(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin về việc Hà Nội khởi động lại ý tưởng nghiên cứu quy hoạch sông Hồng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
Theo đó, trong buổi làm việc mới đây, lãnh đạo thành phố đã đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp, thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phân lũ hai bên sông, từ đó tạo cơ sở để Hà Nội triển khai quy hoạch đô thị sinh thái hai bên bờ sông Hồng.
Có nghĩa, khi điều này thành hiện thực, chúng ta sẽ được thấy một diện mạo mới của sông Hồng giữa lòng Hà Nội – điều đã luôn được nhắc đến trong 1/4 thế kỷ vừa qua.
Nói 1/4 thế kỷ cũng là tương đối, cho dù nhiều người vẫn lấy năm 1995 - thời điểm một số nhà đầu tư nước ngoài đề xuất quy hoạch một khu đô thị sát sông Hồng (thuộc khu vực phường Yên Phụ) để làm cái mốc cho câu chuyện này.
Bởi, nếu đi xa hơn, chúng ta cũng không thiếu những ví dụ về ý tưởng “vươn” qua tuyến đê sông Hồng và khai thác chuỗi không gian ngoài bãi bồi cho thành phố.
Điển hình, như lời nhà sử học Dương Trung Quốc, những tư liệu của quân đội đến giờ vẫn còn lưu giữ lời nhận xét của De Castries ở một câu chuyện “ngoài lề” trong quá trình thẩm vấn sau trận Điện Biên Phủ. Nói về Hà Nội, vị tướng người Pháp ấy khen sông Hồng quá đẹp, với chiếc cầu sắt Long Biên giống như tòa tháp Eiffel ngả xuống nối đôi bờ. Chỉ có điều, ông thắc mắc rằng tại sao Hà Nội lại quay lưng với sông Hồng mà không biến bãi giữa thành một công viên lớn, nơi có thể tổ chức một trường đua ngựa cũng như những không gian sinh thái cho cộng đồng...
***
Việc Hà Nội “quay mặt ra sông” trước hết là một câu chuyện của lịch sử. Con đê chạy dọc sông Hồng, đoạn qua thành phố, được người Pháp cho đắp cao lên vào giữa thập niên 1920 sau những trận lụt lớn nhưng cũng đồng thời trở thành rào chắn, khiến thành phố bị ngăn cách với mặt sông. Rồi theo thời gian, sức ép dân số, cộng cùng những hạn chế nhất định trong khâu quản lý đô thị, đã khiến phần ngoài đê phát triển lộn xộn và nhem nhuốc đến giờ.
Thẳng thắn, hơn chục năm qua, chúng ta đã đưa ra rất nhiều dự án và ý tưởng để chỉnh trang và kết nối với 2 bờ sông Hồng. Thực tế ấy không chỉ đến từ việc Hà Nội đã bước đầu có những điều kiện cần thiết để “bước ra” sông Hồng. Xa hơn, nó còn là nguyện vọng đã được nhen lên quá lâu, từ những người vẫn hàng ngày chứng kiến những gì đang bị bỏ phí bên con sông lớn nhất trong thành phố.
Chỉ có điều, tất cả những dự án, ý tưởng đã đề ra vẫn chưa thể thành hiện thực. Lý do có nhiều, nhưng tựu trung vẫn là những phức tạp trong việc xác định hành lang thoát lũ và điều kiện thủy văn 2 bên sông, cũng như những tranh luận trong việc khai thác quỹ đất ngoài đê để tạo nguồn kinh phí.
Bây giờ, khi ý tưởng quy hoạch sông Hồng được tái khởi động, giấc mơ “thành phố bên sông” lại bước sang một giai đoạn mới.
Chắc chắn, Hà Nội sẽ còn phải đi tiếp một chặng đường dài, để sông Hồng thật sự trở thành một nguồn lực của thành phố cả về cảnh quan, sinh thái, nguồn nước hay du lịch. Nhưng hãy cứ hy vọng, về tương lai của “thành phố bên sông”, và cả về một mong muốn rất thực của nhiều người: Phần lớn quỹ đất ven sông Hồng sẽ thật sự trở thành không gian chung của cả cộng đồng, thay vì sẽ trở thành những cao ốc dành cho số ít...
Sơn Tùng
Tags