Góc nhìn 365: Hành trình 55 năm của di chỉ Vườn Chuối

Thứ Năm, 24/10/2024 08:36 GMT+7

Google News

Một thông tin quan trọng trong đời sống di sản: Vài ngày trước, những kết quả mới nhất trong quá trình khai quật khu di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) vừa công bố. Theo đó, một khu mộ táng lớn thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn và Đông Sơn (khoảng 2.500 năm - 4.000 năm trước) đã được tìm thấy tại khu vực này.

Được phát hiện từ năm 1969, di chỉ Vườn Chuối đã trải qua nhiều đợt khai quật khác nhau - và cũng cho thấy những lớp giá trị đa dạng qua mỗi lần khai quật.

Ở đợt khai quật vừa qua (kéo dài từ tháng 3), khu mộ táng vừa phát lộ có mức độ tập trung khá cao với hơn 100 ngôi mộ thuộc các giai đoạn Đông Sơn và Tiền Đông Sơn. Theo các chuyên gia, đây gần như là lần đầu tiên một khu mộ táng thuộc giai đoạn Tiền Đông Sơn được phát hiện, thay vì các ngôi mộ riêng lẻ trước đây.

Đáng nói, về cơ bản, hệ thống di cốt trong các mộ táng này vẫn được bảo tồn khá tốt và hứa hẹn cung cấp những thông tin sâu khi triển khai nghiên cứu về nhân chủng học, hay các hình thức mai táng của người Việt cổ phía Bắc Việt Nam trong lịch sử.

Góc nhìn 365: Hành trình 55 năm của di chỉ Vườn Chuối - Ảnh 1.

Mộ táng phát hiện tại di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Đoàn khai quật cung cấp/VnExpress

Ở một góc độ khác, bên cạnh nhiều dấu tích bếp lửa, lò đúc và các di vật thuộc chất liệu đồng, gốm, gỗ sắt… được phát lộ, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một số cột nhà và di tích kiến trúc, cho phép mở ra những triển vọng mới về kiến trúc nhà ở thường nhật trong các ngôi làng Việt cổ thời Đông Sơn, cũng như cách bố trí không gian cư trú trong làng.

Còn về tổng thể, cộng cùng kết quả từ những đợt khai quật trước, những gì vừa được phát hiện càng cũng cố vững chắc lập luận của ngành khảo cổ học về sự có mặt của con người từ rất sớm tại khu vực Hà Nội ngày nay, cũng như chứng minh nguồn gốc bản địa của các nhóm người dân tộc Việt từ thời tiền sơ sử tại đây.

***

Nhìn lại, trong 55 năm tính từ khi được phát hiện, di chỉ Vườn Chuối có số phận khá lận đận. Cho đến giờ, khu vực này vẫn chưa được xếp hạng di tích ở bất cứ cấp độ nào. Thậm chí nhiều năm trước, nó còn đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề, khi nằm trong quỹ đất được tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho doanh nghiệp xây dựng khu đô thị.

Góc nhìn 365: Hành trình 55 năm của di chỉ Vườn Chuối - Ảnh 2.

Khu vực khai quật di chỉ Vườn Chuối rộng 6.000 m2. Ảnh: Đoàn khai quật cung cấp/VnExpress

Ở một góc độ khác, song song với cảnh "lận đận" ấy là nỗ lực của rất nhiều nhà khoa học từng lên tiếng đề nghị bảo vệ - và phát huy giá trị - của di chỉ Vườn Chuối theo đúng những giá trị mang theo. Và đứng sau họ là cả cộng đồng cư dân làng Lai Xá, vốn nhiều năm qua vừa cặm cụi thu gom, sưu tập từng mảnh hiện vật rơi vãi, vừa ngày đêm căng sức bảo vệ di chỉ này trước nạn đào trộm cổ vật.

Để rồi, khoảng 3 năm trước (2021), những kết quả tích cực đã xuất hiện: Các cơ quan chức năng thống nhất thực hiện nghiên cứu bảo tồn khu vực phía Đông di chỉ này ( khoảng 6.000m2) để đưa vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố; đồng thời, thực hiện phương án khai quật di dời di tích, di vật ở khu vực phía Tây của di chỉ.

Còn bây giờ, những kết quả khai quật như vừa qua rõ ràng là một bước đi quan trọng để di chỉ Vườn Chuối tiếp tục được khẳng định đúng với giá trị hiện có, cũng như một tương lai tích cực.

Và ở đó, cũng cần nhớ tới ý tưởng của PGS Nguyễn Văn Huy và cộng sự, từng nhận giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (ở hạng mục Ý tưởng) của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) lần thứ 11 năm 2018. Theo ông, di chỉ Vườn Chuối nên được phát triển theo mô hình của một công viên di sản, để không gian này vừa có thể trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng bản địa, vừa là nơi để du khách có thể tìm hiểu về những "chủ nhân" sớm nhất của Hà Nội qua hệ thống di vật, di tích đang có.

Trí Uẩn

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›