chuyên chở lớn cũng là một lựa chọn ít nhiều hữu ích trong việc giảm bớt lượng xe cơ giới, cũng như bớt áp lực cho các điểm trông giữ xe vốn đã quá tải gần hồ.
- Bộ VHTTDL gửi công văn tới TP Hà Nội về việc xây dựng nhà ga C9 khu vực Hồ Gươm
- Hoàn thiện hồ sơ về phương án thiết kế, thi công ga C9 thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội
Cũng phải nhắc lại, vài năm qua, nhiều phương án bổ sung khác cho việc tìm vị trí ga C9 cũng đã được các chuyên gia đề xuất và nhận sự tán đồng của dư luận. Đơn cử, đó là ý tưởng của tư vấn Nhật Bản, khi đề xuất “nắn” một đoạn tuyến metro từ vườn hoa Hàng Đậu vòng ra đường Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân để đặt ga C9 tại khu vực vườn hoa Con Cóc. Rồi, đó là ý tưởng mạnh dạn mà nhà sử học Dương Trung Quốc từng nhắc đến: chuyển trụ sở của một cơ quan Nhà nước cạnh Hồ Gươm để tạo thành quảng trường phục vụ cộng đồng, phía dưới có ga ngầm metro...
Cùng với 3 phương án vừa được đề xuất, tất cả những ý tưởng ấy cũng cần được tập hợp, phản biện và phân tích đầy đủ, trước khi chúng ta đưa ra quyết định cuối cùng. Có thể, ga metro Hồ Gươm sẽ lại cần thêm thời gian - và cả kinh phí - để trở thành hiện thực. Nhưng, đó là sự cầu thị và kiên nhẫn cần thiết, nếu chúng ta không muốn triệt tiêu khả năng phát huy giá trị của Hồ Gươm ở một công trình giao thông tiên tiến.
Trí Uẩn
Tags